Hoa Hậu Caroline Nguyễn - câu chuyện “Dấu Phấn Trên Bảng Ðen”

16/02/2004 12:17 GMT+7

Tất cả chỉ xoay quanh một chuyện: Người con gái được chọn làm hoa hậu cuộc thi Miss Việt Nam U.S.A., đã hoàn tất 121.4 đơn vị học trình tại phân khoa Nhân Chủng Học thuộc Ðại Học Berkeley đã bị dư luận và một số báo chí đánh giá là gian dối trong kết quả học trình.

Có lẽ Caroline chỉ trải qua một ngày hạnh phúc duy nhất kể từ ngày được chọn làm người con gái đẹp nhất của cuộc thi Miss Việt Nam U.S.A. Ðã hai tháng trôi qua, phần thưởng dư luận duy nhất dành cho Caroline chỉ là những lời đồn đoán xung quanh một chuyện: Caroline có tốt nghiệp đại học hay không?

Hoàn tất 120 units được yêu cầu bởi Ðại Học Berkeley, với sự chứng nhận “hoàn tất chương trình” của Phân Khoa Nhân Chủng Học, chẳng lẽ là điều vô nghĩa?

Dư luận và báo chí muốn tìm hiểu sự thật. Ðôi khi, sự thật không phải là những con số cụ thể, hay những mảng trắng đen được phân biệt rõ ràng. Sự thật, nhiều lúc, nằm ở cách chúng ta nhìn về sự việc, sự thông cảm của chúng ta về hoàn cảnh, và về những thông tin mà chúng ta được biết.

Hồi còn bé, tôi được đọc một cuốn sách. Cuốn sách có câu chuyện như thế này: Một giáo sư bước vào giảng đường đại học. Ông nhìn đám sinh viên của mình. Không nói không rằng, ông cầm lấy cục phấn và chấm một điểm thật nhỏ lên tấm bảng đen. Rồi ông hỏi: Các con nhìn thấy gì trên tấm bảng đen này? Tất cả mọi sinh viên đều trả lời rằng họ thấy một dấu chấm trắng trên bảng.

Vị giáo sư mỉm cười, ông hỏi lại, và cũng để trả lời: Trên tấm bảng đen mênh mông và đẹp đẽ này, sao các con chỉ nhìn thấy có mỗi một chấm trắng?

Trong lời bàn về câu chuyện, dấu chấm trắng thể hiện cái xấu, rất nhỏ, trong cuộc sống dài và tuyệt đẹp của mỗi con người. Nhưng người ta thường có khuynh hướng nhìn vào điều xấu, cho dù rất nhỏ, và “quên” mất cái khoảng đẹp bao la còn lại.

Cuộc sống của Caroline, như tấm bảng đen mênh mông tuyệt đẹp đang bị dư luận bỏ quên. Dư luận chỉ muốn nhìn, và muốn xé ra thật lớn cái chấm trắng rất nhỏ trong cuộc đời cô.

Theo qui định của trường Ðại Học Berkeley, một sinh viên cần phải hoàn tất 120 units để có thể lấy bằng cử nhân. Trong số 120 units ấy, có 7 lớp được định nghĩa là các chương trình mở mang kiến thức theo diện rộng, không cần chuyên sâu (breadths). Các lớp này có thể được xem tương đương với chương trình đại cương (general education). Trong 5 năm theo học tại Ðại Học Berkeley, Caroline đã hoàn tất 121.4 units, tức là nhiều hơn con số yêu cầu của chương trình học. Tuy nhiên, 2 trong số các lớp giáo dục đại cương ấy, theo lời Caroline: “đã được lấy không đúng với yêu cầu của chương trình.” Và để hội đủ yếu tố tốt nghiệp, “Caroline chỉ cần lấy lại hai lớp ấy, ở bất cứ đại học hay college nào.” Về phía phân khoa Nhân Chủng Học, nơi quan tâm đến yếu tố chuyên môn của các sinh viên, theo một văn bản chính thức đề ngày 21 tháng 11 năm 2003, đã chứng nhận Caroline “hoàn tất đầy đủ chương trình” của phân khoa mình.

Caroline có lỗi. Lỗi của cô là giả định sự hoàn tất chương trình học, tức tốt nghiệp, dựa trên 121.4 units mà cô hoàn tất. Chính việc “lấy dư” nhưng không “lấy đúng” hai lớp trong chương trình đại cương đã dẫn đến những định nghĩa sai về việc hoàn tất chương trình học của cô. Caroline có lỗi, nhưng, dựa trên các văn bản từ Ðại Học Berkeley và phân khoa Nhân Chủng Học, Caroline không gian dối. Ðây chỉ là những lỗi lầm mang tính kỹ thuật của các đòi hỏi từ học trình.

Sự dằn vặt của Caroline, dưới sức ép của dư luận, không bắt nguồn từ mặc cảm nói dối hay sự thách thức các giá trị bản thân, mà bắt nguồn từ sự thiếu kinh nghiệm của một người con gái mới lớn vừa bước vào đời. Trong một lần nói chuyện với chúng tôi, Caroline cho biết: “Nền học vấn của em sẽ luôn luôn và mãi mãi là trách nhiệm của em. Em sẽ làm những gì cần làm để lấy được tấm bằng ấy, bằng chính sự cần cù của em. Em xin gởi lời xin lỗi sâu xa đến gia đình em, bạn bè em, ban tổ chức cuộc thi Miss Việt Nam U.S.A. cũng như cộng đồng Việt Nam ở khắp mọi nơi trên thế giới nếu những giả định về việc hoàn tất học trình của em làm cho mọi người hiểu lầm.”

Tháng 2 vừa qua, Caroline được chọn tham dự trong một đội hình 12 thiếu nữ Á Châu thuộc chương trình “Ði Tìm Người Mẫu Thời Trang Á Châu” tại San Francisco. Ðây là một chương trình nổi tiếng, không phải vì có nhiều người đẹp tham gia, mà vì các thu nhập từ chương trình này sẽ được hiến tặng cho Hiệp Hội Các Bệnh Nhân Tiểu Ðường Hoa Kỳ. Caroline tham gia chương trình với một quan tâm đặc biệt. Mẹ của cô là một bệnh nhân của căn bệnh này.

Nhớ lại hai tháng trước, tại cuộc thi Miss Việt Nam U.S.A., những câu trả lời thông minh của Caroline trong phần thi vấn đáp đã mạnh mẽ thuyết phục hơn 2,000 khán giả và 15 thành viên ban giám khảo. Những câu trả lời thông minh ấy, với nền tảng học vấn ấy, với các công tác thiện nguyện mà cô tham gia, những “dấu phấn trắng” đã trở nên nhỏ nhoi cho những phần đời tuyệt đẹp của người tân hoa hậu.

Hoàn tất 120 units được yêu cầu bởi Ðại Học Berkeley, với sự chứng nhận “hoàn tất chương trình” của Phân Khoa Nhân Chủng Học, chẳng lẽ là điều vô nghĩa?

Thiện Giao

Bài báo đăng trên Nguoiviet online và trên báo Người Việt ra ngày 15/02 tại South California, do anh Thang Tai Do (thangdo@sbcgloba.net), một độc giả tại Mỹ cung cấp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.