Kinh nghiệm giành học bổng

10/10/2008 23:12 GMT+7

Những sinh viên VN đang du học tại Mỹ đã chia sẻ bí quyết giành học bổng (HB) Mỹ trong một hội thảo trực tuyến trên diễn đàn www.svduhoc.com.

Nguồn học bổng

Học phí và sinh hoạt phí ở Mỹ đều rất đắt đỏ. Theo ước tính của những sinh viên (SV) VN đang du học tại Mỹ, thì tổng chi phí cho việc học 1 năm ở đây (bao gồm học phí, tiền sách vở, tài liệu, sinh hoạt phí và bảo hiểm y tế) thường lên tới 10.000 -  20.000 USD/năm. Ở những trường nổi tiếng thì riêng tiền học phí đã lên tới trên 40.000 USD/năm. Thế nhưng, rào cản về tài chính vẫn không hoàn toàn đóng lại cánh cửa du học Mỹ. Những bạn có năng lực và có ý chí có thể tìm sự hỗ trợ HB từ rất nhiều nguồn.

Nguồn thứ nhất là HB của Chính phủ Mỹ, như HB Fulbright (http://vietnam.usembassy.gov/fulbright.html), HB VEF (Vietnam Education Education - http://home.vef.gov/). Nguồn thứ 2 là từ Chính phủ Việt Nam: HB Ngân sách nhà nước (hay còn gọi là HB 322) của Bộ Giáo dục và Đào tạo (http://vied.vn/vn/default.aspx). Nguồn thứ 3 là từ một số tổ chức, cơ quan và quỹ quốc tế như Ford Foundation (http://www.fordfound.org/), Buffet Foundation (http://www.buffettscholarships.org/), Ngân hàng Thế giới (www.worldbank.org), Ngân hàng Phát triển châu Á (http://www.adb.org/JSP/default.asp).

Nguồn thứ 4 là HB từ các trường ĐH Mỹ, bao gồm các hình thức như: cấp HB, miễn giảm học phí, nhận SV đó làm trợ lý hoặc trợ giảng có trả lương và miễn học phí, các chương trình trao đổi SV giữa các trường ĐH.

Kinh nghiệm người trong cuộc

Anh Trần Doãn Huân hiện đang theo học chương trình tiến sĩ tại trường ĐH Florida State University tiết lộ, để có tiền theo học, anh đã xin HB dạng trợ giảng và trợ lý nghiên cứu: “Công việc của các bạn thường là trợ giúp giáo sư trong việc hướng dẫn thí nghiệm, chữa bài tập, hoặc dạy những lớp không quá khó... Sự trợ giúp cho người tham gia thường bao gồm việc miễn học phí và một khoản lương đủ sống, việc trợ giúp này còn hơn cả 1 HB toàn phần”.

Với HB VEF, anh Trương Trung Kiên hiện đang theo học chương trình tiến sĩ ngành Điện tử viễn thông tại ĐH University of Texas, Austin. Trung Kiên có nhiều nhận xét thú vị có thể giúp ích cho các bạn đang có ý định xin HB này: “Ở vòng thi tuyển thứ 3, mình được các giáo sư Mỹ phỏng vấn và theo mình đây là vòng quan trọng nhất. Mình nhận thấy SV trong nước thường thiếu cái nhìn tổng quan, không biết đặt định hướng nghiên cứu của mình như thế nào trong một bức tranh lớn hơn. Kinh nghiệm của một số bạn cũng được HB VEF thì trong buổi phỏng vấn, các giáo sư sẽ tập trung hỏi nhiều về bài luận mà bạn đã nộp cho VEF và định hướng nghiên cứu của bạn. Vì vậy trước đó bạn hãy tìm đọc một vài bài báo ở những tạp chí chuyên môn quốc tế có uy tín, những bài báo mang tính chất tổng quan về  thành tựu và hướng phát triển ở lĩnh vực bạn định nghiên cứu. Các giáo sư  rất quan tâm đến việc hướng nghiên cứu của bạn có phù hợp với xu thế thế giới hay không. Còn nữa, các trường ĐH Mỹ rất thích sự đa dạng văn hóa. Sau khi nhập học mình mới nhận ra rằng việc mình là SV VN học sau ĐH đầu tiên ngành Điện tử viễn thông ở trường mình, điều này đóng vai trò khá quan trọng trong việc mình được nhận học. Chứ thực ra thì kết quả học tập, nghiên cứu của mình so với các bạn Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc thì vẫn còn thua xa”.

Việc nộp đơn xin học ở Mỹ cũng khá tốn kém. Bạn Nguyễn Thùy Linh, hiện đang học Thạc sĩ quản trị kinh doanh tại trường Pennsylvania State University cho biết: “Phí nộp đơn vào các khóa MBA rất tốn kém. Trường thấp nhất khi mình nộp hồ sơ vào là tầm 60 USD còn trường cao nhất là 250 USD. Nếu các bạn nộp hồ sơ 5, 6 trường là cũng mất vài trăm USD rồi. Cách giải quyết của mình là xin miễn phí nộp hồ sơ, hầu hết các trường đều đồng ý. Lý do mà họ miễn thì rất là đa dạng, trường thì nêu lý do dựa vào điểm GMAT tốt, trường thì có chính sách miễn đối với SV các nước đang phát triển, các nước nghèo, chỉ cần mình thông báo cho họ biết hoàn cảnh khó khăn của mình, có trường thì miễn không vì lý do gì cả. Trước khi hỏi xin miễn thì nên tìm xem trên website của trường xem họ có chính sách miễn phí nộp hồ sơ không”.

Phương Nguyên (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.