Kiều nữ tranh cát

13/10/2009 11:12 GMT+7

(TNTT>) Chỉ với tâm hồn, đôi tay và nắm đất, Kseniya Simonova đã kể cả một câu truyện bi tráng bằng hình gây xúc động và nhận được lượng phiếu bầu tuyệt đối, trở thành quán quân giải "2009 Ukraine's Got Talent".

Ngày 24-9-2009, cuộc thi tìm kiếm tài năng phiên bản Ukraine đã chọn ra được người số 1. Giải thưởng 118.343 USD lọt tay cô gái xinh đẹp 24 tuổi, Kseniya Simonova, sau màn trình diễn tranh cát minh họa mang nội dung thật cảm động và súc tích, một truyện kể bi tráng thời chiến tranh vệ quốc Thế chiến II. Trước khi chiếm được giải thưởng cao quý, cô đã lấy đi biết bao nước mắt của hội đồng giám khảo và khán giả có mặt trong khán phòng Yevpatoria.

Ma thuật của tay và cát

Tiếng nhạc tổ khúc giao hưởng Tchaikovsky vang lên theo từng trường đoạn tạo hình của Simonova trên màn ảnh lớn. Ánh sáng âm từ bàn kính hắt lên giữa bóng tối thính phòng, đưa khán giả dõi theo từng tác phẩm tranh liên hoàn tạo bằng cát, kể lại khúc tráng ca của đôi tình nhân thời chiến. Thỉnh thoảng ống kính chiếu cận cảnh một Kseniya Simonova biểu diễn vũ điệu tay với cát trên mặt bàn thủy tinh ở một góc trên sân khấu. Người ta chỉ thấy loáng thoáng khuôn mặt đam mê như lên đồng của cô gái Ukraine xinh đẹp. Các thao tác vung cát khỏa lấp đoạn tranh cũ một cách quyết liệt và kỳ ảo trong tiếng nhạc dồn dập mô tả không khí chiến tranh đang ập xuống khiến sự im lặng của khán phòng thành rợn người. Có lẽ câu chữ dùng trong bất cứ bài viết nào về cuộc biểu diễn của Simonova đều khó thể diễn đạt hết cái thần bằng đoạn video clip đã được hơn ba triệu người truy cập trên You Tube suốt nửa tháng qua. Đôi tay mười ngón đầy ma thuật của cô trên màn hình lớn còn sinh động hơn 10 cây cọ. Bởi lẽ ở mỗi ngón tay Simonova còn sử dụng đến cả mảng thịt bên cạnh, trỏ khớp ngoài, hai đầu ngón bóp, vuốt, vê từng mảnh cát để cho ra ánh mắt, khóe cằm, dải mi của nhân vật trong tranh. Khi lòng hay cạnh bàn tay của Simonova gạt cát chuyển đoạn khung tranh mới, khán giả như đang xem một phân cảnh phim kế tiếp. Thao tác nhanh, gọn, dứt khoát, lửa đam mê và sóng lãng mạn được đẩy lên cao trào khi Simonova vung tay như múa phủ lên lớp cát nền. Người ta như nín thở, kìm cơn nghẹn trong cổ họng và nén bớt giọt lệ. Khi Simonova nguệch ngoạc những dòng chữ Ukraine cuối cùng, kết thúc thiên truyện hình bằng cát của mình, mọi người tự dựng đứng hết trên những đôi chân. Các forum mạng đã bắt đầu đầy dẫy những lời bình từ khán thính giả u-Mỹ sau màn trình diễn có một không hai này. Với tài năng của Kseniya Simonova, những định dạng Got Talent của Anh hay Mỹ với những kỹ thuật ca hát vũ đạo xảo thuật dường như đã thành nhàn nhạt. Susan Boyle, nhóm nhảy Diversity bỗng như tầm thường. Cuộc trình diễn của cô gái Ukraine này là một tổng thể các kỹ năng đạo diễn, sáng tạo, hình họa, ảo thuật và xử lý chất liệu. Mỗi bức tranh cô tạo ra đã là một kỳ tích, nhưng biến chuyển chúng chớp nhoáng thành một tác phẩm hội họa nữa lại là một kỳ tích khác. Hiện tượng Simonova không đơn thuần tài năng cuộc thi mà là một đột phá về phong thái sáng tác nghệ thuật mới, lạ lẫm, dễ chuyển tải nội dung và cô đọng tính thưởng thức.

Huyền sử chiến tranh một thời

 

Cảnh đầu tiên trong tác phẩm tranh cát liên hoàn dự thi của Simonova

"Anh mãi bên em", đó là những từ Simonova kết thúc bằng cát cho phần biểu diễn. Trông cô như vị nữ thần bước ra từ sách Cựu ước ghi chép vào biên niên sử bài bi ca chiến tranh. Cát trong tay Simonova đã thành thứ bột kỳ ảo hóa thân đàn ông, đàn bà, trẻ thơ, công viên, cột đèn, mây mù và lửa khói. Thứ đất hiếm khi được mang lên sân khấu đương đại, nay qua tay Simonova, có thể diễn tả được cả tình yêu, sự chung thủy và lòng ái quốc. Simonova đã vượt qua mức thí sinh tài năng để trở thành một nghệ sĩ thực thụ khi đã đạt được mục đích là thể hiện cuộc sống con người theo một cách nhìn mới, chuyển tải hoàn hảo cảm nghĩ đến người thưởng ngoạn khiến khán giả có phản ứng nội tại với những gì được nghe được thấy. Huyền sử chiến tranh Thế giới II thời phát xít Đức được Simonova lựa ra các phân đoạn kịch tính nhất, có thể gặp ở bất cứ quốc gia nào. Cặp tình nhân thư thái hưởng không khí êm ấm yêu đương bên nhau trên ghế băng bỗng biến thành khuôn mặt người phụ nữ. Lối đi yên bình trong công viên bất chợt bùng lửa. Góa phụ ủ ê thoáng chốc hóa thân tượng đài chiến sĩ vô danh. Khi cát thay đổi vị trí trên mặt kính dưới bàn tay phù thủy của Simonova, người xem sẽ cảm nhận nhiều thứ hơn đằng sau hiện thực hình vẽ. Những giọt nước mắt, không dễ sáng tạo bằng cát, trên khuôn mặt người đàn bà thăng hoa thành ánh cười ngay lúc một hài nhi xuất hiện. Khi Simonova vung đôi tay ma quái như nhập đồng lên, thế chiến thứ II quay trở lại khán phòng. Khi cát cũ biến thành khuôn mặt sầu buồn khắc khổ của người góa phụ mòn mỏi chờ đợi nhìn tượng đài bên ngoài khung cửa sổ, chúng đã đủ sức hút các giọt lệ ra khỏi khóe mắt người xem. Để kết thúc, cũng từ khung cửa ấy, là những hạt cát tạo ra bàn tay người lính áp lên kính tạm biệt vợ con để ra trận. Cứ 4 người Ukraine đã có 1 bỏ mình trong chiến tranh vệ quốc, chiếm con số 11 triệu nạn nhân trên 42 triệu dân. Xem Simonova “vẽ” khán giả khó cầm nước mắt khi được sống lại cả một thời chiến sử.

Chiến thắng của người mẹ

Đến với "2009 Ukraine's Got Talent" Kseniya Simonova đã phải bỏ ra chín tháng luyện tập. Cô kể đùa với bạn bè “số ngày chuẩn bị cuộc thi cũng dài tựa thời gian cưu mang đứa con. Chính tình mẫu tử đã là động lực giúp tôi tập trung cao nhất cho tác phẩm biểu diễn”. Lúc ấy bé Dimke của Simonova mới chỉ được 1 tuổi rưỡi, thời điểm các bà  mẹ bận bịu với trẻ nhất. Ban ngày cô phải trông con tối mới có thời gian thực tập thao tác với cát. Đêm đêm, nhờ anh chồng Igor trợ giúp, cả hai hì hục “nghịch đất” suốt 3 tiếng đồng hồ. Tính ra mỗi ngày Simonova chỉ ngủ được 3 hay 4 giờ suốt quãng thời gian chín tháng. Igor biên kịch cốt truyện, góp ý các mảng cát nền. Ba tuần trước ngày thi chung kết, hai vợ chồng phải gửi con cho nội ở tận Moldavia rồi đưa nhau đến khu rừng nghỉ dưỡng vùng Kiev để tập cho thực hoàn hảo. Đây là lần đầu tiên trong đời Simonova xa con nên cô thú nhận “áp lực thử thách tranh tài không bằng thứ áp lực lo lắng về thằng bé, dù nhà nội mừng như bắt được vàng khi gần bên cháu”. Câu “You always next” kết thúc màn biểu diễn được Igor chọn đúng ngày kỷ niệm chiến thắng phát xít. Cũng chính anh “chấm” kiểu thiết kế trang phục cho vợ ngày lên sân khấu khán phòng Yevpatoria. Simonova thú nhận khi xem lại chương trình trên TV cô thấy mình rất xinh đẹp và …lạ lùng là khuôn mặt thằng bé và anh chồng xuất hiện trên bàn kính đầy cát giống bé Dimke và Xenia Igor như đúc. Kseniya Simonova thực sự đã chiến thắng bằng tâm hồn người mẹ, người vợ. (Nguồn Reuters, Lenta.ru)

La Nghi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.