Thế là bình yên...

29/09/2007 17:53 GMT+7

Ai cũng biết, Hà Nội là một thành phố nhỏ, xinh đẹp. Hà Nội có nhiều di tích cổ, nhiều hồ, nhiều đường phố xanh ngắt cây. Nếu tới Hà Nội lần đầu, bạn chắc chắn sẽ tới Hồ Gươm, ngắm Tháp Rùa dù "tút tát" lại nhưng vẫn nguyên dáng cũ, mơ màng bên cầu Thê Húc cong cong, đỏ mãi cùng thời gian mưa nắng. Rồi bạn tới chùa Một Cột, vào lăng viếng Bác.

Dù bạn là người nước ngoài, thì cũng sẽ quen với cách gọi vị Chủ tịch nước Việt Nam thân quen như vậy. Văn Miếu Quốc tử giám cũng sẽ là nơi bạn tản bộ, dù bên ngoài, nhiệt độ là 40 độ C nhưng chỉ cần bước qua cánh cổng là mát rượi, và bạn sẽ thấy bình yên... Chưa kể, nếu bạn có thời gian, thì sẽ biết năm bảy cái hồ. To bé là do người xung quanh lấn nhiều hay lấn ít, nhưng bây giờ, chuyện lấn hồ làm nhà cũng hết, vì thành phố đã cấp tốc kè lại, dù muộn còn hơn không...

Ai là khách nơi xa tới, cũng thực sự có nhiều cảm xúc khi đi qua Cột cờ cổ kính thâm nghiêm được xây năm 1812, cao 41 mét kể cả trụ treo cờ.  Bên kia đường, là Quảng trường Lênin, trong khuôn viên công viên xinh xắn, có rất nhiều người tới đó làm những việc riêng, như ngủ, tập thể thao, đánh cờ tướng...

Đấy là hành trình thường xuyên của bạn tôi, nhà báo chuyên mục quốc tế của một tờ báo lớn, mỗi khi có khách nơi xa lần đầu tới Hà Nội. Sau những nơi như vậy, thêm vài quán bún ốc gia truyền đúng là bún ốc ngày xưa, bún chả đúng bún chả gốc, thì, ra cà phê Cột cờ (tên do tôi đặt) nhâm nhi. Ngồi dưới tán của những cây nhãn lâu năm, nhiều hoa, sai quả, uống một cái gì đó, giữa một khu di tích rất quan trọng của Hà Nội.

Hà Nội, ai đến rồi đi, tối thiểu cũng biết những thứ đó. Nhưng để ám ảnh về một thành phố mình đã đến, như biết bao thành phố khác mình đã qua, lại không phải là những gì tôi đã viết ở trên.

Nếu ta lấy một cái tên, ví dụ như TA, dùng để gọi bất cứ người ngoại quốc nào ở nơi xa tới Hà Nội, hãy hình dung TA ra khỏi một chiếc xe taxi, thấy có một con đường lát gạch cổ đẹp thật là đẹp. Một bên là tượng đài, bên này là thành cổ, quây xung quanh là những nòng súng giương cao. Lại có một cột cờ... TA đứng lại, mở máy ảnh ra, nhằm lưu lại những hình ảnh mê ly xinh xắn này. Bất ngờ, xung quanh TA, xuất hiện một "đội quân" hùng mạnh. Cảm nhận đầu tiên về họ, là chân ai cũng đi giày, mũi nhọn, có tất bên trong, các màu. Đi giày là lịch sự rồi. Rất nhiều đôi giày quanh TA. Rồi TA nghe thấy rất nhiều ngôn ngữ hao hao tiếng Anh mà TA đã học, hoặc là tiếng nói của chính TA. Một thứ tiếng như người anh em rất xa, con chú con bác chín mười đời đâu đó, nhưng rõ ràng là có họ. TA bắt đầu nhìn quanh. Cơ man là đàn ông, đàn bà, trẻ con. Những người này ở đâu ra đến nhanh bên TA như thể họ được phù phép chui dưới đất lên hay nhảy từ trên cây xuống. Những tấm bản đồ chìa ra. Những cái lót giày chìa ra. Những cuốn sách giới thiệu về Hà Nội, rõ ràng có hình cột cờ mà TA đang đứng ngay trước mặt, chìa ra.

TA hoa mắt, chóng mặt. TA không định nhận "anh em xa của tiếng Anh" để cuối cùng chính TA cũng không hiểu họ muốn nói điều gì. Giày TA mới đánh xi. Chân TA vừa với giày của TA, hà cớ gì TA phải thêm một cái lót? TA đang đứng chính ở cái nơi mà người ta cứ ấn vào tay những thứ đại ý nói là: Hà Nội đấy, đấy mới là Hà Nội... trong khi TA sẽ rất sung sướng tự tay rửa những tấm ảnh tay TA mới chụp, mắt TA mới nhìn, về cái Cột cờ mà TA có thể chạm vào nó. Chưa kể đến mấy "người anh em" ngồi trên những chiếc xe hai bánh như những chiếc ghế di động - đó là xích-cờ-lô, cứ kéo áo TA giật mạnh... TA đang đi bộ, vì TA đã lang thang ở rất nhiều nước trên thế giới cũng bằng chính đôi chân của mình. TA không có nhu cầu ngồi trên "chiếc ghế" để di chuyển ì ạch trên phố nhỏ xinh. Mà áo của TA vải mềm, chẳng may rách một cái, lại phải quay về thay?...

Bạn tôi, lúc đó, đang ngồi đọc một cuốn sách trong quán, dưới rặng nhãn mùa ra hoa. Cách bức tường, nhà ai đó, cây bưởi trắng hoa tạt hương sang, thật như chốn thần tiên. Bạn thấy léo nhéo tiếng Anh bồi, tiếng Anh rởm bên ngoài nhiều quá, máu nghề nghiệp nổi lên, rời trang sách, nhìn ra. Lại một nạn nhân rồi. Như biết bao lần khác, đã quá quen với việc "cứu bồ", bạn tôi vội chạy ra, cười tươi chào cái anh TA kia bằng tiếng Anh tử tế, đại ý là, hãy coi như mày tìm tao, giờ thấy tao rồi, hai đứa mình vào kia uống cà phê. TA - sau một thoáng choáng váng, hiểu ra là vận may đã tới, vội cun cút theo bạn tôi, vào quán.

Thế là bình yên.

Như có phép thần thông biến hóa, bạn tôi giống như người điều khiển cây đèn thần, chỉ cần một nụ cười, một câu nói là "họ hàng xa" của TA biến mất. Đất nứt ra. Tất cả chui tọt đi để rồi thoắt một cái, hiện ra ở nơi nào có một chàng hay nàng ngoại quốc TA khác "trót" không nhìn cảnh vật bằng ánh mắt... vô cảm. Đường phố lại yên bình. Vỉa hè vắng. Vài cái lá vàng bay bay. Hoa bưởi lại thơm, và TA thong dong chụp ảnh, ngơ ngẩn hỏi người bạn mới quen, là nhân vật đứng giữa quảng trường kia chắc chắn không phải Hồ Chủ tịch rồi, thì là Nguyễn Trãi hay Nguyễn Du ?

Hà Nội là một thành phố nhỏ, rất xinh đẹp. Hà Nội sẽ rất dễ thương khi có nhiều người luôn cứu bồ như bạn tôi. Lại cũng cần những người có trách nhiệm bảo vệ khách du lịch hoạt động nhiều hơn những gì lâu nay họ làm, để người ở xa tới, rồi đi, sẽ bớt ám ảnh về những người "họ hàng xa tít tắp" đã làm hỏng cái chốn riêng của họ khi tới một thành phố lạ.

Nguyễn Thị Thu Huệ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.