Ăn Tết cùng những người mẹ anh hùng!

29/01/2004 22:56 GMT+7

Cho đến giờ, tôi vẫn luôn thầm cám ơn Báo Thanh Niên và Công ty cổ phần Khử trùng Việt Nam đã tạo cơ hội cho tôi có thêm được hai người mẹ, đó là hai mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) Võ Thị Đề và Phạm Thị Minh ở xã Tịnh Hòa, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi).

Năm 1995, hưởng ứng cuộc vận động "Tiếp nhận phụng dưỡng các bà mẹ VNAH" do Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam phát động, Công ty Khử trùng Việt Nam (nay là Công ty cổ phần Khử trùng Việt Nam) đã cùng với Báo Thanh Niên tiếp nhận phụng dưỡng suốt đời 5 bà mẹ VNAH ở 2 xã Tịnh Khê và Tịnh Hòa thuộc huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi).

Ba năm sau lễ tiếp nhận phụng dưỡng được tổ chức tại UBND huyện Sơn Tịnh, do tuổi cao sức yếu, các mẹ Võ Thị Kề (Tịnh Hòa), Phạm Thị Nhỏ, Phạm Thị Loan (Tịnh Khê) đã lần lượt ra đi. Dù biết rằng "tuổi già như trái chín cây", song thú thực, sự ra đi của các mẹ đã làm tôi - với tư cách là người được Báo Thanh Niên phân công phụng dưỡng các mẹ - mất ăn mất ngủ nhiều ngày liền. Từ đó, tôi nguyện với lòng mình phải thường xuyên về thăm các mẹ (còn sống) nhiều hơn...

Tết năm nay, cũng như mọi năm, tôi về ăn Tết với mẹ Võ Thị Đề và mẹ Phạm Thị Minh trong niềm vui của ngày đoàn tụ. Ngoài số tiền phụng dưỡng 2.400.000 đồng/năm được trao cho từng mẹ, mỗi mẹ còn được Công ty Khử trùng gửi tặng suất quà Tết trị giá 200.000 đồng. Đón tôi như đón đứa con xa trở về nhà ăn Tết, mẹ Minh nói: "Mẹ nghèo nên tiền và quà đối với mẹ cũng cần, nhưng nó không phải là tất cả. Cái mà mẹ cần nhất là tình cảm của các con dành cho mẹ. Tết nhứt con về thăm mẹ là mẹ mừng rồi. Con mà không về, mẹ nhớ, mẹ trông".

Gần 10 năm qua, được sống gần mẹ Minh nên tôi hiểu lời nói của mẹ thật thà, chất phác như chính tấm lòng mẹ vậy. Chồng hy sinh vì cách mạng, hai đứa con của mẹ cũng theo cha ra đi vì đại nghĩa, mấy chục năm hòa bình, mẹ Minh sống cùng vợ chồng người con trai út trong một ngôi nhà đơn sơ nơi làng quê heo hút. Người con trai làm nghề chài lưới nhưng biển giả thất thường, cuộc sống gia đình mẹ đã nghèo lại càng nghèo hơn.

Từ ngày được Công ty Khử trùng và Báo Thanh Niên nhận phụng dưỡng, cùng với số tiền tuất của chồng và con, cuộc sống vật chất của mẹ Minh được đảm bảo hơn. Bây giờ, cái mà mẹ Minh cần nhất chính là tình cảm của những đứa "con nuôi" - như lời mẹ nói với tôi - dành cho mẹ. Vì vậy, lâu ngày không thấy tôi về là mẹ Minh đón xe ôm, không quên mang thêm một ít quà quê cùng người bạn già lên thị xã thăm tôi. Và cứ mỗi lần như vậy, tôi lại hổ thẹn vì thấy mình có lỗi...

Cũng như mẹ Minh, mẹ Võ Thị Đề có đến 3 người thân là chồng và 2 con hy sinh vì sự nghiệp cách mạng. Nhưng mẹ Đề may mắn hơn mẹ Minh là hiện còn có hai con trai sống gần mẹ. Hồi mới gặp nhau, biết tôi mồ côi cha mẹ từ thuở nhỏ, mẹ Đề đã lập tức triệu tập cuộc họp toàn thể gia đình để kết nạp tôi làm thành viên. Mẹ nói: "Phải cưu mang thằng Toàn vì bố mẹ nó mất sớm". Hồi đó tôi đã khóc trong niềm xúc động nghẹn ngào vì không ngờ rằng, người mẹ VNAH tuổi đã ngoài thất thập kia là người mà mình phải có nghĩa vụ phụng dưỡng, lại đi đùm bọc, chia sẻ buồn vui với một đứa mồ côi xa lạ là tôi.

Và kể từ ngày đó, tôi đã thật sự có thêm tổ ấm nơi mái nhà của mẹ Đề. Gần 10 năm trôi qua, tổ ấm ấy đã từng là nơi tôi tìm về mỗi khi có chuyện "trái gió trở trời" trong cuộc sống ở chốn thị thành.

Ngọc Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.