Mỹ “quốc hữu hóa” ngân hàng

11/10/2008 22:59 GMT+7

Lần đầu tiên kể từ cuộc Đại khủng hoảng cách đây gần một thế kỷ, Chính phủ Mỹ sẽ đầu tư trực tiếp vào các ngân hàng, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson tuyên bố tối 10.10, theo hãng tin AP. Kế hoạch mua lại cổ phần sở hữu tại các ngân hàng là bước đi lịch sử của Chính phủ Mỹ trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính đang lan rộng ra toàn cầu bất chấp nỗ lực chống chọi của nhiều chính phủ.

“Đây là một giai đoạn mà chúng ta chưa từng trải qua bao giờ”, ông Paulson nói. Ông khẳng định kế hoạch mua lại cổ phần sẽ được mở rộng cho một loạt thể chế tài chính, trong đó có ngân hàng, nhằm giúp các tổ chức này nối lại hoạt động cho vay... Chính phủ cũng chỉ mua những cổ phần không có quyền (tuyển cử) đầu phiếu nên sẽ không có quyền điều hành các công ty, theo ông Paulson.

Nhà chức trách Mỹ đã được phép hành động trực tiếp như vậy dựa theo dự luật về gói giải cứu kinh tế trị giá 700 tỉ USD đã được Quốc hội thông qua và Tổng thống George W.Bush ký. Số tiền này dùng để mua cổ phiếu của những ngân hàng gặp khó khăn do khủng hoảng nợ xấu, qua đó giúp các thể chế này có thể nối lại hoạt động.

Bộ trưởng Paulson đã công bố kế hoạch kể trên vào cuối phiên họp của lãnh đạo tài chính các nước G-7 gồm Mỹ, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp, Ý và Canada tại Washington hôm 10.10. Tại cuộc họp, theo AP, các nước G-7 cũng đã công bố kế hoạch hành động đối phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu gồm 5 điểm.

Theo đó, G-7 cam kết dùng mọi biện pháp để bảo vệ, ngăn chặn tình trạng phá sản của các ngân hàng lớn cũng như các thể chức tài chính; quyết hành động để giải ngân tín dụng cho phép các ngân hàng và thể chế tài chính được tiếp cận rộng rãi với nguồn vốn; ủng hộ những nỗ lực của các ngân hàng trong việc huy động lượng tiền từ các nguồn cá nhân cũng như nguồn công để nối lại việc cho vay; bảo vệ người gửi tiền trong ngân hàng và phục hồi thị trường tài chính thế chấp bị đổ vỡ.

C.Y

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.