Ông Búp nhặt đinh

06/10/2008 10:37 GMT+7

Ông Phạm Văn Búp, 44 tuổi, ở Lái Thiêu (Bình Dương) hành nghề chạy xe ôm. Gia cảnh khó khăn nhưng người đàn ông này vẫn dành phần lớn thời gian để chống nạn đinh tặc.

Trưa 2.10, tại đại lộ Bình Dương, tỉnh Bình Dương có một người đàn ông cứ đợi từng làn xe chạy qua lại băng ra giữa đường, tay cầm sợi dây mỏng, phía cuối sợi dây có một cục tròn. Động tác của người đàn ông ấy giống như cảnh người ta câu cá.

Mỗi sáng nhặt nửa ký đinh

Người đàn ông đó là ông Búp, ông đang nhặt những mảnh đinh hình con rô (giống như con rô trong lá bài) nhọn hoắt nằm rải rác trên đường. Tôi chỉ đứng quan sát ông “câu” trong vòng 10 phút mà đã thấy hơn 300 “con” đinh bị dính. Tất cả được ông dồn vào một cái túi ni lông nặng chừng 0,5 kg. Ông cho biết đó là số đinh ông nhặt được từ sáng đến giờ. Ông quay đầu chỉ tay về tiệm sửa xe máy cách chỗ chúng tôi đứng khoảng 300 m: “Tôi nghi tiệm sửa xe phía trước mặt rải đinh, anh cứ đứng đây mà xem, chỉ một buổi thôi là cái tiệm đó thay ruột xe cho hơn 30 chiếc xe máy rồi. Mỗi chiếc bọn nó lấy 50.000 đồng!”. Ông vừa nói dứt câu thì một chiếc xe máy lâm nạn, khổ chủ là một phụ nữ chừng 40 tuổi khó nhọc dắt chiếc xe thủng lốp đi ngang qua tôi tiến về tiệm sửa xe duy nhất trên đoạn đường này.

Một người đàn ông chạy xe máy chở thùng hàng thấy tôi nói chuyện với ông Búp thì tấp vào vừa lau mồ hôi vừa nói: “Tôi bỏ hàng cho người ta hơn một năm rồi, chạy đường này thấy ông Búp đứng ở đâu là biết ở đó có đinh phải chạy chậm dè chừng”. Gần 2 năm đi nhặt đinh, ông Búp chứng kiến không biết bao cú ngã oan nghiệt. Ông còn nhớ cách đây chưa đầy hai tuần, một người phụ nữ trẻ bụng mang bầu, đang chạy xe thì cán phải đinh ngã lăn lóc. Người phụ nữ ấy phải ngồi lề đường bóp bụng một hồi nhưng không đỡ đau, phải kêu xe đi bệnh viện.

Kiếm tiền nuôi con bệnh nặng

Đang nói chuyện với tôi, ông Búp bỗng cắt ngang: “Thôi, tôi phải đi kiếm khách chứ chiều về thằng đầu to không có cái mà ăn”. “Thằng đầu to là ai?” - tôi hỏi. Ông cười: “Con tôi, đầu nó to kỳ cục lắm”. Tò mò, tôi năn nỉ ông chở về nhà để xem. Đó là một ngôi nhà nhỏ, nằm khuất trong hẻm tại thôn Bình Hòa, thị trấn Lái Thiêu. Trong nhà trống hơ trống hoác, nổi bật cái bàn thờ có treo lá cờ Tổ quốc và tấm ảnh Bác Hồ.

Vừa vào cổng, tôi đã sững lặng với một người mà khuôn mặt vừa giống đứa bé vừa giống ông già nằm trước hiên nhà. “Nó tên Phạm Văn Hải, 21 tuổi, con tôi”, ông Búp giới thiệu. Với hàm răng vàng khè, cái đầu to lạ thường, hai chân teo tóp, Hải cứ nhìn tôi, ú ớ không ra tiếng. Bà Nguyễn Thị Lý, vợ ông Búp, thở than: “Tôi và ảnh có với nhau được 3 mặt con. Hai đứa sau bình thường, riêng thằng Hải không hiểu vì lý do gì cứ như sọ dừa, không biết nói năng, đi đứng gì cả, chỉ có cái đầu là ngày càng to”. Bà Lý cho biết lúc sinh Hải được hai tháng rưỡi, thấy đầu con phát triển bất thường, chị đưa con lên Bệnh viện Chợ Rẫy khám, bác sĩ kết luận Hải không thể mổ được, em khó sống đến 9 tuổi. Từ đó, hai ông bà mất hẳn niềm tin nuôi Hải, chỉ chờ đến cái ngày định mệnh đón em đi. Thế nhưng 10, 11 rồi đến giờ là 21 tuổi, Hải vẫn sống. “Mỗi lần thấy tôi cầm túi đinh về, không hiểu sao, Hải cười rất tươi”.

Dân quân già nhất !

Ông Dương Đức Thành, trưởng khu phố Bình Hòa, thị trấn Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương, xác nhận việc ông Búp tình nguyện nhặt đinh liên tục trong hai năm nay là sự thật. Ông còn cho biết, ông Búp là dân quân già nhất của khu phố mình. Ông đã làm dân quân gần 20 năm nay. “Thấy ông Búp tuổi cao, ban ngày chạy xe ôm, ban đêm phải tuần tra canh gác, nhiều lúc muốn bảo ông nghỉ việc ở khu phố nhưng thấy ông hăng hái nên không nỡ. Nhìn gia cảnh và hành động nhặt đinh bất kể nắng, mưa của ông, tôi thật sự cảm động” - ông Thành bày tỏ.

Bài và ảnh: Như Phú / Báo NLĐ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.