Cần biện pháp mạnh với trường không đảm bảo điều kiện đào tạo

20/10/2009 00:42 GMT+7

Trao đổi với PV Thanh Niên về những vấn đề khiến sinh viên thất vọng trước giảng đường ĐH, GS Nguyễn Minh Thuyết - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: > Học phí trường công bằng trường tư > Thất vọng trước giảng đường > Thất vọng trước giảng đường

- Học sinh phổ thông thường nghĩ về giảng đường ĐH đầy lãng mạn và "lung linh" nên khi vào trường ĐH gặp một số hiện tượng không như ý thì dễ thất vọng lắm. Ví dụ: phải học trong điều kiện thiếu giảng đường, nay học chỗ này, mai phải chạy qua chỗ khác; cơ sở vật chất không tương xứng với mức thu học phí... Sinh viên phải nộp học phí (không phải là thấp) và sinh viên có quyền đòi hỏi cơ sở vật chất của trường ĐH phải khang trang, đàng hoàng, đáp ứng được những tiêu chuẩn của một trường ĐH, không thua kém lắm so với những trường ĐH của các nước trong khu vực có hoàn cảnh giống mình. Tôi cho rằng đó là những đòi hỏi hết sức chính đáng. 

 *Một điều nữa khiến sinh viên bức xúc là họ phải nộp những khoản không nằm trong quy định và vượt khung so với Nghị định của Chính phủ. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

- Theo tôi, đó là điều không thể chấp nhận được và sinh viên phản ứng là đúng. Làm như vậy là trái pháp luật. Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới cơ chế tài chính của ngành GD-ĐT cũng đã nêu rõ nguyên tắc xác định học phí; trong năm học này chấp nhận tăng lên một phần nhất định để bù lại 50% mức trượt giá cho các trường theo đề nghị của Chính phủ. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị định về học phí. Đó là những văn bản quy phạm pháp luật mà các trường buộc phải tuân theo. Việc lạm thu ở ĐH cần được phê phán và phải chấm dứt.
 
GS Nguyễn Minh Thuyết

* Nhưng có trường công lập khi lý giải về các khoản thu ngoài quy định đã phát biểu rằng vì ngân sách Nhà nước cấp không đủ nên phải dựa chủ yếu vào các khoản thu của sinh viên?

- Quy định của pháp luật đã quá rõ ràng. Các trường công lập hoạt động dựa vào ngân sách nhà nước là chính chứ không phải dựa vào học phí. Học phí của sinh viên chỉ để bù một phần nhất định trong chi phí đào tạo; bù như thế nào phải phù hợp với chất lượng đào tạo của trường, phù hợp với mức sống và khả năng đóng góp của nhân dân, điều kiện kinh tế xã hội của đất nước. Vi phạm quy định của Thủ tướng Chính phủ về học phí là trái luật.

*Còn những trường đào tạo theo tín chỉ và mức thu theo học chế tín chỉ thì học phí của sinh viên đội lên gấp đôi so với quy định về khung học phí hiện hành. Theo ông, đây có phải là một hành động lách luật không?

- Trước hết phải kiểm tra xem trường đó có đào tạo theo tín chỉ một cách đúng nghĩa hay không vì theo tôi được biết phần lớn các trường hiện nay không đủ điều kiện về giảng viên và cơ sở vật chất để thực hiện theo phương thức này. Mức thu theo tín chỉ phải đảm bảo là khi cộng lại thì tổng thu không được vượt quá mức học phí theo niên chế đã được quy định. Tuy nhiên, ở đây có thiếu sót của Bộ GD-ĐT. Lẽ ra, khi ban hành quy định về học chế tín chỉ thì Bộ GD-ĐT phải ban hành luôn quy chế về việc sử dụng kinh phí ngân sách và học phí cho hình thức đào tạo này. Vì chưa có quy định nên mới dẫn tới tình trạng mỗi trường áp dụng một cách.

*Ông nghĩ sao về vấn đề đội ngũ giảng viên ở các trường đại học mới thành lập?

- Thực tế theo tôi được biết là chỉ có khoảng 30% giáo sư của cả nước công tác tại các trường ĐH, CĐ. Hiện nay quy định về mở trường ĐH, CĐ mới chỉ quy định về số tiến sĩ chứ chưa quy định về số giáo sư, phó giáo sư và thực tế là không phải trường nào cũng có thể có GS, PGS trong đội ngũ quản lý và giảng dạy. Rõ ràng, đội ngũ như vậy là bất cập và chất lượng giảng dạy khó có thể nói đạt mức cao. Tuy nhiên, ngay cả mức quy định thấp như hiện nay nhiều trường ĐH vẫn không đảm bảo được. Đó là điều khó có thể chấp nhận.

 * Phải chăng tất cả những bất cập nói trên đều là do việc mở trường hiện nay quá dễ dãi?

- Đúng như vậy. Việc mở trường ĐH quá dễ dãi, việc gắn mác "quốc tế" cũng quá dễ dãi. Kết quả giám sát của Ủy ban Văn hóa - giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội năm 2008 cũng đã chỉ ra thực trạng này.

Trong những năm vừa qua, có hàng loạt các trường CĐ được nâng lên thành trường ĐH, trường trung cấp được nâng lên thành trường CĐ và thậm chí có những trường hợp trường trung cấp vừa nâng lên thành trường CĐ xong thì 1-2 năm tiếp theo lại được nâng lên thành trường ĐH.

*Năm 1987 thống kê cả nước có 63 trường ĐH, đến nay theo báo cáo của Bộ GD-ĐT có 150 trường ĐH (thực tế có hơn 160 trường). So với năm 1987, đến nay số SV đã tăng lên 13 lần, trong khi đó, số giảng viên chỉ tăng lên có 3 lần. Tỷ lệ giảng viên/sinh viên năm 1987 là 1/6,8; đến năm 2009  là 1/28. Tình trạng này cũng giống như một nồi cháo loãng lại còn bị cho thêm vài gáo nước lã nữa vào. Như vậy thì cháo ngon làm sao được?

- Tôi phải nói thêm thế này, đào tạo ở bậc CĐ và ĐH là khác nhau lắm, tôi không tin là nâng cấp từ CĐ lên ĐH mà chất lượng đã nâng theo được.

Vấn đề đặt ra hiện nay là trên cơ sở phát hiện, khiếu nại của sinh viên và phản ánh của dư luận, Bộ GD-ĐT, các cơ quan chủ quản phải mở một đợt kiểm tra, thanh tra toàn diện các trường ĐH trên cả nước, đánh giá một cách nghiêm túc, trường nào không đủ điều kiện đào tạo thì phải cho dừng đào tạo và trường nào làm hồ sơ để trình duyệt không trung thực thì thậm chí phải giải thể trường đó, chứ không thể nào chấp nhận tình trạng các tổ chức hoặc cá nhân  khi lập dự án mở trường thì nói rất hay, hứa hẹn rất nhiều nhưng khi có quyết định mở  trường và được phép hoạt động đào tạo rồi thì lại thiếu trầm trọng về các điều kiện thiết yếu như vậy.

*Thưa ông, phải chăng điều mà dư luận mong muốn là thanh tra, kiểm tra như thế nào để thực sự khách quan và phát hiện, xử lý tận gốc tiêu cực, chứ không phải là thanh tra, kiểm tra rất rầm rộ nhưng rồi đâu vẫn đóng đấy?

- Đúng vậy. Trước hết, cơ quan quản lý nhà nước là Bộ GD-ĐT và bộ chủ quản phải thanh tra. Nếu kết luận thanh tra không khách quan thì lúc đó các cơ quan khác phải vào cuộc, trong đó có hoạt động giám sát của Quốc hội. Ngoài ra, còn có sự giám sát của nhân dân thông qua các đoàn thể của mình nữa.

Việc thanh tra phải tiến hành nghiêm túc, chứ không thể sáng thanh tra, chiều kết luận ngay. Phải đối thoại với sinh viên, với chính quyền địa phương nơi trường đóng; đối chiếu với hồ sơ xin mở trường xem có đúng với thực tế không; đội ngũ giảng viên cơ hữu, giảng viên thỉnh giảng, trang thiết bị, máy móc, giảng đường, thư viện,… như thế nào cũng cần phải được kiểm tra, làm rõ.

* Theo ông, khi phát hiện việc thẩm định mở trường ĐH, CĐ có hiện tượng tiêu cực thì cần phải làm gì, thưa ông?

- Tôi cũng có nghe râm ran về chuyện tiêu cực. Cơ quan quản lý nhà nước cần làm rõ chuyện này. Trách nhiệm của ai, của cơ quan nào thì người đó, cơ quan đó phải chịu. Phải xử lý cho nghiêm. Nếu cần thì phải tạm dừng tuyển sinh, thậm chí giải thể các trường quá kém về chất lượng đào tạo.

* Xin cảm ơn ông!

 Tuệ Nguyễn (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.