Đến trại nuôi dê ở Singapore

19/10/2009 09:55 GMT+7

(TNTS) Từ ngày sang Singapore, vừa rồi tôi mới có dịp đến thăm trại nuôi dê. Từ trạm MRT Choa Chu Kang, nơi tôi ở, băng qua đường, lên xe bus số 975 sẽ đến khu ngoại thành – nơi có trang trại nuôi dê. Vào mùa hè, trang trại mở cửa để đón khách vào tham quan.

Ngồi trên  xe bus chừng 10 phút, tôi nhìn ra ngoài không còn thấy nhà cửa đâu, thay vào đó là đồng không mông quạnh, khu vực quân sự, rồi nghĩa trang… bạt ngàn. Đi một quãng nữa, thì bắt đầu có nông trại. Rất nhiều trang trại san sát nhau: trại cây, trại cá, các trang trại này của tư nhân, khép kín nên đường đi vào vừa khó, vừa heo hút.

Đường vào trại dê thật đẹp, quanh co uốn lượn, nắng trên đầu vàng rực, những hàng cây xanh mướt, xe chạy bon bon, bụi tung mịt mù. Từ đường Old Lim Chu Kang, có chiếc bảng to hình hai cái đầu dê chỉ vào trại Hay Dairy Farm bên tay phải.

Hồi những năm 1920, có một người đàn ông người Triều Châu tên là Hay Yak Tang đến Singapore để dạy học rồi sinh sống định cư luôn ở vùng đất này. Khi đó Hay mới 16 tuổi nhưng đã được làm thầy giáo, dạy tiếng Triều Châu cho trẻ em bản xứ. Đất rộng người thưa, cây cối xanh tươi, đất đai màu mỡ, làm ông Hay tức cảnh sinh tình, muốn khai khẩn trồng cây gây vườn. Có vườn rồi, Hay nuôi gà và sau đó mở thêm trại nuôi vịt và heo đặt tên là Yak Seng Hay Farm. Đến năm 1970, ông Hay chuyển hẳn qua nuôi heo, xuất khẩu sang Mỹ và công việc kinh doanh nhanh chóng lớn mạnh. Trong vòng 10 năm kể từ khi chuyển hẳn sang nuôi heo, trang trại ông Hay đã có đến hơn 20.000 con heo lớn nhỏ, 30 công nhân và trở thành nguồn cung cấp thịt heo lớn nhất Singapore thời bấy giờ.

 
Không lâu sau, Chính phủ Singapore ban lệnh chuyển dời những trang trại nuôi heo qua... Malaysia, ông Hay chuyển sang nuôi dê dưới sự giúp đỡ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Singapore. Ban đầu ông được cung cấp 4 loại dê lấy sữa chính:  Alpinede (là giống dê từ Pháp, mặt tròn, thường có màu lông nâu và đen), Nubian thuộc giống dê của Mỹ, đặc biệt dễ nhận diện từ xa với đôi tai dài và rũ, (có nickname là dê tai thỏ), Toggenburg  là dê của Thụy Sĩ, xuất xứ từ vùng núi Toggenburg, tai trắng, có đốm đen ở giữa, 4 chân mang “vớ” trắng, và có một lớp da mỏng quanh cổ - (được biết đến như là loại dê cho sữa lâu đời nhất), và Saanen cũng là một loại dê Thụy Sĩ, nhưng xuất xứ từ vùng núi Saanen, nổi bật với màu lông trắng muốt, hiền hòa và khoái trẻ em. Từ ngày 31.12.1988, trang trại Hay chính thức trở thành trang trại nuôi dê lấy sữa cho đến bây giờ.

Tôi đến đúng giờ người ta đang cho dê ăn và vắt sữa dê. Ban đầu tưởng hai quá trình này người ta làm riêng. Thật ra, để yên lòng dê, người ta tiến hành lấy sữa ngay lúc nó đang mải mê ăn. Vậy là cứ khoảng một nhóm chục con một lần, được lùa lên máng cho ăn. Dê thấy cỏ là vục mặt vào máng ăn lấy ăn để, không biết là ở sau lưng, người ta đang vắt sữa của mình.

Sữa dê sau khi vắt, được đóng hộp sạch sẽ.  Một hộp sữa dê tươi ở đây khá đắt so với sữa bò tươi. Một lon nhỏ xíu 200 ml là 2 đô Singapore, chai to 800 ml là 8 đô. Sữa khá béo và rất thơm, cảm giác dòng sữa se đặc lại, chứ không loãng và nhạt như sữa bò tươi bán ở siêu thị. Mới nhấm vào, nếu tinh ý vẫn có thể nhận ra vị mặn nhẹ nơi đầu lưỡi, nhưng sau đó sẽ mất ngay, nhường chỗ cho một cảm giác mát lạnh, ngọt ngào và thơm nồng nàn tan chảy xuống cổ họng.

Bài & ảnh: Hà Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.