Người kể chuyện làng

13/10/2008 22:55 GMT+7

* Kỳ 2: Hãng thông tấn... làng tôi Những người đi xa quê lúc thuận lợi đều muốn về thăm làng cũ, ôn lại những kỷ niệm một thời, thắp cây nhang tưởng nhớ các vị tiền hiền của tộc họ, thăm viếng bà con... Nhưng cũng có người "nghiện" về quê, vì ở đó, bạn có thể nghe được lắm câu chuyện lạ của cuộc sống nông thôn vô cùng phong phú qua "hãng thông tấn của làng"...

Nghe chuyện ở đâu?

Tôi phát hiện ra các trung tâm thông tấn ở nông thôn thường đặt ở các quán hớt tóc ở đầu làng. Ở đó, người chủ quán thường hớt tóc đẹp, giỏi kể chuyện và có trí nhớ tốt. Cố nhà văn Nguyễn Văn Xuân hồi kháng chiến chống Pháp cũng là người như vậy. Ở vùng tự do thuộc huyện Quế Sơn, qua lối đèo Le, có một quán nước của nhà thơ Khương Hữu Dụng và một quán hớt tóc của nhà văn Nguyễn Văn Xuân luôn luôn đông khách vì chưa hết chuyện thơ văn, kháng chiến, thời sự lại đến chuyện Tây, chuyện Tàu từ cổ chí kim. Giáo sư Hoàng Châu Ký lúc sinh thời hay kể chuyện ông Xuân hớt tóc: Mỗi ngày từ sáng đến chạng vạng ông Xuân chỉ làm được "vài ba cái đầu", không đủ tiền hút thuốc lá, trong khi chuyện thì cả những Tam quốc chí cho đến Đông chu liệt quốc, Tư Mã Thiên... ông đều kể làu làu và thêm vào nhiều bình luận hay hơn cả Mao Tôn Cương nên rất hấp dẫn. Cũng tại quán hớt tóc ông Xuân, tất cả tin tức chiến sự giữa Việt Minh và quân Pháp ở khắp nơi đều được cập nhật, những chuyện tiếu lâm Quảng Nam cũng được "tái bản" nhiều lần, nên nơi đây trở thành một tụ điểm văn hóa rất đặc biệt trong kháng chiến.

Đầu làng tôi hiện nay cũng có cái quán hớt tóc na ná như của cụ Xuân thời xưa. Chủ quán là một người chưa tới sáu mươi, không nổi tiếng như ông Xuân, nhưng tôi bảo đảm nếu không có cái quán ấy, không có ông chủ tên Khanh ấy, làng tôi sẽ mất đi một phần hết sức ý nghĩa trong đời sống tinh thần. Khanh có tên đầy đủ là Nguyễn Hữu Khanh, hiện hành nghề hớt tóc ở Xóm Chay, Thanh Quýt, xã Điện Thắng Trung (Điện Bàn, Quảng Nam). Nối nghề cha từ thời còn cắp sách đến trường. Bị bắt lính rồi bị thương phải nằm bệnh viện suốt mấy năm cho đến ngày giải phóng. Hòa bình lập lại, anh mang cái chân què đầy thương tích về làng. Lại mở quán hớt tóc nuôi cha mẹ già và một đàn em ăn học cho đến kỹ sư, giáo viên rồi mới đi lấy vợ. Nhưng chuyện cá nhân đó chỉ là một phần nhỏ trong cuộc sống nhân vật này: Khanh lập và thuộc tất cả các gia phả của hàng chục tộc họ, chi phái trong làng, viết hầu hết những bài văn tế cho đình làng miếu xóm và nằm lòng những câu chuyện xưa, tích cũ với một vốn chữ Hán tự học.

Những thông tin được anh chắt lọc, ghi lại trong bộ nhớ tuyệt vời của mình suốt hơn 30 năm nay. Người thợ hớt tóc trở thành cuốn từ điển sống của làng.

Hóng chuyện ở quán Khanh

Khanh kể rất nhiều chuyện ở làng từ cổ chí kim. Chuyện nào cũng có những ý nghĩa nhân sinh và giáo dục truyền thống gắn liền với những làng quê miền Trung. Nhưng có hai chuyện sau đây tôi được anh kể nhiều lần, mà lần nào cũng thấy lạ.

 

Nguyễn Hữu Khanh dẫn chương trình ở đình làng - Ảnh: T.Đ.T

Làng anh có một nhánh thứ nhì của họ Lê Tự không ăn thịt ếch. Những người trong nhánh này còn mua ếch của những người đi bán đem ra thả lại ngoài đồng như một nghĩa cử biết ơn con vật này. Tương truyền, cụ tổ đời thứ 9 của tộc Lê Tự là Lê Tự Chỉnh từng tham gia nghĩa quân văn thân chống Pháp của cụ Nguyễn Duy Hiệu. Trong một trận đánh không cân sức với quân của Nguyễn Thân, ông bị thương nặng ở bụng và nằm lại ngoài đồng vắng chờ chết. Trong lúc thập tử nhất sinh đó, có một đàn ếch xuất hiện hằng đêm và hút khô vết thương cho ông. Vết thương lành, ông lại tiếp tục chỉ huy nghĩa binh chiến đấu cho đến lúc bị bắn chết ở một trận đánh gần làng sau đó. Con cháu đã chôn cất ông và sau đó lập "miếu thờ việc nghĩa" có bài vị của ông ngay trong vườn cũ và bị hư hại trước năm 1975. Dù vậy, đến nay, việc kiêng không ăn ếch của con cháu cụ Lê Tự Chỉnh vẫn còn giữ, như một nghĩa cử tôn kính một loài vật đã cứu người... Các cụ lão nông trong làng trầm ngâm khi nghe chuyện, nhưng những người trẻ tuổi lại bình phẩm thêm: Dù sao ếch cũng là loài thiên địch giúp mùa màng bội thu, cần được bảo vệ!

Làng chúng tôi có nhiều cánh đồng, xứ đất mang những cái tên gắn liền với những câu chuyện. Chuyện thật và giai thoại nhiều khi đan xen lẫn nhau. Chỉ nói đến cái tên Gò Tử, nơi trước năm 1975 là một nghĩa trang, Khanh có ngay câu chuyện rất hay về cái tên gò này. Đó là câu chuyện mang tính huyền sử liên quan đến một cuộc tình giữa trai gái hai tộc ở hai làng gần nhau xảy ra cách đây đã mấy trăm năm, dẫn đến việc gia đình phía chàng trai bị mất "sổ đỏ" của một xứ đồng loại đệ nhất đẳng điền. Chàng trai si tình ấy đã lấy cắp "sổ đỏ" của cả một cánh đồng mang tên đồng Minh đem tặng cho người con gái mình yêu. Mất giấy tờ nên mất luôn đất, gia đình chàng trai đã hành hình anh ta bằng một hình phạt rất dã man là "xe nong". Một chiếc nong đan bằng tre cật, khoét một lỗ chính giữa để tròng vào cổ kẻ tội đồ bị cột đứng vào một cây tre giữa gò. Người ta quay tròn chiếc nong cho đến khi những nan tre cắt đứt cổ. Cái gò đất ấy về sau được đặt tên là "Gò Xe Nong" rồi "Gò Tử" và dần dà trở thành một nghĩa địa của làng. Câu chuyện mang đầy chi tiết hoang đường ấy xảy ra cách đây khá lâu, nhưng ngoài cái tên của gò đất còn có một cánh đồng trồng lúa vẫn còn lại cạnh UBND xã...

Nhưng theo lời người kể chuyện, một vết thương trong tâm hồn con người vẫn tồn tại qua nhiều thế hệ từ vụ án "Gò Tử" ấy mới đáng sợ. Cho đến gần đây, mối quan hệ yêu đương của con cháu hai tộc "đối tác" ở hai làng ấy, dù đã cải thiện rất nhiều từ sau ngày hòa bình, nhưng có đôi trường hợp vẫn còn bị ngăn trở như một thứ quy định bất thành văn! Cách đây chưa đầy chục năm, lại có một cặp tình nhân trẻ đã buộc tay vào nhau nhảy sông tự tử vì không lấy nhau được đã xảy ra! Không những chỉ kể lại câu chuyện, có lần Khanh đã hợp tác với các phóng viên truyền hình làm phim phóng sự để mong góp được tiếng nói phản đối một câu chuyện buồn dai dẳng và lạc hậu này.

Tái bút ở quán hớt tóc

Về làng ngồi nghe Khanh kể chuyện cùng với những người thuộc nhiều tầng lớp đang chờ đến phiên mình "đưa đầu cho Khanh nắm". Hôm rồi nghe anh kể chuyện một lão nông có giọng đọc văn tế hay nhất làng. Mỗi bận ra đình làng đọc văn, ông ấy đã "dọn mình" ra sao. Chuyện những anh hùng trong chiến tranh. Chuyện dân làng với những nghề thủ công và thương mại để thoát ra khỏi thế nông nghiệp độc canh từ thời Hội An phồn thịnh. Chuyện mỗi năm cả làng có bao nhiêu học sinh thi đỗ vào đại học, được giải ở các kỳ thi quốc tế... Tất cả, dường như đều được thu thập, biên tập (hay gạn lọc) và phát đi rất sớm ngay tại quán hớt tóc của Khanh, mà nhiều người vẫn gọi là thông tấn... làng một cách trìu mến.

* Kỳ 1: Tôi là Trọng Công...

Trương Điện Thắng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.