"Giấc mơ ảo thuật"

02/11/2011 23:44 GMT+7

Những nhà làm phim trẻ Việt Nam có cơ hội gặp gỡ đạo diễn, nhà sản xuất và thưởng thức bộ phim tài liệu Giấc mơ ảo thuật tại TP.HCM sáng 2.11.

Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM đã mời đạo diễn Steven Klein, người đã thực hiện bộ phim Giấc mơ ảo thuật và bà Melinda Levin (nhà sản xuất kiêm đạo diễn) sang Việt Nam tham gia chương trình.

Bộ phim mở đầu với câu chuyện về 6 thí sinh đến từ khắp thế giới dự thi ảo thuật quốc tế. Steven Klein đưa lời bình: Ảo thuật giúp ta hiểu được rằng cuộc đời này mọi thứ đều hư ảo. Với sự hài hước, chân thật và cảm động, bộ phim mở ra một thế giới mà khán giả ít được biết tới, đồng thời khám phá khoảng thời gian khó quên trong cuộc đời của các bạn trẻ cùng giấc mơ có thật của từng người. Tờ The New York Times nhận xét: Giấc mơ ảo thuật còn hơn cả câu thần chú khi kể lại ước mơ của 6 thí sinh muốn chinh phục đỉnh cao của ảo thuật thế giới. Khán giả như được sống cùng cảm xúc của họ, cùng hòa chung cảm giác thất bại và niềm vui chiến thắng.

 
Derek McKee, thí sinh trong phim Giấc mơ ảo thuật - Ảnh: T.N.Y.T

Trong cuộc trao đổi, các nhà làm phim Mỹ đúc kết nhiều kinh nghiệm để những người yêu thích thể loại phim tài liệu có cơ hội được thực hiện giấc mơ của mình. Đạo diễn Steven Klein cho biết bộ phim tài liệu dài 90 phút này được ông thực hiện năm 2010 nhân sự kiện các bạn trẻ khắp thế giới hội tụ về Las Vegas (Mỹ) tham gia cuộc thi ảo thuật.

Tháng 6.2010, phim dự Liên hoan phim Los Angeles, đoạt giải thưởng của ban giám khảo. Sau đó, Giấc mơ ảo thuật chu du khắp thế giới, dự nhiều liên hoan phim. Để có được những thước phim Giấc mơ ảo thuật, Steven Klein và các cộng sự phải bỏ ra hơn 400 giờ ghi hình. Ông nói thêm công nghệ làm phim kỹ thuật số ngày nay đã mở ra cho những nhà làm phim trẻ cơ hội tiếp cận với điện ảnh nhiều hơn trước.

 
Đạo diễn Steven Klein và Melinda Levin (trái) - ẢNH: Đ.T

“Chi phí làm phim thấp tạo cơ hội nhiều hơn cho mọi người. Cách mà tôi quyên tiền quay phim đến từ nhiều nguồn, các tổ chức xã hội. Ngoài ra, khi có chút tiếng tăm, bạn có thể vay tiền từ nhà đầu tư để làm phim sau đó hoàn lại khi bán phim trong các kỳ liên hoan, hội chợ phim”, Steven Klein nhấn mạnh.

Trong khi đó, bà Melinda Levin thì tiết lộ đang quay một phim tài liệu ở Thái Lan. Bà nói rõ kinh nghiệm tìm kiếm nguồn tài chính làm phim từ chính phủ, các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp... Điều này cả Mỹ và Việt Nam đều có những điểm tương đồng.

Và cũng giống như ở VN, câu hỏi “Làm sao để phim tài liệu hấp dẫn công chúng” cũng đang khiến các nhà làm phim Mỹ phải vất vả tìm câu trả lời. “10 hay 15 năm trước để có một bộ phim tài liệu thì chi phí cực cao. Khán giả chỉ được xem những bộ phim tài liệu nặng về tuyên truyền đường lối chính sách, các vấn đề chính trị, xã hội. Ngày nay mọi thứ đã đổi thay. Bất cứ ai cũng có thể kể lại câu chuyện của mình bằng phim tài liệu. Và chính điều này dần thay đổi quan điểm của công chúng về thể loại này. Rất nhiều phim tài liệu tôi từng xem thật sự cảm động hoặc cực kỳ hài hước, chẳng khô cứng, giáo điều. Tôi tin công chúng sẽ đón nhận thể loại phim này nhiều hơn”, đạo diễn Steven Klein phát biểu. Đ.T

Đỗ Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.