Tam Giang kỳ thú

16/10/2010 15:45 GMT+7

Sau nhiều lần chuẩn bị, cuối cùng chúng tôi đã có một chuyến khám phá thú vị trên phá Tam Giang (tỉnh Thừa Thiên-Huế), vùng nước ngập mặn lớn nhất Đông Nam Á, với nhiều câu chuyện kỳ thú.

Giữa tháng 9 vừa qua, vợ chồng anh Hoàng Lưỡng (ở xã Hải Dương, H.Hương Trà, Thừa Thiên-Huế) bắt được chú hải cẩu đi lạc vào phá Tam Giang, gần cửa biển Thuận An và đã giao nộp cho cơ quan chức năng để chuyển về Viện Hải dương học (Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) chăm sóc, nuôi dưỡng phục vụ nghiên cứu khoa học và giáo dục môi trường.

Chú hải cẩu được đặt tên là Hải Dương, để ghi nhận địa danh xuất hiện của loài động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cao này. Trước đó, có thông tin một ngư dân khác ở xã Hải Dương (H.Hương Trà) cũng đã bắt được hải cẩu, nhưng thấy con vật lạ nên vội vã thả về lại đầm phá. Điều đáng nói là nơi người dân phát hiện và bắt giữ chú hải cẩu, cũng chính là khu vực mà mấy trăm năm trước đã phát xuất câu ca dao: “Thương em anh cũng muốn vô/Sợ truông Nhà Hồ, sợ phá Tam Giang.”

Tương truyền trên phá Tam Giang, chỗ Bàu Ngược sông rộng nước sâu, mùa thu và mùa đông thường nhiều sóng gió do bão, thuyền đi đến đây gặp gió ngược thường bị đắm. Sách Ðại Nam Nhất Thống chí (ÐNNTC) chép: “Phá Tam Giang trước có tên là Hạt Hải (có nghĩa là biển cạn), từ nam chí bắc dài 30 dặm, từ đông sang tây rộng chừng 6 dặm. Từ hạ lưu nguồn Ô Lâu - Thọ Lai (hệ thống sông Lương Ðiền) chảy xuống phá về phía tây nam có 3 cửa sông đổ vào là sông Tả, sông Trung và sông Hữu nên vua Minh Mạng đổi tên gọi là Tam Giang, nước sông sâu rộng, sóng gió bất trắc, thuyền bè dễ gặp nạn”.

Theo Truyện kể dân gian Thừa Thiên-Huế do GS Tôn Thất Bình chủ biên: “Nguyễn Khoa Đăng, quan Nội tán kiêm Án sát sứ, Tổng tri quân quốc trọng sự diên tường hầu thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1675-1725) chính là người đã dẹp yên các đạo quân lục lâm thảo khấu chuyên cướp bóc ở truông Nhà Hồ và chế ngự thành công dòng nước xoáy nguy hiểm trên phá Tam Giang. Ông cho dân biết ông sẽ cho quân dùng súng thần công bắn sóng thần trừ họa. Đến ngày đã định, Nguyễn Khoa Đăng đem súng hướng ra phá, ra lệnh bắn sóng... Nhưng thực ra, trước đó ông đã sai người đào bới mở rộng cửa phá, cho nên sóng dữ mới không còn...”.

Từ đó dân gian lại có câu ca dao mới “Phá Tam Giang ngày nay đã cạn/truông Nhà Hồ nội tán dẹp yên (có dị bản: cấm nghiêm). Thế nhưng, từ hàng trăm năm qua vùng sinh thái nước lợ độc đáo với đời sống đặc thù của cư dân đầm phá vẫn là đề tài khám phá không mệt mỏi của các nhà nghiên cứu khoa học lịch sử, văn hóa, sinh thái, môi trường... Kết quả nghiên cứu khoa học trong vòng 10 năm qua cho thấy hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có đủ các giá trị của một vùng đất ngập nước ven bờ nhiệt đới, trong đó có nhiều giá trị quốc gia và quốc tế, trong đó giá trị đa dạng sinh học được đặc biệt quan tâm nghiên cứu, bảo tồn.

Theo tài liệu nghiên cứu của Sở Khoa học -â Công nghệ Thừa Thiên-Huế “hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai (Thừa Thiên-Huế) có vị trí địa lý từ 16 độ 14 phút đến 16 độ 42 phút vĩ bắc, chính giữa vành đai nội chí tuyến Bắc bán cầu, nơi giao thoa của hai miền khí hậu nhiệt đới ở phía Nam và phía Bắc và ở 107 độ kinh đông, tiếp giáp giữa lục địa và đại dương. Tổng diện tích tự nhiên khoảng 22.000 ha, nằm trên lãnh thổ của 33 xã thuộc 5 huyện của tỉnh Thừa Thiên-Huế, với hơn 338 ngàn dân (thống kê tháng 9.2001). Nơi đây được xem là một lagun ven bờ có diện tích lớn nhất Đông Nam Á và là một trong những lagun có bề mặt vực nước lớn nhất thế giới.  

Còn đó những phận người

Anh Toản ở thôn Thủy Diện (xã Phú Xuân. H.Phú Vang) mỗi lần gặp khách đều vui vẻ sốt sắng. Bỏ dở cuộc vui với bạn bè, anh đẩy ghe đưa chúng tôi ra phá.

Con thuyền nan chòng chành lướt qua những trộ nò sáo (một loại dụng cụ đánh bắt trên đầm phá) giăng mắc như bàn cờ rồi cập vào chân một nhà chồ (nhà dựng tạm bợ trên sông). Nhà được dựng bằng tre cắm sâu xuống lòng đất vươn lên giữa đầm phá bốn bề lộng gió. Đặt chân lên nhà chồ, mọi cảm giác mệt mỏi bỗng tan biến. Cư dân Thủy Diện dựng những nhà chồ để tiện bề đánh bắt mưu sinh. Trên những cọc tre cắm san sát nhau, họ bện nên những sạp gường dùng làm nơi nghỉ ngơi khi ra phá. Ở đó, có đủ các vật dụng như xoong, nồi, chén, bát... cùng một ít nhu yếu phẩm cần thiết khác.

Đối với chúng tôi, một ngày được sống trên nhà chồ giữa mênh mông sóng nước, tách biệt với ồn ào đô thị, hít thở bầu không khí trong lành quả là một ngày thần tiên. Thế nhưng, với những người dân ở đây, cuộc mưu sinh của họ thật nhọc nhằn và ẩn chứa bao thân phận.

Chủ nhân của nhà chồ mà anh Toản đưa chúng tôi đến là đôi vợ chồng trẻ. Anh chồng tên Phạm Còn, chừng 30 tuổi, nước da rám nắng. Người vợ là Nguyễn Thị Mai chân chất cặm cụi bếp núc và mến khách như người thân. Hai vợ chồng lấy nhau 7 năm nay, có một cháu gái, đã vào lớp 1. Cuộc sống ở miệt đầm phá trước đó, chủ yếu “theo đôi con cá”, nên rất bấp bênh. Những năm gần đây, với những chính sách quy hoạch lại nò sáo của Nhà nước, đổi mới cách thức làm ăn nên đời sống kinh tế mới có chút khấm khá.

Khi chúng tôi hỏi đến gia đình, anh Còn nhìn ra biển với ánh mắt xa xăm: “Gia đình mình trước đây là dân vạn đò sống trên “noốt” (tiếng địa phương gọi chiếc thuyền dùng làm nơi sinh sống của người dân vạn đò Thừa Thiên-Huế - PV) ở làng Tân An (thuộc thị trấn Thuận An). Mẹ chết trong cơn bão năm 1985, bố đi lấy vợ khác, người cậu ruột của Còn (là anh Toản) thương tình đón về nuôi, đặt cho tên Phạm Còn (đứa cháu còn sót lại sau cơn bão)”.

Còn lớn lên được cậu ruột dựng vợ gả chồng rồi chia cho 0,5 ha mặt nước để làm nơi sinh sống. Mấy năm nay, nhờ Nhà nước quy hoạch lại nò sáo, chuyển đổi phương thức khai thác theo hướng bền bững, nên nguồn tôm cá đang dần hồi sinh. Với 0,5 ha mặt nước, Còn dựng nhà chồ rồi tiến hành thả nuôi cua, cá theo hình thức quảng canh (nuôi thả tự nhiên) chung với một người bạn bên xã Phú Hải (cùng H.Phú Vang, nhưng ở tuyến biển). Mỗi ngày với hai nghề chính là đặt nò và bủa lưới, mỗi hộ cũng thu nhập ổn định từ 120.000 - 150.000 đồng. Số tiền ấy đều đặn nuôi sống gia đình nhỏ của anh và có dư chút đỉnh để làm vốn, phòng khi ốm đau.

Buổi chiều, những tia nắng cuối ngày lặn xuống đầm phá, hoàng hôn dần dần bao phủ. Sau một ngày sang đổ nò, bủa lưới cùng với vợ chồng anh Còn, chiều tối, chị Mai vẫn ngồi đó chờ chồng sang. Đã mất hàng chục cuộc điện thoại mà anh chồng chị vẫn còn ham vui đâu đó bên kia tuyến biển, chưa sang đón chị về nhà. “Mấy đứa con nhỏ đang ốm ở nhà” - chị khẽ nói. Phụ nữ đôi khi thật kỳ lạ. Không có họ cuộc đời mới vô duyên làm sao. Giống như buổi chiều trên phá Tam Giang, hình ảnh người phụ nữ ngồi bên mui thuyền chờ chồng khiến vùng đầm phá mênh mông như nhỏ lại.

Bây giờ, với những chính sách kinh tế xã hội của tỉnh Thừa Thiên-Huế,  vùng đầm phá mênh mông đã và đang được đánh thức, những phận người như anh Còn, chị Mai... kinh tế cũng đã khá dần. Những khốn khó thời xưa cũ đã lùi dần về dĩ vãng... 


Anh Còn và chị Mai gỡ lưới thu hoạch cá - Ảnh: B.N.L

Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã triển khai thực hiện Chương trình trọng điểm định cư dân vạn đò sông Hương và đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.

Theo đó, trong hai năm 2009 và 2010, các địa phương đã hoàn thành các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng khu dân cư, các dự án nhà ở phục vụ công tác định cư; xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thiết chế văn hóa - xã hội thiết yếu khu vực định cư dân thủy diện vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai theo hướng đạt tiêu chí nông thôn mới và tổ chức tái định cư cho 413 hộ dân nghèo sống lênh đênh trên đầm phá.

Cùng với việc tái định cư là hàng loạt chính sách an cư và phục hồi sinh kế được khởi động đã tạo nên một diện mạo mới theo hướng phát triển bền vững trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.

Gần đây, tỉnh còn quyết liệt thúc đẩy các địa phương quy hoạch lại nò sáo, khơi thông luồng lạch, tạo môi trường sinh thái tốt cho hệ thủy sinh phát triển nên nguồn lợi thủy sản cũng dần được cải thiện.

Bùi Ngọc Long 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.