“Tóc dài” trên biển

04/10/2008 15:18 GMT+7

Chồng chết, để lại chiếc ghe lưới cũ và hai cô con gái nhỏ. Không còn đường khác để mưu sinh, một ngày, chị Trần Hồng Cẩm (quê Trà Vinh) quyết định nổ máy ra khơi.

Nghị lực

Trên vùng biển phía Nam mênh mông, chị Cẩm mới hay hóa ra không phải chỉ có chị là phụ nữ dám cầm tàu “xông” ra biển. Người ta nói, ở đây, đã có hàng trăm người "phái yếu" đeo nghề đầu sóng ngọn gió.

Lọt vào sóng bộ đàm của một tàu cá, trong vô số tạp âm bỗng nghe một giọng nữ reo lên: “Chạy lại đi, ở đây có đồ!”. Anh tài công lắc đầu: “Đúng là... đàn bà. Người ta gặp mẻ cá là giấu gần chết, ai lại oang oang cho ghe khác chạy lại đánh?”. Tài công Trương Văn Bé (50 tuổi, tàu BT 7182TS, quê ở Ba Tri, Bến Tre) gật gù: “Có mấy bả ra đây đánh cá, biển như “xôm” hơn...”.

 
Công việc hằng ngày - Ảnh: Tiến Trình
Gặp nhau trong lúc cùng đoàn tàu vào tránh bão ở cửa biển Khánh Hội (Cà Mau), chị Võ Thị Bé Năm (43 tuổi, chủ tàu BT 6408TS) dè dặt kể lại chuyện mình cầm tàu ra khơi. Thời gian cũng đã non sáu năm. Nhà chị ở ấp Phú Thạnh I, xã Cẩm Sơn (Mỏ Cày, Bến Tre), một nơi không gần biển. Gia đình chị chỉ có mấy công đất trồng mía nên thường xuyên sống trong cảnh thiếu thốn. Không hiểu tính toán thế nào, chồng chị đã đem hết tiền huê lợi từ vụ mía và đi vay hỏi thêm để mua về một chiếc tàu cá. Nhìn chiếc tàu trị giá 40 triệu đồng, là thành quả của một vụ mùa và cả... nợ nần, chị Năm đờ người. Thế nhưng thấy anh cương quyết với hy vọng đổi đời từ chiếc tàu, chị cũng gượng cười, dù gia đình chưa ai từng đi biển.

Nỗi lo không dám nói ra của chị Bé Năm đã thành sự thật ngay trong chuyến đầu tiên anh cầm tàu ra khơi. Vì không quen sóng gió, ra biển bị sóng nhồi, anh ói “tới mật xanh” mấy ngày liền. Không đánh cá được, anh đành rầu rĩ chạy tàu vào. Rồi chuyến đi thứ hai, thứ ba... vẫn vậy. Sóng biển cuối cùng đã đánh gục quyết tâm ra khơi kiếm cơm của anh. Không thể để chiếc tàu nằm ì với khoản nợ chồng chất, chị Bé Năm quyết định công việc khó khăn đó nay đã tới lượt mình. Không có tiền mướn bạn tàu, chị dắt Hùng - đứa con lớn mới học lớp 8 - đi theo. Dù đã thủ sẵn bao nhiêu thuốc chống ói, nhưng chuyến ra biển đầu tiên, mẹ con chị Năm cũng bị sóng “giập” ra trò. Chị thú nhận nhiều lúc mình không cầm vững tay lái, nên bị mất phương hướng giữa biển. 

Rồi ngày một, ngày hai... mẹ con chị Bé Năm đã dần chịu được những cơn sóng giữa biển. Đó cũng là lúc họ gặp được đoàn tàu của ngư dân Bến Tre đang buông lưới ở gần bên. Mẹ con chị chạy tới làm quen rồi cũng buông lưới theo. Thấy trên tàu chỉ có hai mẹ con, họ thương tình cho đi theo. Mẹ con chị kéo lưới không nổi thì có người sang kéo giúp. Ngày qua ngày, mẹ con chị Năm theo đoàn tàu đi từ biển Đông sang biển Tây. Tàu của chị gia nhập vào nhóm tàu nhỏ của ngư dân Bến Tre, núm níu nhau trên biển để sống. Họ bỏ lưới ở vùng biển nào, chị cũng bỏ gần đó. Họ đi bán cá ở đâu, chị cũng bán ở đó. Tới đâu bán được cá, chị cũng ra bưu điện gửi tiền về nhà để chồng nuôi con ăn học, và trả nợ. Rong ruổi khắp nơi, tròn năm mẹ con chị Năm mới về nhà một lần. Vậy mà đã hơn năm năm. Chiếc tàu của chị ngày nào giờ đã cũ sờn. Thằng Hùng giờ thành cậu thanh niên tuổi đôi mươi. Còn chị trở thành nữ tài công thạo biển. Chị nói, hễ tìm được vùng nước nào nhiều cá thì chị lại thông báo cho tàu bạn tới đánh. Chị bị “lây” tính hào phóng đó từ những người tốt bụng đùm bọc mẹ con chị trong những ngày đầu tiên ra khơi... 

Ngư dân Đỗ Văn Tam tâm đắc: “Tui thấy đàn bà đi biển giỏi không thua gì đàn ông, thậm chí nhiều người còn giỏi hơn”. Anh Tam kể lại chuyện anh chứng kiến để minh họa cho đánh giá của mình. Số là trong trận bão năm trước, nhiều tàu cá hối hả nối nhau chạy nhanh vào bờ. Giữa lúc bão tố nguy hiểm đó, có một tàu phá nước bị chìm. Khi người trên tàu chỉ còn biết nghĩ đến cái chết thì bất ngờ có một tàu khác cũng trên đường trốn bão đã cập lại bên chiếc tàu bị nạn. Lúc tất cả an toàn cập bến Gành Hào (Bạc Liêu), những người ở đây mới biết đi trên chiếc tàu dũng cảm quay lại cứu người chỉ có ba cô gái. Tài công của một tàu cá khác lúc này thú thật họ có thấy tàu chìm, nhưng không dám quay lại cứu vì sợ vào bờ không kịp.

Trên khắp vùng biển phía Nam, nhiều tàu cá hay vựa mua thường nhắc đến chị Hồng Cẩm. Người ta nói chị là người có nhan sắc. Nhiều người trước đây cũng quen biết chồng chị. Anh hiền, nhưng mất sớm, để lại cho chị chiếc ghe lưới và hai cô con gái đang tuổi đi học. Lúc đó, hàng xóm khuyên chị nên bán ghe để lấy tiền làm vốn buôn gánh nhưng chị không nỡ, vì nó là tâm huyết của vợ chồng chị gom góp tạo dựng. Muốn giữ lại ghe và nuôi con ăn học, chỉ còn cách là đích thân chị phải mưu sinh cùng biển. Nghĩ vậy, chị mướn thêm hai thuyền viên rồi cùng họ ra khơi. Cũng may, qua nhiều con nước, ghe của chị đều trúng cá. Cuộc sống gia đình nhờ thế mà ổn định, hai cô con gái của chị cũng được học hành tới nơi tới chốn.

Thiệt thòi

Đã qua cái thời tàu cá là “lãnh hạt” riêng của đàn ông, thậm chí ở nhiều nơi, người ta còn quy định cấm phụ nữ bước chân xuống tàu, do sợ xui, sợ ra khơi không bắt được cá. Thế nhưng, biển ngày càng ít cá, chuyện tìm kiếm ngư trường trở nên khó khăn hơn trước, cộng với việc tìm bạn tàu ngày càng hiếm, những hủ tục đó dần biến mất để nhường chỗ cho những toan tính áo cơm. Chuyện phụ nữ đi biển càng trở nên phổ biến. Nhiều tàu cá mang theo cả gia đình gồm vợ chồng, con cái khi ra biển. Một ngư dân thừa nhận, có phụ nữ trên biển, những ngày đánh bắt dường như ngắn lại. 

Phụ nữ nơi đầu sóng ngọn gió phải chịu nhiều thiệt thòi làm chạnh lòng người tiếp xúc. Đó là khi tôi bất ngờ hỏi đến chuyện “điểm tô nhan sắc” và bắt gặp sự ngạc nhiên trong ánh mắt nhiều người. Ở trên nhiều con tàu không hiếm các cô gái còn trong độ tuổi thích soi gương làm điệu. Một cô đã bỏ chạy qua chỗ khác để tránh câu trả lời. Còn chị Bé Năm rụt rè: “Tui quên chuyện đó lâu rồi. Dầm mưa dãi nắng quanh năm, son phấn nào mà chịu nổi”... Và trong nhiều cố gắng để làm tròn công việc của một người đi biển, họ cũng khép mình vào nếp sinh hoạt như nam giới: ngày tháng không kể đến, nặng nhẹ không than thân, đánh đổi mưu sinh bằng quên đi những bản năng của người phụ nữ. Chị Bé Năm kể, nhiều lúc kéo lưới lên thì trời đã khuya, người ướt sũng, mệt lả, chị cứ để nguyên vậy lăn ra ngủ. Lúc lên bờ, điều chị ngại nhất là phải... đi chợ. Chị không muốn thấy những phụ nữ khác nhìn, "ngửi" mình một cách dị biệt - những ánh mắt mà khi ra biển chị không phải tránh.

Lọt vào sóng bộ đàm, lẫn trong vô số tạp âm là giọng của nhiều phụ nữ. Họ nói với nhau chuyện con cái, chuyện gia đình. Họ cầu mong trời lặng biển êm, để mẻ lưới đầy ắp cá. Và phảng phất trong tiếng gió, rất xa, dường như cũng từ sóng bộ đàm, là giọng hát nữ trong trẻo của một ngư dân nào đó cất lên... 

Tiến Trình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.