Yên Bái: Tang thương Cát Thịnh

28/09/2005 23:56 GMT+7

Vượt qua hàng trăm điểm sạt lở, bằng tất cả các phương tiện và khả năng có thể, chúng tôi vượt qua 80 km Quốc lộ 37 để đến xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, nơi nước lũ gây ra những thiệt hại thảm khốc nhất. Chúng tôi hoàn toàn bất ngờ và ngạc nhiên bởi thị tứ Ngã Ba - trung tâm xã Cát Thịnh vốn sầm uất là thế mà nay cảnh tượng hết sức hoang tàn. Toàn cảnh cơn bão số 7

Những đoàn người chạy ngược chạy xuôi, đường phố ngập ngụa bùn, nước, rác và cả gỗ quý. Những khuôn mặt đau khổ vì mất người thân, những vẻ mặt ngơ ngác, kinh hoàng vì chẳng hiểu nổi mới vừa hôm qua nhà cửa, tài sản là thế mà hôm nay chỉ còn đống gạch vụn, những nhà ven suối chỉ còn đúng cái nền. Tại ngầm tràn liên hợp đi Phù Yên (Sơn La) thuộc khu vực thị tứ Ngã Ba, cơ ngơi hàng chục hộ kinh doanh thương mại và sản xuất cơ khí đã bị nước san phẳng, các bà các chị đang gào khóc thảm thiết vì mất người, mất của; đàn ông con trai người lấm lem bùn đất, đang cố nhặt những món đồ sót lại mà dòng nước chưa kịp cuốn đi, nhìn họ cực kỳ bơ phờ như muốn kiệt sức.

Một người dân tên Hùng cho biết: "Lúc khoảng 10 giờ 30 đêm qua (27/9), tôi nghe thấy nước suối chảy mạnh, biết là nước lũ tôi có ra xem, nhưng nước còn nhỏ tôi lại về nhà. Tôi hoàn toàn yên tâm bởi tôi làm lâm nghiệp, sống với rừng cả mấy chục năm, gia đình tôi định cư ở mảnh đất này hơn 20 năm nay rồi, nước không thể lên nhanh được, hơn

Tính đến 20 giờ ngày 28/9 vẫn chưa có thông tin gì về lũ lụt tại huyện Mù Cang Chải (đây là huyện xa nhất của tỉnh Yên Bái) do đường đã bị tắc và mất thông tin liên lạc.

nữa nước to mấy cũng chỉ láng nền nhà, vì thế tôi yên tâm đi ngủ. Nào ngờ...". Ông nói rồi chỉ vào mảnh đất bằng phẳng như ruộng mạ: "Nhà đấy, tài sản của cả đời lao động cực nhọc đấy, may mà bà nhà tôi cũng kịp chạy, không thì...". Tôi thật khó kềm lòng khi thấy hai dòng nước mắt lăn dài trên khuôn mặt già nua và lấm lem bùn đất của ông.

Giống như gia đình Hùng, hàng trăm gia đình khác ở Cát Thịnh khá chủ quan mặc dù đã được cảnh báo trước, bên cạnh đó là tình trạng nước lên rất nhanh lại xảy ra vào ban đêm nên việc chạy lũ, cứu hộ rất kém hiệu quả. Sáng 28/9 tại cổng Trường THPT Văn Chấn, hàng chục phụ huynh học sinh đang gào khóc thảm thiết bởi chưa có thông tin gì về con em mình, chỉ biết có khá nhiều học sinh đang ở trọ tại các gia đình và một số gia đình này đã bị lũ cuốn.

Khu vực xã Cát Thịnh đã hoàn toàn bị cô lập, tuyến Quốc lộ 37 từ xã đi trung tâm huyện Văn Chấn đã bị sạt lở hàng trăm điểm, có những điểm hàng nghìn mét khối đất, có những điểm nước cuốn trôi cả chục mét đường, sâu hàng chục mét. Việc di chuyển của chúng tôi đến thôn Ba Khe I gặp rất nhiều khó khăn nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm đi bởi ngoài khu Ngã Ba, đây là khu vực cũng bị thiệt hại nặng. Được sự giúp đỡ của nhiều người dân, sau khoảng 2 giờ vượt qua đoạn đường 4 km, chúng tôi đã có mặt tại thôn Ba Khe I. Hàng chục hộ với nhà cửa, hoa màu đã bị san phẳng chỉ còn toàn cát và đá, bà con trong thôn đang tập trung tại gầm một ngôi nhà sàn để làm ma cho cháu Phạm Văn Khương (sinh năm 1991), cả nhà cháu bị nước cuốn trôi, cháu là nạn nhân đầu tiên được lực lượng cứu hộ tìm thấy xác. Được biết hàng chục héc-ta lúa, hàng trăm trâu, bò, lợn đã bị lũ cuốn, doanh nghiệp chè Nam Thịnh cũng thiệt hại khoảng 300 triệu đồng do lũ cuốn nhà xưởng và nhiều máy móc.

Theo thông tin ban đầu, riêng xã Cát Thịnh đã có 24 người chết và mất tích, trong đó có 3 hộ chết cả nhà, 60 hộ dân bị lũ cuốn hoàn toàn nhà và tài sản, hàng trăm hộ dân khác bị sập, ngập nhà, hư hỏng tài sản, 7 cây cầu từ trung tâm xã đi trường cấp III và các thôn bản bị lũ cuốn, 8 vị trí cột điện (đường 35 KV) cung cấp điện cho khu vực Văn Chấn, Nghĩa Lộ đã bị đổ gây mất điện hoàn toàn, dự kiến 3 ngày sau mới đóng điện trở lại. Rất may ngành điện đã cắt điện kịp thời nên không có sự cố nào xảy ra. Khu vực Cát Thịnh không có sóng điện thoại di động, hệ thống máy cố định bị cắt hoàn toàn nên không thể liên lạc được.

Trước tình hình này, cấp ủy, chính quyền của tỉnh Yên Bái, huyện Văn Chấn và đặc biệt là lực lượng quân đội đã có mặt để chỉ đạo, tổ chức cứu hộ thăm hỏi. Đại tá Nguyễn Tiến Nguyệt, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự tỉnh, trực tiếp chỉ đạo 20 chiến sĩ tìm kiếm các nạn nhân. Ông cho biết: "Thời điểm này khả năng cứu người là rất ít, bộ đội sẽ tập trung đón lõng ở khu vực dưới cách xã khoảng 10 km để vớt nạn nhân. Quân đội đang tăng cường lực lượng ứng cứu, trước mắt là giúp dân và sửa chữa đường giao thông".

Ngay sau khi nước rút, nhân dân đã tích cực giúp nhau thu gom tài sản, ổn định nơi ở. Ông Trần Mộc - Thường vụ Huyện ủy Văn Chấn cho biết: "Huyện đã chỉ đạo tất cả những gia đình chưa lo được nơi ở về tập trung tại trụ sở, xã sẽ tổ chức cho nhân dân ăn, uống đầy đủ. Quyết tâm không để người nào đói, rét". Chủ tịch UBND tỉnh Phùng Quốc Hiển cùng lãnh đạo một số ban ngành cũng đã có mặt tai Cát Thịnh để chỉ đạo khắc phục hậu quả, thăm hỏi, cứu trợ những gia đình bị lũ lụt.

Lê Phiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.