Kim Dung với cõi sắc sắc không không (kỳ 2)

12/09/2005 22:28 GMT+7

Một đối ngược khác nữa với Mộ Dung Phục là tiểu tăng khờ khạo thật thà Hư Trúc. Đoàn Dự vẫn là người phong nhã thông minh, chỉ khờ đi vì quá si mê Vương Ngọc Yến chứ còn Hư Trúc là anh chàng khờ thiệt. Anh ta đúng là mẫu người không có gì hoàn toàn. Không có trí khôn, không có tướng mạo, không có gia đình, không biết cha mẹ là ai, không biết mình từ đâu đến.

Do ai đó vất vào chùa Thiếu Lâm từ lúc mới lọt lòng mẹ, được nhà chùa dưỡng dục và lớn lên từ trong chùa Thiếu Lâm, chàng chỉ biết suốt ngày lo làm lụng chuyện nặng nhọc thấp hèn để phục dịch mọi người, chàng không có ước mơ, không vọng tưởng. Chàng là con số không to tướng. Nhưng có thật vậy chăng?

Cao trào Thiếu Lâm Tự

Kim Dung đã đưa tư tưởng sắc sắc không không của nhà Phật vào tác  phẩm Thiên Long bát bộ một cách tài tình. Tư tưởng này xuyên suốt như sợi chỉ đỏ từ đầu đến cuối thiên tiểu thuyết kỳ ảo diễm tình. Nó nằm ẩn sâu đằng sau những pha tung quyền phóng chưởng lở đất long trời, đằng sau những bi kịch thảm khốc về số phận con người, đằng sau những mối tình diễm lệ hoặc trớ trêu.

Kim Dung đã đẩy cái sắc sắc không không của kiếp người lên đến cao trào khi cho tất cả những nhân vật của chúng ta với những số phận khác nhau tụ hội lại trước cổng chùa Thiếu Lâm. Hầu như toàn thể giới võ lâm không kể hắc bạch chính tà, không kể Tống Liêu Cương Tạng, không kể cao thấp võ công đều tụ hội về đây tưởng rằng để tham gia thi đấu hoặc quang đấu giành ngôi võ lâm minh chủ. Họ đâu biết rằng họ bị đưa về đây để hoàn chỉnh, để kết thúc hoặc để kéo dài thêm kiếp nạn của mỗi người hầu làm rõ cái lẽ sắc không của cuộc đời tạm.

Ở đây ta gặp vợ chồng Đoàn Chính Thuần - Thư Bạch Phụng, gặp Tiêu Viễn Sơn, Mộ Dung Bác, Huyền Từ đại sư, Đoàn Diên Khánh, Diệp Nhị Nương... Thế hệ thứ hai thì có Tiêu Phong, Đoàn Dự, Hư  Trúc, Mộ Dung Phục, Vương Ngọc Yến, A Tử ... Nơi đây từ đại hội võ lâm biến thành đại hội... gia đình, nơi cha mẹ, con cái trùng phùng với nhau.

Đoàn Dự gặp lại bố mẹ mình sau bao ngày lưu lạc giang hồ vì một bóng hồng. Tiêu Phong tìm ra được cha đẻ của mình là Tiêu Viễn Sơn. Lâu nay chàng  cứ nghĩ mất cha, bây giờ lại biết mình vẫn còn cha. Nhưng vừa gặp lại cha mình, Tiêu Phong đã thấy mất ngay cha vì ông ta cũng chính là kẻ đại ác giết chết cha mẹ nuôi và sư phụ của mình mà bấy lâu nay chàng quyết tâm tìm cho ra để trừng trị rửa thù. Mộ Dung Phục gặp lại cha mình là Mộ Dung Bác nhưng rồi chính Mộ Dung Phục lại không còn là đứa con như người cha mong đợi.

Ngay lúc gặp lại cha là lúc chàng trai Mộ Dung đánh mất đi tất cả những gì tưởng rằng mình có sau khi bị Đoàn Dự bất ngờ phát ra được một đường Lục Mạch Thần Kiếm làm Mộ Dung Phục phải thua xiểng liểng. Từ lúc đó huyền thoại Mộ Dung đất Cô Tô phải đối diện trước một con số không to tướng: Mất đi huyền thoại phục quốc cao đẹp, mất đi bề ngoài phong lưu tuấn nhã... và mất đi cả người yêu tuyệt mỹ Vương Ngọc Yến. Thật ra thì y cũng chẳng có gì để mất. Vì y có yêu nàng Vương đâu, có cao đẹp đâu, có phong lưu tuấn nhã đâu. Mộ Dung Bác đến lúc đó mới thấy mất con nhưng thật ra y đã  mất con từ lâu rồi vì y cũng đã tự đánh mất chính mình. Một cõi sắc không, không sắc đấy mà.

Đỉnh điểm của cao trào Thiếu Lâm tự là sự trùng phùng của gia đình Hư Trúc.
Trước đấy hơn 20 năm, vừa sinh ra con, Diệp Nhị Nương đã để mất con. Bà trở nên ác độc từ đó, ác độc đến mức được xếp hạng đệ nhị ác trên giang hồ chỉ sau Đoàn Diên Khánh. Bây giờ ngay tại Thiếu Lâm tự, bà phát hiện ra chàng trai đôn hậu, hiền lành nhất thế gian Hư Trúc là đứa con mất tích của mình. Sau khi mẹ con trùng phùng với nhau, mọi người đặt ra câu hỏi ai là cha của Hư Trúc?

Câu trả lời đã có ngay. Đại cao tăng Huyền Từ, phương trượng chùa Thiếu Lâm  tự giác đứng ra nhận ngay mình là tác giả của cái bào thai trong bụng Diệp Nhị Nương cách đây hơn 20 năm. Huyền Từ vỗ vào đầu Hư Trúc than một câu: "Ngươi đã ở trong chùa 24 năm thế mà thủy chung ta vẫn không hay". Thế đấy, có con ở ngay bên cạnh nhưng ông nào biết có con. Không nhưng vẫn có đó. Bây giờ gặp lại con rồi, ông phải thọ tội theo pháp giới của Thiếu Lâm và hơn thế nữa, theo công lý của lương tâm ông. Ông phải tự sát. Diệp Nhị Nương cũng tự vẫn, vừa để  theo người tình cho trọn nghĩa yêu đương cũng vừa để tự rửa cái ác mà hơn 20 năm qua bà đã gieo ra cho thiên hạ.

Vừa có được cha mẹ, Hư Trúc lại không còn cha mẹ, mồ côi vẫn cứ mồ côi. Không rồi có, có đó rồi không, không nhưng vẫn có. Có không chẳng khác gì nhau.

sắc tức thị không,
không tức thị sắc
sắc bất dị không,
không bất dị sắc
thọ tưởng hành thức
diệc phục như thị

Tiêu Viễn Sơn gặp lại con, Mộ Dung gặp lại con, Đoàn Chính Thuần gặp lại con, Huyền Từ nhận ra con, Đệ nhị ác Diệp Nhị Nương tìm ra con. Vậy Đệ nhất ác Đoàn Diên Khánh cũng có mặt ở  cái đại hội gia đình đó, nhưng có tìm ra con không? Câu hỏi có vẻ hơi ngớ ngẩn, vì y có con đâu mà gặp!

Nhưng y vẫn có đấy. Vì có cũng như không, không cũng như có, có không nào khác gì nhau...

(còn tiếp)

Huỳnh Ngọc Chênh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.