Xử lý vụ Đề án 112: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng quá sáng suốt!

17/09/2007 23:27 GMT+7

(Nhân đọc loạt tin, bài: Vụ "đề án 112": Bắt nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đình Thuần và 7 cán bộ khác; Đề án 112: Còn nhiều câu hỏi lớn; Mở rộng điều tra vụ Đề án 112; Gặp người cảnh báo sớm nhất sự thất bại của Đề án 112; Toàn văn thư của Giáo sư Phan Đình Diệu gửi Thủ tướng Chính phủ năm 2001 - TN 14, 15, 16.9.2007)

Nếu Chính phủ không vào cuộc...

Nếu Chính phủ không vào cuộc thì không biết sau cái Đề án 112 này sẽ còn cái đề án nào ra đời và bao nhiêu tiền của ngân sách bị rút ruột. Thật không thể tin nổi những người đứng trong hàng ngũ được dân tín nhiệm, Nhà nước giao trọng trách mà họ lại dám làm cái chuyện "động trời" là biến đại sự quốc gia thành một trò chơi của trẻ con như thế này.

Lâu nay chúng ta cứ quen làm việc độc lập và khép kín nên khi xảy ra tiêu cực thì chỉ có "trời" mới biết, đợi khi dân biết thì mấy ông tại vị đã về hưu rồi. Mong rằng sau chuyện này khi làm bất cứ việc gì, công trình lớn cấp quốc gia thì Nhà nước cần có đề án trình ra khắp nơi để người dân tiện quan tâm và theo dõi sát sao quá trình hoạt động. Nếu làm được như vậy tôi tin rằng sẽ không còn những chuyện tiêu cực như Đề án 112 nữa.huongluak...@yahoo.com

Hãy thắp lại niềm tin cho dân

Mọi việc đã quá rõ. GS Diệu mới xem qua đề án đã thấy hoàn toàn không ổn, đã cảnh báo một cách rõ ràng, sao người cần biết, người phải biết, người chịu trọng trách lại giả lơ không muốn nghe? Sự thật của vấn đề ở đây là gì? Không thể có bất cứ lý do gì để biện minh, mọi lý lẽ để biện minh đều vô nghĩa. Phải nghiêm túc nhận sai lầm và sửa chữa (đồng thời với việc xử lý nghiêm những người phạm tội). Đó cũng là cách góp phần xây dựng "thương hiệu quốc gia" và cũng là cơ hội để thắp lại niềm tin trong dân.vanloc1...@yahoo.com

Xin hỏi các người...

Là thế hệ trẻ hôm nay, tôi hoàn toàn thất vọng về các "chú", các "bác" và những người có liên quan đến Đề án 112. Thiết nghĩ, việc làm đó của các người có còn lương tâm hay không? Đạo đức của một "cán bộ nhà nước" đặt ở đâu? Các rèn luyện về đạo đức cách mạng đặt ở đâu? Cần, kiệm, liêm, chính là gì?...tv84@yahoo.com

Có bao nhiêu ông Vũ Đình Thuần để mà bắt...

Mặc dầu đã đọc được nhiều lần về vụ Đề án 112, nhưng hôm nay đọc lại sao nghe nó nhức nhối làm sao! Chuyện không phải là chỉ bắt ông Vũ Đình Thuần là đúng mấu chốt vấn đề, mà hỏi sẽ có bao nhiêu ông Vũ Đình Thuần để mà bắt... Nghĩa là với một "cơ chế" chưa hợp lý thì tất yếu sẽ sinh ra những ông Vũ Đình Thuần.

Chúng ta không nên nghĩ gì cho xa vời, mỗi con người đều có 2 mặt tốt xấu luôn song hành với nhau trong cuộc sống. Chính luật pháp, chính nguyên tắc vững vàng sẽ giúp hạn chế mặt xấu của con người. Hãy điều hành đất nước theo luật pháp, theo trật tự, thì tự nhiên Vũ Đình Thuần, Bùi Tiến Dũng, Mai Văn Dâu... cũng theo đó mà mất đi. Tôi là một người dân bình thường, viết lên một vài cảm nghĩ như vậy không biết có phạm lỗi gì không?...nhung@yahoo.com

Như những nhát búa bổ vào lưng chúng tôi

Vụ việc tiêu cực của Đề án 112 như những nhát búa bổ vào lưng chúng tôi, những người nông dân một nắng hai sương làm ra của cải chắt chiu dựng xây đất nước. Chúng tôi đau xót vì "những quan tham" không từ bất cứ thủ đoạn nào để vơ vét mồ hôi và sức lực của nhân dân, tài nguyên của đất nước cho vào túi riêng của mình. Đất nước còn nghèo, biết bao bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình liệt sĩ, thương bệnh binh vẫn còn ở nhà tranh vách đất, còn biết bao trẻ mồ côi không nơi nương tựa, còn biết bao những học trò nghèo không tiền đóng học phí để được tiếp tục đi học... Mong rằng các cấp Đảng và Nhà nước sớm điều tra và làm rõ những vấn đề mà báo chí và công luận đang lên tiếng.

Huỳnh Văn Thanh (Bến Tre) 

Làm đề án theo chiết khấu hoa hồng

Tôi không hiểu những người lập Đề án 112 dựa trên cơ sở khoa học nào? Đáp ứng nhu cầu cấp bách của xã hội? Mang lại lợi ích cho xã hội? Tạo ra giá trị thặng dư lớn hơn cho xã hội?... Tất cả đều đã thất bại. Với một đề án không theo lý thuyết kinh tế, không có căn cứ khoa học như vậy thì chỉ được lập ra theo chiết khấu hoa hồng khi mua sắm trang thiết bị.

Nhiều công ty bán hàng đều có chiết khấu hoa hồng, đặc biệt bán hàng cho khu vực công (cơ quan nhà nước) thì mức chiết khấu hoa hồng càng cao. Dự án này chạy đua mua trang thiết bị, chẳng qua các nhà quản lý dự án chạy theo hoa hồng, chứ thực chất họ không vì lợi ích của đất nước. Vì vậy dự án có tính chất tham nhũng hệ thống, đề nghị xử lý nghiêm !

Nguyen Hong Cong (TP.HCM)

Thủ tướng quá sáng suốt!

Sau khi đọc lá thư của Giáo sư Phan Đình Diệu gửi Thủ tướng Phan Văn Khải đề ngày 2.8.2001, cảnh báo về sự thất bại của Đề án 112, tôi thấy thật xót xa. Sự tham nhũng, lãng phí hàng trăm, hàng ngàn tỉ tiền bạc của Nhà nước chỉ là con số bề nổi, mà ai cũng thấy được, nhưng sự thất bại lớn nhất theo tôi là sự tiến bộ của CNTT của nước ta trong lĩnh vực quản lý nhà nước vốn đã có điểm xuất phát thấp trong khu vực, nay lại càng tụt hậu. Rất may là đề án đã sớm được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận ra và cho dừng lại. Vụ án đã được các cơ quan pháp luật vào cuộc. Người dân hy vọng là vụ án sớm được xét xử nghiêm minh, đúng người, đúng tội, không trừ một ai, dù ở cương vị nào, để lấy lại niềm tin vào chế độ, vào pháp luật của Nhà nước ta.

Tô Thưởng (TP.HCM)

Đọc qua bức thư của GS Phan Đình Diệu gửi ông Phan Văn Khải (lúc đó là Thủ tướng), tôi có thắc mắc: Ai là người thừa hành nhận và xếp xó bức thư này và tiếp tục cho thực hiện dự án?

Nguyễn Sô (TP.HCM)

Tôi không nghĩ là thư của ông Phan Đình Diệu đã đến tay Thủ tướng lúc đó, mà chỉ đến tay của mấy vị có trách nhiệm và có quyền lợi ở Văn phòng Chính phủ. Bởi nếu đến thì tại sao Thủ tướng lúc đó lại không nghe sự góp ý xác đáng và có trách nhiệm này?...chieu@gmail.com

Tôi hoàn toàn chia sẻ ý kiến của GS Phan Đình Diệu. Tuy nhiên, có một thực tế là, góp ý của GS lúc đó có đúng thì cũng không ai nghe, vì dự án có liên quan đến hoa hồng, đến "phết phẩy"...cnxh...@yahoo.vn

Nhà nước bỏ ra hàng đống tiền cho một đề án không mang tính khả thi mà nguyên nhân đều xuất phát từ năng lực yếu kém và mưu lợi của một số cán bộ chuyên trách. Kết cục cuối cùng của Đề án 112 là một thất bại thảm hại, lãng phí tiền bạc mà không hề có được một chút thành công nào. Đây quả đúng là một bài học "xương máu" của Nhà nước trong xây dựng các đề án tương tự.

Chúng ta đã phải chấp nhận sự mất mát, hao tốn tiền bạc nhưng chúng ta không thể buông xuôi, phớt lờ để mọi việc trôi qua và dần lãng quên. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo xử lý vụ việc này là quá sáng suốt. Chúng ta cần phải tiến hành điều tra tận gốc do đâu dẫn tới thất bại, cá nhân nào có dính líu đến tiêu cực bòn rút của công cho vào túi riêng của mình. Mục đích là tìm ra được căn nguyên để những đề án tiền tỉ khác của Nhà nước không phải đi theo lối "vô tác dụng", trở thành nơi nuôi dưỡng, làm giàu cho những kẻ hám lợi như trong Đề án 112. Đồng thời việc xử lý nghiêm minh còn có tác dụng răn đe và cảnh báo cho các cá nhân có tiêu cực đang "còn sống", hoạt động "hốt lợi" thoải mái trong cơ quan nhà nước.

Nhà nước và nhân dân kêu gọi những cá nhân có dính dáng tới tiêu cực trong đề án hãy tự khai nhận và trả lại tiền cho nhân dân, cho đất nước để được giảm tội.

Minh Huy (TP.HCM)

Chúng ta nhất quyết không được nương tay

Người dân chúng tôi đang theo dõi sát nút diễn biến của sự việc, đang chờ cơ quan điều tra đưa ra công luận những kẻ bòn rút của công cho vào túi riêng trên cơ sở sự công bằng và tinh thần thượng tôn pháp luật. Chúng ta nhất quyết không được nương tay cho bất kỳ một cá nhân nào có liên quan (dù đó là quan to hay quan nhỏ). Vụ Đề án 112 phải xử lý nghiêm minh để bảo vệ luật pháp, bảo vệ nhân dân, bảo vệ nền kinh tế đất nước.

yduc_minhnhu...@yahoo.com

Chúng tôi là những người lính trong chiến tranh còn được sống đến hôm nay để chứng kiến sự đổi thay lớn lao của đất nước, nhất là trong thời kỳ hội nhập, mặc dầu còn nhiều khó khăn, Đảng, Chính phủ và nhân dân ta đã cố gắng tập trung tài trí để xây dựng một bộ máy nhà nước thực sự của dân, do dân và vì dân. Thời gian gần đây Chính phủ đã tỏ rõ quyết tâm chống tham nhũng kiên quyết, đã được nhân dân đồng lòng tin tưởng. Những vụ án lớn đưa ra ánh sáng trước công luận như PMU 18, Lâm Thái, Hai Chi v.v... và gần đây là  vụ Đề án 112, càng ngày càng lộ rõ chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm". Hãy xử lý thật nghiêm những kẻ tham nhũng dù người đó là ai, chức vụ gì, không nên nương nhẹ, không nên để dư luận cho rằng "máy bay to hạ cánh an toàn", tức là cho nghỉ hưu, chuyển công tác v.v... Hãy học tập nước láng giềng Trung Quốc trong việc xử lý tham nhũng. Phải làm sao để pháp luật đủ mạnh, mới răn đe, mới bảo đảm công bằng xã hội, như thế nhân dân mới thực sự tin tưởng vào bộ máy do mình bầu ra.

Hoàng Long (Đà Nẵng)

Bài tham gia trang này xin gửi về: Trang “Ý kiến”, Báo Thanh Niên, 248 Cống Quỳnh, Q.1, TP.HCM hoặc e-mail: ykien@thanhnien.com.vn.

Sự thất thoát tiền của quá lớn từ đề án này không phải do hoàn cảnh khách quan mà đó là sự vô trách nhiệm chủ quan của một số cán bộ lãnh đạo nhằm mục đích "bòn rút" tiền của Nhà nước, bằng cách khai khống chênh lệch để hưởng phần trăm "lại quả" mà các đối tác, các nhà cung cấp đem lại.

Nhìn lại sự thất bại và sự thất thoát của Đề án 112 nghĩ mà đau xót, số tiền hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng là quá lớn đối với một đất nước mà đời sống nhân dân còn nghèo như nước ta. Nếu như số tiền đầu tư vào Đề án 112 được đầu tư vào việc xây dựng cơ sở vật chất cho ngành giáo dục thì chúng ta đã phần nào giảm đi sự khó khăn về vật chất mà ngành giáo dục đang gặp phải, và nếu như số tiền ấy được bổ sung vào khoản cứu trợ các đồng bào lũ lụt thì chắc chắn sẽ tốt biết bao nhiêu. Số tiền ấy dùng để giúp đỡ học sinh nghèo thì chúng ta sẽ tiếp bước được biết bao học sinh đến trường....

Sự việc này được đưa ra trước dư luận là một điều rất đáng hoan nghênh. Chúng ta cần phải làm mạnh hơn nữa để loại bỏ những "con sâu" đang đục khoét công quỹ, trong dự án này và các dự án khác nữa. Có như vậy thì lòng tin của nhân dân với Nhà nước mới được giữ vững.

Phạm Ngọc Chí (TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.