Đổi tràm sang lúa - Nên không?

01/10/2008 15:03 GMT+7

(TNO) Thời gian gần đây, ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang có phong trào “đổi tràm lấy lúa”. Người dân đua nhau phá tràm trồng lúa khiến các cấp chính quyền và các ngành chức năng không khỏi lo ngại...

“Ma lực” từ những con số

Theo Tiến sĩ Hoàng Quốc Tuấn – Phân viện Quy hoạch Thiết kế Nông nghiệp Miền Nam, do thời gian thu hoạch của cây tràm khá lâu, nếu trồng để lấy cừ tràm thì phải mất ít nhất 6 - 7 năm, còn lấy gỗ (chế biến đồ mộc gia dụng) thì phải mất trên 15 năm. Với một thời gian khá dài như thế, cộng thêm việc giá bán luôn biến động và chênh lệch giữa tỉnh này với tỉnh kia khá cao (do thương lái ép giá) dẫn đến hiệu quả kinh tế trồng tràm thấp so với canh tác loại cây khác. Chẳng hạn, tại thời điểm giữa năm 2008, 1 ha tràm 6 - 7 năm tuổi ở huyện U Minh và Trần Văn Thời (Cà Mau) chỉ bán với giá chưa đầy 10 triệu đồng; trong khi giá bán tại các huyện Mộc Hóa, Thạnh Hóa (Long An) từ 15 - 20 triệu đồng. Như vậy, bình quân 1 ha tràm cừ mỗi năm có giá trị 1,2 - 2,5 triệu đồng; trong khi 1 ha lúa 2 vụ có giá trị trên 20 triệu đồng. Chính vì vậy, từ nhiều năm qua, diện tích tràm ở ĐBSCL luôn biến động theo chiều hướng giảm dần. Những cánh rừng tràm bạt ngàn một thời ở Đồng Tháp Mười (Đồng Tháp), Mộc Hóa, Thạnh Hóa (Long An),… giờ đã nhường chỗ cho cây lúa.

Việc nông dân chuyển từ trồng tràm sang trồng lúa, xét về hiệu quả kinh tế là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là có phải tất cả các loại đất trồng tràm ở ĐBSCL đều có thể trồng lúa?       

Đổi tràm sang lúa - lợi bất cập hại

Tại buổi hội thảo về sản xuất kinh doanh tràm vùng ĐBSCL được tổ chức ở Long An mới đây, đa số các nhà khoa học khẳng định, không phải bất kỳ vùng đất trồng tràm nào cũng có thể trồng lúa, bởi những nơi trồng tràm thì đất thường bị nhiễm phèn nặng, khó thích hợp với cây lúa. Ở các địa phương như Tiền Giang, Long An và Đồng Tháp, để chuyển một vùng chuyên canh tràm sang trồng lúa, ngoài việc phải tốn một chi phí rất lớn để đốn bỏ và nhổ gốc tràm, còn phải  mất cả chục năm cải tạo đất mới có thể trồng lúa 2 - 3 vụ/năm. Tuy nhiên, năng suất lúa cũng không cao...

Trước thực trạng đó, GS-TS Mai Thành Phụng - Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã có khuyến cáo: Ở khu vực ĐBSCL, nếu vùng nào không chủ động được nguồn nước ngọt thì phải chấp nhận trồng tràm. Ở những nơi có diện tích trồng lúa dưới 10% so với diện tích tràm thì không nên chuyển sang trồng lúa, vì khi đó lúa sẽ  bị các loại sâu bọ phá hoại… Vì thế, tuy trong tính toán, trồng lúa lợi hơn trồng tràm, nhưng việc đốn tràm trồng lúa phải được tính toán ở nhiều khía cạnh, nếu không sẽ lợi bất cập hại...
 
Giải pháp

Theo các nhà khoa học, giá trị sử dụng của cây tràm rất lớn, như: làm cừ, lấy gỗ (làm nhà, làm ván), làm bột giấy, chế biến tinh dầu tràm,… Tuy nhiên, trong thời gian qua, ngành công nghiệp chế biến gỗ tràm ở nước ta phát triển quá chậm; việc chế biến gỗ tràm chỉ mới phát triển ở mức hộ gia đình, quy mô nhỏ, chưa có nhà máy, cụm công nghiệp chế biến có quy mô tương xứng với vùng nguyên liệu để tạo đầu ra cho cây tràm…, khiến người trồng tràm vốn khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Theo ông  Phạm Quang Hiển - Tổng giám đốc Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam: Trong điều kiện hiện nay, để tránh tình trạng người dân rầm rộ đốn tràm trồng lúa bất chấp những hậu quả sau này, cũng như để phát huy hết hiệu quả kinh tế của cây tràm, trước mắt các tỉnh ĐBSCL cần phải kết hợp khai thác rừng tràm với du lịch sinh thái. Về lâu dài, các cơ quan chức năng của từng tỉnh cần quan tâm đầu tư trồng rừng và xây dựng các nhà máy chế biến gỗ tràm…

Ông Hiển tin tưởng, trong bối cảnh nguồn gỗ từ rừng tự nhiên ngày càng cạn kiệt, trong khi nhu cầu sử dụng gỗ ngày càng tăng như hiện nay, nếu các tỉnh ĐBSCL sớm có qui hoạch phát triển cây tràm thì trong tương lai không xa, những cánh rừng tràm ở ĐBSCL sẽ xanh bạt ngàn trở lại…

Đỗ Thông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.