Trở về trong cảnh màn trời chiếu đất

02/10/2006 17:09 GMT+7

Nhiều người dân địa phương ở vùng nguy hiểm sau khi di dời đến nơi an toàn để tránh bão đã trở về nhà trong cảnh màn trời chiếu đất chỉ trong 1 ngày.

Dù đã lường trước hậu quả mà cơn bão mang lại những những gì diễn ra là ngoài sức tưởng tượng.

Bà Trần Thị Tam (73tuổi), trú tại khối Phước Tân (Hội An) cùng gia đình người con trai Lê Khánh đã di dời lên nhà người quen trong thị xã. Cơn bão vừa dứt, cả nhà bà trở về chưa kịp vui mừng vì trời yên bể lặng thì đã chứng kiến cảnh tan hoang, căn nhà tốc mái và một phần đã bị sập đổ. Người con trai đành phải gửi lại người mẹ già và vợ con nhỏ lên ở tạm lại nhà người quen, còn phần mình thì ở lại để sửa nhà.

Chuyện trở về và lâm vào cảnh màn trời chiếu đất không chỉ riêng đối với gia đình bà Tam mà là hoàn cảnh chung của những hộ dân dọc biển Hội An. Nhìn bà lọm khọm, tay xách, nách mang mấy bọc quần áo để tìm nơi ở tạm qua cơn hoạn nạn, nhiều người không khỏi chạnh lòng. Bà nghẹn ngào: “Giờ thì màn trời chiếu đất rồi!”.

Còn căn nhà ông Tạ Sen, số 38 Cửa Đại, sau khi di dời trú bão trở về thì toàn bộ phần mái của căn nhà được xây dựng khá kiên cố cũng tan hoang, chỉ thấy chỏng chơ vài miếng tôn và vài cây trụ đà. Từ lúc về đến giờ, cả gia đình mỗi người một tay lợp tạm để có thể trú qua đêm nay.

Nhanh nhất một tuần nữa, người dân Đà Nẵng mới được xem Đài truyền hình

Cơn bão Xangsane đổ bộ vào Đà Nẵng đã làm toàn bộ hệ thống truyền thanh xã phường hoàn toàn tê liệt, anten Đài phát sóng Sơn Trà đổ nghiêng, có nguy cơ làm sập nhà làm việc (vốn đã bị tốc mái), hệ thống chảo bị hỏng nên không thể truyền tín hiệu, truyền hình cáp tê liệt. Ngày 2.10, Giám đốc Đài PT-TH Đà Nẵng Phương Hồng cho biết, nhanh nhất cũng phải 7 ngày sau mới có thể khắc phục được. Trung tâm sản xuất chương trình Đài truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng, nơi tiếp sóng các kênh của VTV và một kênh DVTV cũng chưa thể phát sóng bình thường. Trong lúc đó toàn thành phố vẫn chưa có điện. Như vậy, người dân TP Đà Nẵng vẫn tiếp tục không truyền hình, không điện, không nước và nhiều gia đình cũng không có tín hiệu điện thoại.

Nguyễn Thế Thịnh

Sông Đế Võng chảy ra cửa biển Hội An xám ngắt cùng màu trời. Nước vẫn cuồn cuộn trôi và lũ đang có chiều hướng đang lên khi gió vẫn không ngừng thổi. Nhiều người vì tiếc của cũng cố nhoài người ra sông để vớt vát vài mảnh tôn, khúc gỗ đã bị gió bốc dỡ trong bão để “còn có cái mà lợp lại nhà chứ”.

Hàng nghìn người dân Hội An chưa kịp mừng vì đã an toàn tính mạng giờ đành đổ gục trước căn nhà trống hơ trống hoác, nhìn lên chỉ thấy trời. 

Còn chị Trương Thị Lai (khối 2, phường Thanh Hà, Hội An) chỉ biết nhìn căn nhà bị thiệt hại sau bão mà thở dài não ruột. Người mẹ chồng 72 tuổi chẳng may bị té gãy chân phải nằm ở bệnh viện Đà Nẵng 1 tuần trước bão nên anh Hay, chồng chị phải ra chăm sóc mẹ. Ngày bão đến, chỉ có 3 mẹ con chị ở nhà chống chọi. Dù đã nhờ thanh niên trong xóm chèn chống đỡ nhưng căn nhà chưa đến 10m2, tường vẫn chưa được tô vôi như mô hình đồ chơi bị bão dỡ toạc hết mái. Căn nhà chỉ có cái ti vi cũ và bộ ghế gỗ tạm bợ là tài sẳn cũng ướt nhẹt trong bụi cát. Người chồng đến giờ nãy vẫn chưa biết tin tức ở nhà. Cả buổi chiều dọn dẹp nhà cửa, người phụ nữ quê này cứ lẩm bẩm trong miệng “hết rồi, hết rồi”. Ba mẹ con tối đến cũng chưa biết sẽ ở đâu khi hàng xóm nhà nào cũng lâm vào tình trạng tương tự.   

Dọc các địa phương bị cơn bão giày xéo, đâu đâu cũng ngổn ngang cây cối, tôn gãy, co dúm lại như lò xo, và những đống gạch đổ nát khiến không ai không có cảm giác ớn lạnh, kinh hoàng. Dọc tuyến đường 607 Đà Nẵng Hội An có những đoạn cây đổ chắn ngang đường, chỉ đến khi các lực lượng cứu hộ, bộ đội khắc phục thì giao thông mới được liền mạch trở lại.

8 căn nhà ở ven đường thuộc thôn 2, Điện Bàn giờ chỉ còn là đống gạch vụn nát. Bà Phan Thị Tuyết, chủ nhà thẩn thờ: “Nuôi 7 đứa con, hai vợ chồng tôi ráng tích cóp, vay ngân hàng để xây 8 kiốt này cho thuê, giờ thì chỉ là đống gạch vụn. Biết làm sao giờ!”. Theo lời kể lại thì lúc 9 giờ sáng, thời điểm gió lớn nhất nhà bắt đầu rung rinh nên các gia đình ở trong 8 kiốt đã kịp thời chạy ra ngoài đường, cũng là lúc toàn bộ phần mái tôn bị gió cuốn tung, vứt ra xa cách đó hơn 100 mét. Toàn bộ cửa sắt bị gió giật co dúm, căn nhà đổ như một đống gạch vụn. Cũng may là phát hiện sớm, lại là ban ngày nên không có ai bị thiệt mạng.

Chuyện vùng bão

- Du khách cũng hoảng! Đường Bặch Đằng trong thị xã Hội An cũng ngập trong mênh mông nước do lũ ở Sông Hoài đang lên. Hàng chục chiếc thuyền du lịch và thuyền cá của ngư dân đã tràn lên mặt đường. Nhiều du khách quốc tế đi xem cảnh đổ nát mà không khỏi ngạc nhiên. “Cơn bão thật kinh khủng. Khách sạn nơi chúng tôi ở cũng bị rung lên trong gió. Chỉ trong gần một ngày mà Hội An trở nên thật xơ xác. Thật ngoài sức tưởng tượng!” . Bà Amada, một du khách Australia thảng thốt cho biết. Nhiều người du khách khi chụp lại cảnh đổ nát, ngập lụt của thị xã cứ chép miệng: “Lạy chúa tôi!”

- Bão can thiệp... tình duyên. Do bão và mưa gió lớn, giao thông ách tắc nên nhiều cô dâu chú rể đã lâm vào tình trạng dở khóc dở cười. Trong ngày 1.10, đã có hàng chục tiệc đám cưới, đám hỏi tại Đà Nẵng buộc phải hủy hoặc lùi thời gian lại do mưa bão. Nhiều khách sạn, nhà hàng lớn để tổ chức đám cưới trên địa bàn TP Đà Nẵng cũng bị thiệt hại nặng nề, có nơi bị dở mái, hệ thống cửa bị gãy, bể... Nhiều nhà đã phải dời thời gian rước dâu, làm lễ đến chiều cùng ngày để chờ đến khi bão tan mới dám tiến hành.

Vũ Phương Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.