Thị trường phập phồng cùng chính trường

01/10/2008 23:33 GMT+7

Kế hoạch mới nhằm cứu nguy cho thị trường tài chính đang nằm trên bàn của các ông nghị Mỹ nhưng dường như nó đã nhiều tác động trên phạm vi toàn cầu.

Hôm qua, Thượng viện Mỹ đã xem xét phiên bản mới của dự luật cứu nguy thị trường tài chính. So với kế hoạch cũ đã bị Hạ viện bác, bản mới không khác bao nhiêu, với ngân sách trọn gói vẫn là 700 tỉ USD.

Một trong những điều khoản chính được bổ sung vào phiên bản mới là việc nâng mức bảo hiểm tiết kiệm từ 100.000 USD lên 250.000 USD. Bên cạnh đó còn có một số điều chỉnh về thuế. Những người ủng hộ dự luật hy vọng việc sửa đổi này sẽ làm hài lòng những nhà lập pháp chỉ trích kế hoạch ban đầu, vốn cho rằng kế hoạch đó ảnh hưởng nhiều tới lợi ích người dân. Sau khi vượt qua ngưỡng cửa Thượng viện, kế hoạch mới cần được Hạ viện thông qua trong một cuộc bỏ phiếu dự kiến diễn ra vào hôm nay.

Cũng như lần xem xét ban đầu, giới lãnh đạo lập pháp và hành pháp Mỹ lần này tỏ ra rất sốt sắng. Tổng thống George W.Bush nói rằng cái giá mà nước Mỹ phải trả nếu không hành động kịp thời sẽ lớn hơn con số 700 tỉ tiền thuế của dân bỏ ra để phục vụ kế hoạch giải cứu. Thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện - ông Harry Reid - và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cũng bày tỏ hy vọng rằng một kế hoạch giải cứu sẽ sớm được thông qua trước khi các nghị sĩ tập trung vào cuộc bầu cử. "Chúng tôi đang cùng nhau làm việc với niềm tin sẽ thông qua được một dự luật đầy trách nhiệm trong tương lai gần", BBC dẫn thông điệp mà ông Reid và bà Pelosi gửi tới Tổng thống Bush.

Sự dịch chuyển trên chính trường Mỹ cùng với hành động của một số Ngân hàng Trung ương - như Ngân hàng Trung ương Anh dự tính bơm 40 tỉ USD và Ngân hàng Trung ương Nhật bơm 11,2 tỉ USD vào thị trường tiền tệ - đã có những tác động khác nhau lên thị trường chứng khoán toàn cầu. Sau những thời khắc đen tối bắt đầu từ đầu tuần, hôm qua, chỉ số chứng khoán của một loạt trung tâm mạnh đã tăng đáng kể. Bắt đầu từ Úc, nơi chỉ số S&P/ASX-200 tăng 4,2%, gần bù được khoản sụt giảm 4,3% của ngày trước đó, làn gió tích cực đã lan tới châu Á. Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 tăng 1% sau khi giảm 4,1% vào ngày hôm trước. Chỉ số thị trường chứng khoán Đài Loan cũng tăng 0,8%. Tại châu u, trong các phiên giao dịch buổi sáng, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 1,8%, các chỉ số của Pháp, Đức cũng tăng nhẹ nhưng sau đó đã giảm xuống. Trước đó 1 ngày, chỉ số Dow Jones tại Mỹ đã hồi phục được 500 điểm sau khi đã mất 777 điểm trong ngày thứ hai - 29.9. Tuy nhiên, vào đầu ngày hôm qua, các chỉ số tại Phố Wall đã giảm trở lại.

Những biến động mới nhất của thị trường đã thể hiện tâm trạng phập phồng của các nhà đầu tư trước động thái của chính giới Mỹ. Có thể thấy rằng giới đầu tư đang rất mong chờ vào việc kế hoạch giải cứu tài chính của Mỹ sẽ được thông qua sớm. Bởi, một khi gã khổng lồ Mỹ có thêm dưỡng khí để hồi phục, nó sẽ có tác động tích cực trên phạm vi toàn cầu.

Đỗ Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.