Vympel - Đội quân bí mật thiện chiến của KGB

30/09/2006 20:13 GMT+7

Năm 2006 này, LB Nga kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Vympel - đội quân tình báo bí mật thiện chiến của cơ quan tình báo Liên Xô KGB. Tuy từ năm 1993, Vympel không còn tồn tại nhưng những chiến tích của đội quân huyền thoại này khiến cho nhiều quốc gia phải nể phục.

Chiến dịch Baikal-79

Vào giữa những năm 1970, Liên Xô thành lập phân đội 8 (tiền thân của Vympel) thuộc Cục C - cơ quan tình báo chuyên theo dõi tất cả những gì có liên quan đến quân đội đặc nhiệm của NATO. Biên chế của phân đội 8 là các chiến sĩ đặc biệt tinh nhuệ. Không lâu sau khi thành lập, vào ngày 27.12.1979, phân đội 8 được giao nhiệm vụ đánh chiếm cung điện Tadj-Beck ở Kabul để bắt giữ Hafizullath Amin - Tổng thống Cộng hòa dân chủ Afghanistan, người vào năm 1978 đã lật đổ chính quyền do Liên Xô dựng lên ở đây và muốn tách khỏi sự ảnh hưởng của cường quốc này. Chiến dịch được mang tên "Baikal-79".


Tướng Yuri Drozdov - cha đẻ của Vimpel
Cha đẻ của Vympel, lãnh đạo Cục C - tướng Yuri Drozdov, là người trực tiếp chỉ huy chiến dịch này. Droznov nhớ lại: "Lúc ấy, do tình thế khẩn cấp nên không có kế hoạch chi tiết. Vào ngày 24.12, khi họp bàn, mọi người đều cho rằng rất khó khăn để đánh chiếm cung điện Tadj-Beck, kể cả huy động lực lượng quân đội Liên Xô đồn trú tại Afghanistan. Nhưng tôi đề nghị đây là công việc mà chỉ có lực lượng đặc nhiệm phân đội 8 mới có thể thực hiện được. Và cuối cùng phân đội 8 được giao là lực lượng chủ chốt đánh chiếm Tadj-Beck".

Ngay ngày hôm sau - 25.12, các chiến sĩ đặc nhiệm tiến hành trinh sát xác định các vị trí phòng thủ, điều tra số lượng binh lính của Amin xung quanh Tadj-Beck, sau đó trong 2 ngày 2 đêm họ nằm phục trong các khe đá quanh cung điện này. Vào chiều ngày 27.12, phía Liên Xô chiêu đãi tiệc đội quân bảo vệ Amin tại Tadj-Beck. Chỉ có 15 người đến dự. Trong khi phía Liên Xô chỉ uống nước trắng giả rượu vodka, thì các bảo vệ của Amin liên tục được rót vodka thật, chè chén say sưa... Khi phía Liên Xô phát lệnh cho quân đội của mình đánh chiếm các vị trí xung yếu ở Kabul, thì 60 chiến sĩ đặc nhiệm cũng tấn công Tadj-Beck. Chiến dịch kéo dài 43 phút, Amin bị giết chết, còn phân đội 8 có 5 người hy sinh. Tất cả được tiến hành nhanh chóng và khá gọn nhẹ, để vào hôm sau toàn thế giới ngỡ ngàng khi được tin "cuộc nổi dậy của nhân dân Afghanistan đã thành công", chính quyền mới của đất nước Hồi giáo này được thành lập.

"Trái bom nhiệt hạch"

Gần 2 năm sau chiến dịch Baikal-79, vào ngày 19.8.1991, Chủ tịch KGB Yuri Andropov ký sắc lệnh thành lập đội quân Vympel trực thuộc KGB. Lực lượng này có nhiệm vụ hoạt động bí mật ngay trong lòng địch, thu thập tin tức tình báo, phá hoại các cơ sở chiến lược của đối phương, bắt cóc thuyền, tàu ngầm, bảo vệ các cơ quan và công dân của Liên Xô ở nước ngoài... Một số các phân đội của Vympel từng có mặt tại Việt Nam, Cuba, Nicaragua...

Do đặc thù hoạt động của Vympel mà một số người gọi lực lượng này là "trái bom nhiệt hạch". Việc tuyển chọn người của Vympel cực kỳ kỹ lưỡng, chỉ có các tình báo viên, sĩ quan quân đội tình nguyện gia nhập mới được xem xét. Trong 1.000 người nộp đơn, sau khi thanh lọc chỉ giữ lại 12 ứng viên. Sau thời gian thử thách chỉ còn 3 - 4 người có khả năng đáp ứng đòi hỏi công việc. Hơn 90% số người của Vympel sử dụng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ, có từ 2 - 3 bằng đại học. Hằng ngày, họ phải tập luyện với cường độ cực lớn, biết sử dụng mọi vũ khí, biết điều khiển mọi phương tiện giao thông kể cả máy bay, tàu thủy.

Họ được trang bị vũ khí hiện đại nhất để có thể tác chiến trong mọi chiến dịch và có khả năng thích ứng với tất cả các điều kiện khắc nghiệt nhất của thiên nhiên, từ sa mạc, rừng rậm đến đêm đen lạnh giá ở Bắc cực. Mỗi một chiến sĩ Vympel đều có thể tự thu thập phân tích thông tin, độc lập vạch và thực hiện kế hoạch. Đây là điểm mà không lực lượng bảo vệ nào trên thế giới có thể thực hiện được. Trong dịp kỷ niệm 25 năm ngày thành lập vừa qua, tướng Yuri Drozdov còn tiết lộ, không ít chiến binh Vympel còn "thực tập" ngay trong lực lượng đặc nhiệm của NATO và Vympel còn cài người của mình trên lãnh thổ nhiều quốc gia của khối này để phục vụ "giai đoạn đặc biệt" . Ông nói: "Hiện các chiến binh này còn hay không thì tôi không thể tiết lộ. Hãy để cơ quan tình báo các nước phải đau đầu về vấn đề này".

Một thời vang bóng

Cho đến nay, rất ít thông tin về Vympel được tiết lộ. Đội quân này hầu như vẫn là một ẩn số với cơ quan bảo vệ nhiều nước. Hoạt động của nó hầu như là "vô hình, vô ảnh". Tướng Yuri Drozdov đưa ra một ví dụ cho nhận định vừa nêu: Có lần tại Li-băng, một số công dân của Liên Xô bị một băng đảng khủng bố bắt cóc. Các cuộc thương lượng với bọn chúng đều không thành công, nhưng sau đó trong những tình huống khá bí ẩn, các thủ lĩnh của bọn khủng bố lần lượt bị chết. Một thông điệp được gửi đến bọn khủng bố: Nếu không thả công dân Liên Xô thì chúng hãy tự "bỏ phiếu bốc thăm" xem ai là người kế tiếp sẽ chết. Sau hai tháng rưỡi, các công dân Liên Xô được thả tự do. Tựu trung, theo lời của cha đẻ Vympel, lực lượng này từng dùng tàu ngầm đổ bộ vào miền biển của một quốc gia, thần tốc vượt qua chiều dọc của quốc gia ấy, bắt cóc "người có thông tin" rồi lặng lẽ biến mất dạng dưới mặt nước biển.


Một số hình ảnh tập luyện của các chiến binh Vympel - Ảnh: FCB

Một chuyện khác cho thấy đẳng cấp của Vympel cao như thế nào: Vào năm 1992, trong buổi diễn tập tại nhà máy nguyên tử Kalynin, các chiến binh Vympel phải nhảy dù xuống nóc của lò phản ứng nguyên tử. Khó nhất là ngay trên nóc lò có đường dây điện cao thế, nếu dính vào đó thì sẽ chết ngay. Thế nhưng họ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: chỉ cần 7 giây sau khi hạ xuống nóc là giải phóng trung tâm điều khiển khỏi "bọn khủng bố".

Vào tháng 8.1991, Vympel từ chối không thực hiện mệnh lệnh bao vây Nhà Trắng (Duma quốc gia Nga). Theo nhiều chuyên gia, lúc ấy chỉ cần khoảng 5 chiến binh của Vympel là có thể bắt giữ Tổng thống Nga B.Yeltsin đang đứng trên xe tăng hiệu triệu dân Nga không ủng hộ nhóm đảo chính GKCP chống lại M.Gorbachev. Đến tháng 10.1993, khi B.Yeltsin ra lệnh bắn vào Nhà Trắng, Vympel đã không thực hiện mệnh lệnh bao vây Duma quốc gia. Kết quả vào năm này, Vympel được chuyển giao cho Bộ Nội vụ và được đổi tên thành Vega. Trong hàng trăm chiến binh của Vympel, chỉ có 50 người đồng ý mặc sắc phục cảnh sát, số còn lại đều viết đơn xin nghỉ hưu. Nghe tin Vympel bị giải thể, đại diện của nhiều hãng bảo vệ lớn của Mỹ đã đến Moscow mời họ hợp tác. Thế nhưng không một người nào nhận lời ra nước ngoài làm việc. Một số chuyển qua công tác tại Bộ Tình trạng khẩn cấp, số còn lại gia nhập Cục Tác chiến đặc biệt mới được thành lập, trực thuộc Cục Tình báo đối ngoại Nga (FCB).

Một số yêu cầu bắt buộc đối với các chiến sĩ của Vympel

1. Biết tổ chức phục kích, đột kích, bảo vệ an ninh cơ sở vật chất, con người và bắt giữ những tội phạm đặc biệt nguy hiểm.

2. Biết làm việc cùng các thám báo, biết cách thoát khỏi "còng tay", biết lọt vào được bất cứ cơ sở nào.

3. Biết cách chế tạo và tháo gỡ các loại vũ khí gây nổ.

4. Biết bắn tất cả các loại súng của Liên Xô (Nga) và của nước ngoài.

5. Có trình độ võ thuật đẳng cấp cao.

6. Biết đọc và vẽ bản đồ.

7. Biết sử dụng vô tuyến điện.

8. Luôn là người đầu tiên cứu giúp người bị thương, nắm chắc các kỹ thuật y tế quân sự.

9. Nhảy dù thành thạo.

10. Có đẳng cấp ít nhất là loại III về leo núi.

11. Bơi lặn tốt trong mọi điều kiện.

12. Biết lái bất kỳ loại xe nào kể cả xe tăng, xe thiết giáp.

13. Nắm rõ các nguyên tắc lái máy bay và máy bay trực thăng.

14. Bắn tỉa đẳng cấp cao.

H.H.S

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.