Làm thế nào phổ biến quy trình sản xuất rau an toàn đến nông dân?

29/09/2007 16:42 GMT+7

Theo Cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế), từ năm 2000 đến nay, bình quân mỗi năm nước ta xảy ra hơn 200 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 4.572 nạn nhân, trong đó 16% ngộ độc do hóa chất. Đã có 24,9% hộ nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên rau màu không đúng kỹ thuật và liều lượng, trên 4% mẫu rau có dư lượng thuốc vượt mức cho phép. Ông Nguyễn Thế Phú - Phó cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết:

Quy trình sản xuất rau ở nước ta không được kiểm soát chặt chẽ. Từ trước đến nay, chúng ta sản xuất rau an toàn chưa có tiêu chuẩn thống nhất và hầu như manh mún ở từng địa phương. GAP (Good Agricultural Practice) là hình thức sản xuất nông nghiệp bền vững, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, phù hợp với quy định quốc tế.

Nước ta đang xây dựng “Việt GAP” sau khi tham khảo cách làm của các nước có nền sản xuất nông nghiệp tiên tiến như Thái Lan, Singapore và một số nước châu u. Chương trình huấn luyện nông dân sản xuất và xây dựng mô hình rau an toàn theo hướng GAP sẽ tổ chức huấn luyện cho cán bộ kỹ thuật và bà con nông dân trồng rau theo hướng an toàn và ổn định hơn, phù hợp với từng tiểu vùng sinh thái.

* Chi phí sản xuất rau an toàn liệu có cao hơn  so với sản xuất truyền thống của nông dân trước đây, thưa ông?

- Không cao hơn mà thậm chí còn tiết kiệm được chi phí khi người dân biết tiết kiệm số lần phun thuốc, nâng cao kỹ thuật canh tác, từ đó tăng cường sức chống sâu bệnh của cây.

* Làm cách nào để phổ biến GAP cho người sản xuất và người tiêu dùng?

- Chương trình trước hết sẽ tập trung vào những vùng trồng rau trọng điểm. Cán bộ kỹ thuật tổ chức những lớp học cho từ 20 - 30 nông dân, mỗi lớp học trong 3 ngày về quy trình sản xuất rau an toàn, phổ biến GAP đến từng nông dân. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người tiêu dùng về quyền được sử dụng thực phẩm an toàn cho sức khỏe, kiên quyết từ chối thực phẩm không an toàn.

* Qua một năm thực hiện thí điểm, kinh nghiệm chúng ta thu được về huấn luyện nông dân sản xuất rau an toàn là gì, thưa ông?

- Nhận thức về vấn đề này của bà con nông dân chưa cao, có những người nhận thức được, nhưng vì lợi nhuận trước mắt, họ lại trở về với tập quán canh tác cũ. Mặt khác, việc quy hoạch vùng trồng rau phải dựa trên tập quán canh tác, đất đai, nguồn nước, thời tiết của từng tiểu vùng sinh thái để có quy trình phù hợp. Chúng tôi đã thực hiện chương trình ở 22 tỉnh phía Nam, 6 tỉnh phía Bắc và đang mở rộng thêm 14 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, phấn đấu đến 2010, đạt kế hoạch 100% diện tích trồng rau an toàn.

* Xin cảm ơn ông!

Lưu Trang
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.