Mục tiêu của Mỹ ở Afghanistan

11/10/2009 22:17 GMT+7

Tin đoạt giải Nobel Hòa bình 2009 đến khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đang phân vân tìm kiếm chiến lược mới cho Afghanistan.

Thông báo từ Ủy ban Nobel Na Uy đến vào ngày 9.10, khi ông Obama chuẩn bị bước vào cuộc họp thứ tư với các cố vấn cấp cao về an ninh quốc gia. Cuộc họp kéo dài 4 giờ mà chưa đem lại một kết quả rõ ràng. Các cố vấn dân sự lẫn quân sự của ông Obama sẽ tiếp tục bàn thảo về một chiến lược thích hợp cho chiến trường Afghanistan. Một loạt các cuộc họp ở cấp cao nhất nước Mỹ trong vòng hơn 10 ngày qua cho thấy Washington đang đứng trước chọn lựa gay go về chiến cuộc ở Afghanistan: Nên tăng viện thêm quân đội, hay dần dần rút chân ra khỏi chiến cuộc ở đây?

Liệu có sa lầy?

Một bài báo trên tạp chí Time nhân kỷ niệm 8 năm ngày khởi phát cuộc chiến (7.10.2001 - 7.10.2009) nhắc lại là, trong cuộc họp báo đầu tiên sau 96 giờ tấn công Afghanistan, Tổng thống George W.Bush thừa nhận là ông không biết khi nào thì cuộc chiến sẽ kết thúc. Ông Bush nói: “Mọi người thường hỏi tôi: “Cuộc chiến sẽ kéo dài bao lâu?”. Tôi không biết. Có thể nó chấm dứt ngày mai, cũng có thể trong tháng tới, năm tới hoặc trong hai năm tới, nhưng chúng ta sẽ chiến thắng”. Ba tuần sau đó, phóng viên R.W.Apple của nhật báo New York Times đã viết “từ ngữ đáng ngại là “sa lầy” (quagmire) đã bắt đầu xuất hiện trong các cuộc chuyện trò” đâu đó ở Washington về cuộc chiến. Theo Time thì 8 năm sau, giờ đây, ông Bush không còn tại vị, nhà báo Apple đã mất năm 2006, gần 800 quân nhân Mỹ đã thiệt mạng trên chiến trường Afghanistan, nhưng chiến sự vẫn tiếp diễn. Và Tổng thống đương nhiệm Obama đang lưỡng lự giữa một bên là đòi hỏi của các tướng lĩnh đòi tăng viện thêm quân cho chiến trường, và một bên là phong trào phản chiến của những người Mỹ vốn đã hết kiên nhẫn.

Tổng thống Obama còn nhiều tuần lễ trước mắt để lựa chọn, nhưng có thể thấy là khi ông lên đường đi Oslo nhận giải Nobel vào ngày 10.12 tới đây, ông đã có trong hành trang của mình về một kế hoạch cho Afghanistan. Trước hết, ông không thể quyết định “bỏ rơi” Afghanistan, không tăng viện thêm quân theo đòi hỏi của giới quân sự, nhất là tướng Stanley McChrystal, Tư lệnh chiến trường Afghanistan, là người mà ông tin tưởng và bổ nhiệm.

Mục tiêu của Mỹ như vậy sẽ nhắm vào tổ chức khủng bố quốc tế al-Qaeda, vốn hoạt động mạnh ở khu vực biên giới Pakistan và Afghanistan.

Tướng McChrystal đòi tăng thêm đến 40.000 quân, có lúc là 60.000 quân, nhưng mới đây nhất, theo CNN một phụ tá của ông đã đánh tiếng là cần “ít nhất” 25.000 quân tăng viện. Nên nhớ chính ông Obama hồi tháng 3 vừa qua đã quyết định tăng viện thêm 21.000 quân, và ông không phải là người “tiền hậu bất nhất”. Tuy nhiên, ông cũng không thể gửi quân một cách ồ ạt. Khi cấp lãnh đạo nước Mỹ đang nhóm họp thì bên ngoài Washington, những người chống đối chiến tranh đã tiến hành biểu tình. Tuy quy mô và số lượng người tham dự không lớn, nhưng cũng đủ để cảnh giác lãnh đạo của Mỹ đừng lún sâu vào một cuộc chiến như chiến tranh Việt Nam trước đây.

Chất lượng hơn số lượng

Còn nhớ, trong cuộc họp với lãnh đạo hai đảng của lưỡng viện Quốc hội hồi tuần trước, ông Obama từng bị thượng nghị sĩ McCain “lên lớp” đòi nhanh chóng tăng quân cho Afghanistan, chẳng nên trì hoãn một chút nào nữa. Ông McCain đã nói ngay với Tổng thống Mỹ là “thời gian không còn ở phía chúng ta”, và với tư cách là một cựu sĩ quan, ông McCain đã nhắc nhở là không nên “nhàn nhã” trong việc tăng quân. Ông Obama đã nóng mặt và đáp trả: “John à! Không ai có thể cảm thấy việc đó khẩn cấp hơn tôi cả”.

Nhưng giờ đây, ông Obama không thể không nhàn nhã, do lẽ, ông sẽ chưa lên tiếng về quyết định gửi bao nhiêu quân, chừng nào ông chưa có được một chiến lược mới. Tuy nhiên, quan điểm hiện nay có vẻ nghiêng về Phó tổng thống Joe Biden, tức sẽ “chú trọng đến chất lượng chứ không phải là số lượng”. Các thành viên trong “Hội đồng chiến tranh” của ông Obama đã đánh tiếng cho rằng, phong trào Taliban nay “không còn là mối đe dọa của nước Mỹ” nữa, thậm chí, một số quan chức Mỹ đã đề cập đến việc cân nhắc một vai trò của Taliban trong chính phủ Kabul. Mục tiêu của Mỹ như vậy sẽ nhắm vào tổ chức khủng bố quốc tế al-Qaeda, vốn hoạt động mạnh ở khu vực biên giới Pakistan và Afghanistan.

Xem ra, rồi ông Obama cũng sẽ cho gửi thêm quân, nhưng ít thôi, và sẽ tập trung cho việc huấn luyện, viện trợ để “Afghanistan hóa chiến tranh”. Và như chủ trương của Phó tổng thống Biden, không điều động quân đội nhiều theo kiểu phòng thủ diện địa, chiếm đóng, mà chú trọng vào việc đột kích, tìm diệt. Quân tăng viện sẽ là những đơn vị đặc nhiệm, chú trọng đến việc truy kích các tay súng al-Qaeda, kết hợp với việc sử dụng chiến thuật dùng máy bay không người lái oanh kích vào các mục tiêu nghi ngờ, mà quân đội Mỹ đã sử dụng thành công trong thời gian qua ở Pakistan.

Như Ngoại trưởng Hillary Clinton và Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates phát biểu trong một cuộc phỏng vấn tuần trước với CNN, Mỹ sẽ còn ở Afghanistan lâu dài và sẽ chưa có kế hoạch thoái binh, vì nếu hành động như thế sẽ tác động xấu đến khu vực Nam Á, nhất là ở Pakistan, nơi mà dưới áp lực của Mỹ, quân đội nước này đã tiến hành khá thành công chiến dịch tiễu trừ al-Qaeda ra khỏi thung lũng Swat mấy tháng qua.

Lê Đình Bì

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.