Những chuyện hoang đường về "eureka" thời hiện đại

21/10/2010 13:39 GMT+7

(TNO) Một trái táo rớt trúng đầu Isaac Newton. Điện giật Benjamin Franklin. Dựa trên những trường hợp nổi tiếng trong lịch sử như trên, có thể bạn sẽ nghĩ rằng tất cả các nhà phát minh, sáng tạo và nghĩ ra ý tưởng mới đều từng trải qua thời khắc “eureka” ngắn ngủi, khiến họ đột nhiên đạt được những đỉnh cao mới của lĩnh vực công nghệ.

Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu đây chỉ là những điều vớ vẩn, vô lý?

Không hẹn mà gặp, một số tác giả Mỹ đã đồng loạt giới thiệu sách với nội dung thách thức mọi quan niệm về phút giây thần kỳ của nhà phát minh. Trong số đó, cuốn sách thu hút sự chú ý nhiều nhất là của tác giả Steven Johnson, tựa đề Where Good Ideas Come From.

Sau đây là một vài chuyện hoang đường về phát kiến đã được đề cập trong cuốn sách của Johnson:

Ý tưởng đột nhiên nảy ra trong đầu người ta?

Viết trong cuốn Where Good Ideas Come From, Johnson cho hay, việc phát minh ra mạng World Wide Web cho thấy những ý tưởng vĩ đại không đột ngột nhảy vào đầu người ta, mà cần có sự đầu tư dài lâu.

“Web là ví dụ điển hình cho sự tích tụ lâu dài: từ việc một đứa trẻ mê mải khám phá cuốn bách khoa toàn thư 100 tuổi, đến một người làm nghề tự do thiết kế chương trình giúp anh này theo dõi hoạt động của đồng sự, và cuối cùng một nỗ lực thận trọng để xây dựng một nền tảng thông tin mới”, Johnson viết.

Trả lời phỏng vấn trên website Salon.com, ông nhấn mạnh các khái niệm cần có thời gian để phát triển, ấp ủ và chúng hiện diện quanh quẩn trong đầu óc của nhà phát minh đôi khi đến vài thập niên.

Do đó, đừng mơ mộng rằng một ngày nào đó ý tưởng thiên tài sẽ "úm ba la" hiện lên trong đầu mình sau khi ngủ dậy.

Hầu hết các phát kiến đều xuất phát từ những "đại gia" công nghệ?

Dựa trên những cảnh tượng hoành tráng khi các công ty công nghệ giới thiệu sản phẩm mới, người ta thường dễ nghĩ rằng những tên tuổi tiếng tăm tại Thung lũng Silicon là chủ nhân của phần lớn các sáng kiến thời nay.

Thật ra không phải vậy.

Eric Von Hippel và đồng sự tại Viện Công nghệ Massachusetts vừa phát hiện, những người dân bình thường ở Mỹ đã bỏ tiền để phát triển sản phẩm tiêu dùng mới nhiều hơn so với toàn bộ công ty công nghệ tại Anh.

"Nghiên cứu của Hippel cho thấy những người như bạn và tôi là động lực tiềm ẩn của sự phát triển kinh tế, do chúng ta tái định hình những thứ mà mình sẽ mua”, cây viết chủ lực về công nghệ của tờ The Atlantic, Alexis Madrigal cho biết.

Ý tưởng hình thành trong lúc đơn độc?

Có lẽ khôn ngoan nhất là nên ngưng ngay chuyện ngồi dính chặt vào chiếc ghế cũ mốc, mắt nhìn chằm chằm ra cửa sổ và hy vọng ý tưởng vĩ đại sẽ rớt trúng đầu mình trong lúc não đang hưởng thụ sự hưng phấn đến từ ly cà phê đặc.

Những ý tưởng hay ho thường đến từ một nhóm người cùng động não hoặc ít nhất có liên hệ đến một hệ thống cá nhân được thông tin tốt, theo Johnson.

"Cái mà tôi muốn nói tới là những cá nhân sẽ có ý tưởng hay nếu họ được kết nối với những hệ thống đa dạng các cá nhân khác. Nếu bạn đặt mình vào môi trường với nhiều viễn cảnh khác nhau, bản thân bạn sẽ sở hữu được những ý tưởng hay hơn, sắt bén hơn”, Johnson nói với Salon.com.

Trong cuốn sách của mình, Johnson dẫn một cuộc nghiên cứu của Đại học McGill nhằm xác định cách các nhà khoa học làm việc.

Sau khi phân tích dữ liệu thu thập được từ những máy quay ẩn đặt tại bốn phòng thí nghiệm hàng đầu của Mỹ, họ thấy rằng những phát minh ấn tượng không có khuynh hướng xuất hiện ở các cá nhân đơn lẻ.

Thay vào đó, các nhà khoa học có khả năng sáng tạo nhất khi họ tham gia cùng với nhau. "Nền tảng của phát minh không phải là kính hiển vi. Nó chính là bàn hội thảo”, Johnson viết.

Ý tưởng hay nhất là ý tưởng mới?

Bộ phim The Social Network, nói về người sáng lập mạng xã hội Facebook, đã chỉ ra một bài học rằng, một số ý tưởng hay nhất cần phải có điểm xuất phát.

Trong phim, hai gã sinh đôi của Đại học Harvard đã cố thúc Mark Zuckerberg, hiện là tổng giám đốc điều hành mạng xã hội Facebook, giúp họ xây dựng một mạng lưới xã hội. Và cặp sinh đôi đã mang ý tưởng về từ Friendster và MySpace.

Trong cuốn Where Good Ideas Come From, Johnson đã đặt cho khái niệm này cái tên: “khả năng kế cận”.

Charles Babbage là ví dụ điển hình nhất trong trường hợp này. Ông là người đầu tiên phát minh ra máy vi tính vào những năm 1800, nhưng công nghệ lúc đó không cho phép ông tiến xa hơn.

Thế hệ khoa học gia sau đó đã nâng ý tưởng ban đầu của ông để tạo ra những loại máy tính ngày càng phức tạp hơn.

Hạo Nhiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.