Phát hiện bức tranh về nạn đói 1945

01/10/2008 22:56 GMT+7

Nạn đói năm Ất Dậu (1945) là một biến cố lớn của dân tộc. Nó hiển hiện trong những tác phẩm lớn của nhiếp ảnh gia Võ An Ninh, trong truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân... Tuy nhiên, hầu như không thấy nhắc đến các bức tranh về nạn đói này.

Thực tế, nhà sưu tập Lê Thái Sơn (ở TP.HCM) có một bức tranh về đề tài này. Lê Thái Sơn cho biết tình cờ anh sưu tập được bức tranh lưu lạc này trong một chỗ bán đồ cổ ở Hà Nội. Bức tranh vẽ bằng bút chì trên giấy, bên dưới không ký tên người vẽ, chỉ có một dòng chữ “Đói 1945”. Bức vẽ mô tả một cô gái đang bị hành hạ bởi cơn đói. Cô gái ngồi với bộ dạng rách rưới, chân tay khẳng khiu, hốc mắt sâu đờ đẫn, ánh mắt và gương mặt như bị che mờ bởi âm u tử khí. Để diễn tả một con người bị cái đói hút kiệt dương khí đến như vậy, bộ dạng gần như một bóng ma, hẳn người vẽ phải là một họa sĩ có kỹ thuật cao và một trái tim thấu cảm nỗi đau của những con người đang bị nạn đói hành hạ.

Nhưng vì sao người vẽ không ký tên vào bức tranh ấy? Anh quên? Hay trước thảm họa của dân tộc, người họa sĩ cảm thấy tên mình nhỏ bé và vô nghĩa, anh cần một chữ gì đó mạnh mẽ hơn để khắc sâu tai họa đó vào trí nhớ. Và chữ ký của anh là dòng chữ “Đói 1945” - như một dấu mốc lịch sử thảm khốc?

Mọi chuyện đều là giả thuyết, nhưng bức tranh vô danh này quả thực là một trong những tư liệu hiếm thấy về nạn đói năm 1945.

Q.Thi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.