Dạy nghề còn thiếu kỹ năng mềm, ngoại ngữ

12/10/2009 22:40 GMT+7

Trong hội nghị “Lấy ý kiến doanh nghiệp về dự thảo chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011-2020” do Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ - TB &XH) tổ chức ngày 10.10, phần lớn doanh nghiệp cho rằng nhân lực trình độ cao ở nước ta còn thiếu, trong đó, kỹ năng mềm và ngoại ngữ vẫn còn rất yếu.

40 và 2.000

“40 là số lao động mà Intel tuyển dụng được sau khi nhận hồ sơ từ 2.000 ứng viên”, ông  Lương Hoàng Nguyên - Giám đốc điều hành Công ty Memsonics, đưa ra hai con số khiến nhiều người phải suy nghĩ. Điều đó có nghĩa, lao động của ta còn thiếu rất nhiều yếu tố để có thể gia nhập vào các tập đoàn sản xuất -  kinh doanh quốc tế, trong khi nhu cầu về nhân lực của họ tại VN lại rất lớn.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Công ty giải pháp kỹ thuật CNC, nếu so sánh với các nước trong khu vực thì lao động của VN còn thua kém. Lao động nước ngoài có ưu thế hơn vì họ có thể thao tác trên máy tính rất giỏi và khả năng ngoại ngữ tốt, bên cạnh đó còn được trang bị những kỹ năng mềm bổ trợ giúp cho công việc đạt năng suất và hiệu quả cao. “Tôi nghĩ Nhà nước cần có chiến lược, chính sách hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ và những kỹ năng mềm cho người lao động. Có chuyên môn, có kỹ năng, có tác phong công nghiệp và ngoại ngữ tốt thì người học nghề không có lý do gì để thất nghiệp hoặc đi làm mà lương thấp” - ông Hùng nói.

Nhiều cơ hội việc làm

Ông Trần Công Chiếu, Trưởng phòng Tổ chức nhân sự Công ty dịch vụ cơ khí hàng hải thuộc Tổng công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật dầu khí cho biết, để chuẩn bị thực hiện thi công các dự án lớn trong nước và quốc tế, công ty cần tuyển 500 công nhân hàn điện 6G SMAW (lót điện, phủ điện) và 1.000 công nhân lắp ráp kết cấu, lắp ráp ống công nghệ, làm việc tại TP Vũng Tàu với mức lương từ 200.000 - 220.000 đồng/ngày. Với thợ hàn tay nghề cao, lương không dưới 10 triệu đồng/tháng. Ông Lương Hoàng Nguyên cũng thông tin Công ty Memsonics thời gian tới cũng cần khoảng 900 lao động.

Theo Viện Khoa học lao động (Bộ LĐ - TB &XH) dự báo, đến năm 2020, lực lượng trong độ tuổi lao động là 57,5 triệu người. Sẽ có khoảng 50 triệu lao động có việc làm và khoảng 27,5 triệu người được đào tạo nghề. Trong đó, trình độ trung cấp nghề chiếm 14,4%, cao đẳng nghề và kỹ sư thực hành 13,6%, sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng là 72%.

Dự thảo cũng nêu, từ nay đến 2020, sẽ đưa khoảng 800.000 người đi làm việc nước ngoài, bảo đảm 100% lao động xuất khẩu phải qua đào tạo nghề, trong đó 50% có trình độ trung cấp trở lên. Thế nhưng đó là một quãng thời gian khá dài. Trong khi trước mắt, nước ta có khoảng 400.000 doanh nghiệp, lấy đâu ra lao động để tuyển?

Chưa kể gần đây, theo báo cáo của 11 tập đoàn và tổng công ty lớn, bình quân mỗi năm các đơn vị này cần khoảng 60.000-70.000 người, trong đó 80% trình độ trung cấp nghề trở lên. Đó là chưa tính đến nhu cầu nhân lực trình độ cao của nhiều tập đoàn kinh tế khi mở rộng đầu tư ra nước ngoài ngày càng tăng lên.

Kinh phí

Thứ trưởng thường trực Bộ LĐ - TB & XH Đàm Hữu Đắc khẳng định: “Hiện nay doanh nghiệp cần nhưng khả năng đáp ứng của các trường là rất thấp, chưa kể đến chất lượng rõ ràng thua kém các nước trên thế giới. Chúng ta đang đứng trước một thách thức lớn. Doanh nghiệp là một nhân tố hết sức quan trọng từ việc tham gia vào việc đào tạo đến tiếp nhận lao động sau đào tạo, chẳng hạn như tổ chức thực tập, thực hành cho SV, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ thiết bị, xây dựng chuẩn kỹ năng nghề, giải quyết việc làm...”.

Ông Lê Văn Hiền - Hiệu trưởng trường CĐ nghề Lilama 2 nêu ý kiến: “Bộ cần siết chặt kiểm định chất lượng các trường đào tạo nghề chứ không nên nể nang. Với các trường, cần chủ động đổi mới nội dung chương trình đào tạo và phải gắn với doanh nghiệp, gắn với các tiêu chuẩn quốc tế, đầu tư trang thiết bị và con người”. Nhưng vấn đề tiếp theo lại là: tiền ở đâu? Nhà nước chi bao nhiêu phần trăm ngân sách cho đào tạo nghề? Ông Trần Văn Dương, đại diện Liên minh Hợp tác xã VN phát biểu: “Chúng ta vẫn nói cần quan tâm chú trọng tới việc đào tạo nghề, nhưng xin đất, xin kinh phí mở trường rất khó. Nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước và doanh nghiệp thì nhà trường không thể làm tốt được. Và phải cụ thể là Nhà nước hỗ trợ bao nhiêu phần trăm, doanh nghiệp bao nhiêu phần trăm, còn lại trường là bao nhiêu?”.

Mỹ Quyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.