Nhức đầu, đau lưng, dễ cáu gắt...!

24/09/2007 21:35 GMT+7

Hay bị nhức đầu, đau lưng, dễ cáu gắt, hay quên, khả năng làm việc bị sút giảm, kể cả kinh nguyệt không đều..., coi chừng bạn đang bị suy nhược thần kinh!

Những biểu hiện cần lưu ý

Suy nhược thần kinh là một bệnh rối loạn cơ năng hoạt động của thần kinh cấp cao. Theo lương y Nguyễn Công Đức (giảng viên khoa Y học cổ truyền ĐH Y Dược, TP.HCM), bệnh có những biểu hiện điển hình như sau: đau đầu, đau lưng, mất ngủ, hay quên, dễ cáu gắt, khả năng làm việc bị giảm sút, tim đập nhanh, và có kèm theo các triệu chứng của rối loạn thần kinh thực vật như, kinh nguyệt không đều, di tinh, liệt dương, táo bón...

Trong Đông y không có bệnh danh suy nhược thần kinh, mà dựa trên các triệu chứng của bệnh gọi là đầu thống (đau đầu), thất miên (mất ngủ)... Còn theo lương y Phạm Như Tá (Hội Đông y Q.Bình Thạnh, TP.HCM), Đông y quan niệm, suy nhược thần kinh là một loại bệnh được miêu tả trong phạm vi của nhiều chứng bệnh như: kinh quý (hoảng sợ), chinh xung (chứng dao động), kiện vong (hay quên), thất miên (mất ngủ)... 

Lương y Nguyễn Công Đức cho biết: "Bệnh được chia làm 3 thể bao gồm: thể thận âm hư - là tình trạng hưng phấn bình thường, ức chế thần kinh giảm, người bệnh có những triệu chứng nhức đầu, đau lưng, di tinh, đại tiện táo... Tiếp theo là thể Can hỏa vượng - lúc này sự hưng phấn của người bệnh tăng lên, ức chế thần kinh bình thường. Triệu chứng thường gặp là, mất ngủ, mặt đỏ, nhức đầu, rêu lưỡi vàng, mạch căng mạnh, đại tiện táo, tiểu tiện đỏ. 

Cây mắc cỡ - ảnh: sưu tầm

Sức khỏe người bệnh lúc này vẫn còn tốt. Thứ ba là thể thận âm dương đều hư - lúc này cả hưng phấn và ức chế thần kinh của người bệnh đều giảm. Triệu chứng biểu hiện gồm  các triệu chứng giống như thể thận âm hư và còn có thêm biểu hiện sợ lạnh, hoạt tinh, liệt dương, mạch nhỏ yếu... Ngoài các rối loạn của 3 tạng can, tâm, thận gây nên, thì suy nhược thần kinh còn do một yếu tố đáng lưu ý gây ra là sang chấn tinh thần - stress".

Phép trị

Về phương diện chữa trị y học cổ truyền, theo lương y Nguyễn Công Đức gồm có những bài thuốc cổ phương, bài thuốc Nam, dân gian, tùy theo từng thể bệnh. Chẳng hạn như ở thể thận âm hư, thì dùng phép trị bổ thận âm, bổ huyết, an thần, với bài thuốc Nam gồm các thành phần dễ tìm như: mè đen, đậu đen, cỏ mực, lá dâu non, tim sen, mắc cỡ, mạch môn, nhãn nhục (mỗi thứ đều 20gr) và 10gr vỏ hàu (nung, giã nát).

Đem tất cả nấu với một lít nước, nấu còn lại nửa lít, rồi dùng nước này hòa với 50cc mật ong, khuấy đều, phân làm 3 lần để dùng trong ngày, lúc nóng ấm, khi bụng đói. Ngoài ra, ở thể thận âm hư còn có bài thuốc cổ phương có tên "Lục vị kỷ cúc", gồm: kỷ tử, cúc hoa - mỗi thứ 20gr, sơn thù, đơn bì, trạch tả, bạch linh - mỗi thứ 12gr, và 16gr hoài sơn, 32gr thục địa. Đem nấu với 0,6 lít nước, nấu còn lại 0,3 lít, rồi hòa với 50cc mật ong, trộn đều, chia làm 3 lần dùng trong ngày lúc bụng đói.

Cúc hoa - ảnh: T.Tùng

Ở thể thận âm dương đều hư, thì phép trị là bổ thận âm thận dương, an thần, bền tinh. Bài thuốc Nam dùng trong trường hợp này là: dây tơ hồng, tim sen, đậu đen (sao vàng), mắc cỡ, đậu ván (sao vàng), vỏ hàu (nung, giã nát), gừng khô (giã nát), ngải cứu - mỗi thứ đều 20gr, và 10gr quế nhục.

Đem nấu với một lít nước, nấu còn lại phân nửa, rồi hòa với 50cc mật ong, dùng khi còn âm ấm, lúc bụng đói 3 lần trong ngày. Bài thuốc cổ dùng trong trường hợp này là "Kim quỹ thận khí gia giảm", với các vị: ba kích, ngưu tất, xà xiềng tử, đỗ trọng, trạch tả, bạch linh - mỗi vị 12gr, hoài sơn (sao vàng), sơn thù - mỗi vị 16gr, cùng 8gr nhục quế (giã nát), 6gr phụ tử chế. Đem các vị trên (trừ nhục quế) nấu với 0,8 lít nước, nấu còn lại 0,3 lít, rồi dùng nước thuốc này hòa với nhục quế, mật ong, trộn đều tay, dùng 3 lần trong ngày khi bụng đói và nước thuốc còn ấm.

Còn ở thể bệnh can hỏa vượng, phép trị là an thần, nhuận trường, nhuận gan. Bài thuốc Nam dùng cho thể bệnh này gồm: rau đắng đất (hoặc đắng biển), lá dâu non, tim sen, mắc cỡ - mỗi loại 20gr, cùng lá muồng trâu, nhân trần - mỗi thứ 12gr. Đem tất cả nấu với 0,6 lít nước, nấu còn lại phân nửa, rồi hòa với 50cc mật ong, chia làm 3 lần dùng trong ngày khi bụng đói, lúc nước thuốc ấm. Bài thuốc cổ phương cho trường hợp này có tên "Đơn chi tiêu dao", gồm các vị: cam thảo chích, sài hồ - mỗi thứ 10gr, đương quy, bạch thược, bạch truật (sao cám), bạch linh, chi tử (sao vàng, giã nát) - mỗi vị 16gr, và 12gr bạc hà, 20gr đơn bì. Đem nấu với 0,8 lít nước, nấu còn lại 0,3 lít, rồi hòa với 50cc mật ong, chia làm 3 phần dùng trong ngày sau bữa ăn. Đối với trường hợp do sang chấn tinh thần, thì cần có sự thoải mái về tinh thần trong cuộc sống, công việc và hỗ trợ của thầy thuốc về liệu pháp tâm lý...

Theo lương y Nguyễn Công Đức, một số cách ăn uống sau đây có công dụng hỗ trợ cho những trường hợp bị suy nhược thần kinh như: sau bữa ăn sáng, dùng 2 trái chuối sứ chín - đây là nguồn dinh dưỡng rất tốt cho việc quân bình hệ thần kinh. Còn sau bữa ăn trưa, nên dùng 100-200gr trái thơm, hay dùng nước thơm ép. Sau bữa cơm chiều dùng 100-200gr đu đủ chín, vì nó có tác dụng an thần. Cần vận động thường xuyên.

Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.