Hoa khôi bóng chuyền Kim Huệ sẽ lên xe hoa vào cuối năm 2006

12/09/2005 14:22 GMT+7

Mỗi khi có giải bóng chuyền, khán giả lại có dịp trầm trồ về vẻ đẹp và chiều cao 1m80 của đội trưởng đội bóng chuyền Việt Nam - Phạm Thị Kim Huệ. Cũng đã có quá nhiều danh hiệu dành cho hoa khôi mang áo số 5 này. Phạm Thị Kim Huệ đã tâm sự về những vinh quang và cay đắng của mình.

* Khi Kim Huệ được mọi người biết đến với sự nổi tiếng và xinh đẹp thì cô cũng lại được dựng lên như một cô Lọ Lem biết vượt khó khăn?

- Người ta thêu dệt về tôi hơi quá đấy thôi. Bố mẹ tôi là công nhân, mức lương đủ nuôi hai chị em ăn học như những đứa trẻ khác. Nhưng tính tôi thích tự lập, ngay khi học lớp một đã muốn kiếm tiền phụ giúp bố mẹ, chi tiêu cho việc học hành. Khu tập thể nhà tôi có phong trào bồi giấy bán cho học sinh cấp một. Nghỉ hè tôi làm thêm, vừa kiếm được tiền, vừa được làm việc mình thích, lũ trẻ con cũng có cơ hội tụ tập.

* Việc Kim Huệ trở thành ngôi sao bóng chuyền là do ý chí vươn lên hay tất yếu?

- Nhà tôi không nghèo cũng chẳng giàu. Đi xem bóng chuyền, thấy VĐV mặc áo số 5 đánh hay quá, tôi tự hỏi đến bao giờ mình được vào đội hình, được mặc áo số 5? Rồi tôi tự hỏi đến bao giờ mình được vào đội tuyển quốc gia? Câu hỏi đó thôi thúc, buộc tôi phải nỗ lực.

* Và chị hài lòng với thời kỳ đỉnh cao hiện nay của mình?

- Không. Tôi cảm thấy rất mệt mỏi, từ thể xác tới tinh thần. Tháng nào cũng có giải, phong độ ổn định thì không sao, còn không tốt là có dư luận ngược chiều ngay. Nhưng nghề nghiệp không làm tôi chán nản bằng dư luận. Đợt vừa rồi, đội tuyển nhận được tiền tài trợ, mọi người đồn ầm lên là tôi cặp với giám đốc nên xin được tài trợ. Vào giải, tập luyện mệt mỏi, không ăn uống được, mọi người lại đồn tôi nghiện... Tôi muốn sống thầm lặng, yên ổn, mà không được.

* Đồn thổi xảy ra với tất cả những người nổi tiếng. Lẽ ra cánh VĐV phải dễ vượt qua vì có "tinh thần thép"?

- Tôi đánh bóng chuyền 10 năm, nổi tiếng cũng đã được 5 năm. Mỗi năm rèn cho tôi một chút nghị lực để chống chọi lại tin đồn. Trước đây, nghe bất cứ điều tiếng gì về mình là tôi lại buồn, suy nghĩ rồi khóc lóc. Bây giờ tôi đã tạm quen, cố gắng vượt qua để sống. Nhưng vẫn cứ suy nghĩ chứ làm sao tôi bình thản được, khi người ta dựng những chuyện hãi hùng về mình.

* Chị có nghĩ tin đồn đó xuất phát từ chính nhan sắc của chị?

- Tôi chẳng nghĩ thế. Từ khi chơi bóng chuyền, tôi được 3 lần được bầu chọn là Hoa hậu bóng chuyền. Tôi thấy mình chỉ là người đẹp trong thể thao, còn so với nhiều phụ nữ bình thường, làm sao tôi đẹp bằng họ được. Đã thế, nhiều khi người ta còn lấy danh hiệu Miss để “đánh” vào chuyên môn của tôi.

* Chị có nghĩ rằng có sự đố kỵ với những danh tiếng ngoài chuyên môn của chị?

- Đúng là sống giữa tập thể rất phức tạp. Nhiều khi lòng đố kỵ không trực diện mà cứ ngấm ngầm. Đồ cá nhân, kể cả trang phục trong tập luyện, nếu tôi thích là mua chứ không phân biệt đắt hay rẻ. Thế là người ta nói tôi chơi nổi, không có tiền mà xài đồ xịn.

* Chị có nghĩ đến những suy nghĩ của cánh đàn ông về phụ nữ chơi thể thao?

- Không chỉ đàn ông mà rất nhiều người đều quen nhìn nhận phụ nữ chơi thể thao không biết ăn nói, người ngợm thô kệch, vụng, đoảng, không biết chăm chồng, chăm con.

* Và cả suy nghĩ về đầu óc nữa?

- Có phần nào họ suy nghĩ đúng. Chúng tôi chơi thể thao từ khi còn bé, phải học bổ túc để có bằng cấp. Nói là học, nhưng cũng chỉ đến lớp điểm danh để được thi, thi thì copy nhiều hơn tự làm. Vì thời gian chúng tôi dành cho tập luyện, thi đấu còn nhiều hơn thời gian ở nhà, mà ở nhà lại còn bao nhiêu việc phải làm. Những ai có chí lắm thì cố học xong bằng cấp 3 để vào đại học TDTT. Tôi có chí nhưng không có thời gian, vật lộn mãi mới học đến năm thứ hai đại học TDTT. Ngay cả việc ra nước ngoài thi đấu, VĐV đội bạn nói tiếng Anh thành thạo, trong khi mình mù tịt bập bẹ chẳng đâu vào đâu, cứ như câm điếc nói chuyện với nhau. Tôi cũng muốn học ngoại ngữ, nhưng lại không có thời gian.

Đứng cạnh những phụ nữ thông minh, không những tôi mất tự tin mà còn tủi thân nữa. Người ta thông minh, có học vị trông đã toát lên sự tự tin, còn mình thì lóng ngóng đến tội nghiệp. Cách ăn nói của người có kiến thức, hiểu biết cũng sắc sảo và khéo léo hơn mình. Cùng một câu nói, nhưng người ta diễn đạt rất hay, rất hấp dẫn, còn cách diễn đạt của mình thật thà và thô kệch. 23 tuổi mà tôi vẫn bị gọi là “gà tồ”.

* Có khi nào chị gặp những khán giả đến xem... chân vận động viên?

- Không thường xuyên song có nhiều khán giả loại này đấy. Xem thi đấu nhưng không chú ý chuyên môn mà cứ săm soi bình phẩm đùi mông cô này to, đùi cô kia nhỏ... Một lần tôi ngồi ở hàng ghế khán giả xem đội bạn thi đấu, có khán giả buông ra một câu rất vô văn hóa: “Chân con kia toàn hoa gấm hoa cà”. Tôi ức quá, quay sang nói ngay vào mặt anh ta. Rất thất vọng khi phải chơi bóng cho những khán giả như thế xem.

* Với tâm lý đó, chị ra sân có tự tin không khi trước hàng ngàn khán giả và chưa biết họ đang chú ý vào điều gì?

- Lúc đầu còn ngượng ngập, nhưng một thời gian là tôi quen hết. So với nhiều môn thể thao, trang phục của bóng chuyền lịch sự hơn nhiều. Trước đây mặc quần bồng, ngại lắm. Bây giờ cải tiến, được mặc quần đùi, đi tất đến đầu gối, chỉ hở mỗi khoảng đùi. Trông kín đáo, gọn gàng, năng động mà không mất đi vẻ nữ tính.

* Có bao giờ vì một cái nhìn, một câu nói vô văn hóa mà chị mất tinh thần thi đấu?

- Người nào yếu tâm lý, bị trêu có thể không đánh được, mặc dù phong độ đang cực kỳ tốt. Nhưng tôi nghĩ thi đấu cần có bản lĩnh, càng trêu chọc, tôi đấu càng hay.

* Và cuộc sống tình cảm của chị có ổn định như phong độ thi đấu?

- Có được thành công ngày hôm nay, có một người đàn ông tôi phải cảm ơn. Đó là người đã... phản bội tôi. 19 tuổi, lần đầu tiên trong đời, tôi đã yêu, tôn trọng, tin tưởng, nhưng cuối cùng anh ta đã bỏ tôi. Tôi hụt hẫng, choáng váng, mất ngủ triền miên và sụt tới 3kg.

* Tại sao chị phải cảm ơn anh ta?

- Vì sau lần đó tôi đã dùng hết năng lượng vào việc tập luyện. Khi tôi có danh và giải, anh ta viết thư, điện thoại chúc mừng và muốn nối lại, được dịp tôi nói hết những gì đã nghĩ lúc chia tay. Một phần tôi cảm ơn anh vì đã làm tôi nhận ra thời gian tôi dành cho anh quá lãng phí.

* Còn người hiện nay?

- Tôi tin tưởng tuyệt đối vào bạn trai mình. Đây là mối tình đầu của anh ấy, và anh ấy yêu hết mình, chân thật. Khi đến với người thứ hai, tôi thấy người thứ nhất chẳng là gì cả. Tôi lại yêu như lần đầu biết yêu. Chúng tôi yêu đã 3 năm và dự định sẽ tổ chức cưới vào cuối năm sau.

* Nhưng chị vẫn còn nhiều cơ hội để chọn người đàn ông giàu có?

- Tôi không quan trọng cao, thấp, đẹp, xấu, giàu, nghèo. Thứ tôi cần là người đàn ông đó hiểu, yêu thương, tôn trọng tôi và công việc của tôi. Người yêu hiện tại bằng tuổi tôi, là cầu thủ của đội quân khu III. Anh ấy yếu đuối, thậm chí chưa ra dáng đàn ông, nhưng lại cho tôi cảm giác mình đã có một chỗ dựa an toàn.

Theo Đẹp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.