Khát vọng của năm cô gái tật nguyền

15/11/2006 11:24 GMT+7

Năm cô gái có số phận kém may mắn, tuổi thơ trôi qua thiếu vắng nụ cười. Vượt lên muôn vàn khó khăn, họ đã nỗ lực làm việc để tự mưu sinh cho bản thân mình...

Niềm vui đến muộn

Tên của năm cô gái là: Đoan, Thảo, Ninh, Điểm, Thúy. Cả năm bạn đều đang ở tuổi đôi mươi, lứa tuổi đầy năng động với bao nhiêu ước mơ hoài bão về tương lai. Ước mơ được học, tuổi thơ được chạy nhảy cùng bạn bè là một điều gì đó quá đỗi xa vời. Kim Đoan, cô gái ở một miền quê nghèo tỉnh Phú Yên, nhớ lại: "Khi 2 tuổi, một cơn sốt đã cướp đi đôi chân của em. Mười mấy năm sống với gia đình, nhìn bạn bè tới trường, chạy nhảy, vui chơi, còn mình ngày qua ngày chỉ biết lê lết trên nền nhà, quanh quẩn với cái bàn, cái ghế. Nhà em nghèo lắm nên không thể mua nổi một chiếc xe lăn. Em không dám mơ về tương lai một điều gì cả. Năm 16 tuổi, em được một đơn vị y tế phẫu thuật miễn phí. Sau đó, em tập đi lại khập khiễng trên đôi nạng gỗ, và lúc này ước mơ được đi học, được sống như những người bình thường bắt đầu nhen nhóm trong em. Biết chuyện, bố mẹ đưa em đến Cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật Nguyễn Nga. Từ đây, cuộc đời em rẽ sang một hướng mới...".

 

Đang dở dang câu chuyện, Đoan dừng lại, đưa mắt nhìn mấy đứa bạn cùng cảnh ngộ đang lúi húi thêu những mặt hàng thổ cẩm, đôi mắt cô gái chợt đỏ hoe. Không khí trong gian hàng chợt lắng xuống, Thảo tiếp chuyện: "Nhóm Tự lực của tụi em mỗi đứa mỗi quê, đứa Bắc Cạn, đứa Phú Yên, đứa ở miệt dừa Tam Quan (Bình Định)..., đều bị bại liệt, mỗi mình Thúy là còn đi lại được trên đôi chân yếu ớt nên mọi việc sinh hoạt hằng ngày Thúy là người gánh nhiều nhất. Mỗi khi trở trời, chân tay đứa nào cũng đau nhức, không sao ngủ được. Thời gian ở cơ sở Nguyễn Nga, ngoài học chữ, tụi em còn được học nghề như: thêu, đàn tranh, tin học văn phòng..., bây giờ đứa nào cũng là cô giáo dạy cho những em nhỏ kém may mắn. Nhớ lần cả nhóm đi thuê nhà để mở gian hàng này, nhiều người bảo tụi em bị tật nguyền làm sao có tiền trả tiền mặt bằng. Cả nhóm buồn lắm, nhưng điều đó lại làm cho tụi em càng quyết tâm hơn". Mới đây, nhờ sự kêu gọi hỗ trợ của Cơ sở dạy nghề Nguyễn Nga (thuộc Hội Bảo trợ người tàn tật & trẻ mồ côi tỉnh Bình Định), Tổng lãnh sự quán New Zealand tại Việt Nam đã "tiếp sức" cho năm cô gái tật nguyền có điều kiện thực hiện ước mơ tự chăm lo cho chính bản thân mình.


Hướng đến ngày mai

 


Thảo đang chăm chút cho những mặt hàng thổ cẩm do cả nhóm tự làm


Mỗi buổi sáng, cả nhóm lại bắt đầu một ngày làm việc bận rộn. Người đi dạy, người thì trông nom gian hàng. Dù di chuyển trên đôi nạng, Thảo vẫn đi giới thiệu hết những mặt hàng lưu niệm khá ấn tượng, chủng loại phong phú từ tầng 1 đến tầng 2 cho những người khách đến xem. Các thành viên vừa làm dịch vụ vi tính, photocopy, vừa bán những mặt hàng lưu niệm như: áo, quần, túi xách thổ cẩm, mũ... đa số đều là "cây nhà lá vườn". Gian hàng chỉ có 3 máy vi tính, một máy photocopy và ai ai cũng lạ là chỗ nào cũng thấy dán những câu thơ nói về anh Kim Đồng. Ninh bật mí: "Khát vọng của tụi em đó, nhưng nó vẫn mãi mãi là khát vọng". Ninh kể tiếp: "Tối khai trương gian hàng vào ngày 23.8, em liền ra bưu điện báo tin về cho mẹ là con của mẹ đã tự kiếm tiền bằng đôi tay của mình. Mẹ đã khóc nấc từng tiếng trên điện thoại"!

Gian hàng của nhóm Tự lực PC - DNT tại số 7 Lê Thánh Tôn, TP Quy Nhơn (Bình Định) đã khai trương khá lâu, nhưng do nằm ở đường phố nhỏ nên khách đến mua còn thưa thớt. Hiện giờ, nỗi lo canh cánh của nhóm là tiền mặt bằng, mỗi tháng phải trả đến hơn 1,5 triệu đồng mà tiền thu vào vẫn chưa trang trải đủ. Ngoài số tiền khá khiêm tốn do Cơ sở dạy nghề Nguyễn Nga hỗ trợ, còn lại cuộc sống cả nhóm nhờ hết vào gian hàng. Bởi vậy việc túng thiếu là chuyện xảy ra như cơm bữa. Nhưng bù lại, trong gian phòng nhỏ của họ luôn đầy ắp những tiếng cười, tình người dù phía trước còn lắm chông gai, vất vả. Đã từ lâu, năm chị em đã coi nhau như một gia đình, mọi cực khổ, vui sướng vẫn sớm tối bên nhau. Bạn Điểm tâm sự: "Bây giờ, hầu hết mọi việc, mấy chị em phải tự lực. Cả nhóm chỉ mong sao gian hàng khi nào cũng có khách để cuộc sống dần ổn định, đứa nào cũng học hành đến nơi đến chốn". Trong kỳ thi đại học vừa rồi, Điểm và Thúy đã đậu đại học hệ tại chức khoa Ngoại ngữ Trường Đại học Quy Nhơn, nhưng niềm vui chưa trọn lại là nỗi lo về tiền chi phí cho những năm học. 

Hoàng hôn buông xuống trên phố biển Quy Nhơn, như thường lệ những ánh đèn ở quán giải khát Góc Phượng lại sáng rực lên. Đó là quán giải khát mà các cô gái tự phục vụ để phụ thêm tiền trang trải cuộc sống hằng ngày. Mỗi ngày trôi qua thật lắm gian truân nhưng đong đầy ý nghĩa với năm cô gái tật nguyền...

           

C.N

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.