Chữa lupus ban đỏ theo cổ truyền

10/10/2010 16:09 GMT+7

Lupus ban đỏ gồm 2 loại: lupus dạng đĩa và lupus hệ thống. Mỗi loại có những dạng bệnh khác nhau; và không phải dạng lupus ban đỏ nào cũng có biểu hiện nổi ban trên da.

Quan niệm cổ truyền về bệnh

Ngoài những dạng ban đầu khó xác định rõ rệt, đặc điểm phổ biến của bệnh này là biểu hiện ở vùng mặt và phần cơ thể lộ ra bên ngoài qua những ban đỏ trên da; phù, ban teo dạng bướm, bóc một lớp vảy; kèm theo sốt, đau các khớp; đôi khi bị tổn thương nội tạng... Bệnh thường gặp ở phái nữ (lứa tuổi từ 20-40).

Theo y học cổ truyền, bệnh lupus ban đỏ do tiên thiên bất túc, nội thương thất tình, can khí uất trệ dẫn đến âm dương khí huyết mất điều hòa, khí trệ huyết ứ gây tắc kinh lạc mà sinh bệnh; hoặc thận tinh hư suy, hư hỏa bốc lên, kèm theo cơ bì lỏng lẻo, nắng nóng xâm nhập gây ứ trệ mạch lạc; hoặc do nhiệt độc tích tụ, huyết mạch bị chấn thương, tạng phủ rối loạn gây nên bệnh. Bệnh vào thời kỳ cuối thì âm sẽ làm tổn thương dương dẫn đến tỳ thận dương hư.

Chữa trị

Lupus dạng đĩa (thể mạn) là thể thường gặp nhất (chiếm 75-80%), vị trí thường là ở đầu, niêm mạc môi, lưng bàn tay, thường có khoảng 1-3 đám. 3 triệu chứng cơ bản là: ban đỏ, dày sừng, teo da. Với trường hợp này có thể dùng bài thuốc lục vị địa hoàng hoàn, gồm các vị thuốc: thục địa 16g; sơn thù, trạch tả, hoài sơn 12g; phục linh, đan bì (mỗi loại 12g). Đem sắc uống ngày 1 thang, chia uống 3 lần trong ngày sau khi ăn 30 phút.


Quế chi trong bài thuốc

Với lupus hệ thống - đây là thể nặng nhất, có thể tiên phát hoặc thứ phát từ các thể khác chuyển thành, ngày càng gặp nhiều hơn. Bệnh gây tổn thương đa dạng ở da, nội tạng và nhiều cơ quan khác, có khi cấp tính, có khi từ từ, nhiều trường hợp tử vong sau thời gian ngắn, có khi tiến triển mãn tính, lúc tăng lúc giảm thất thường. Tổn thương da và niêm mạc như thể dạng đĩa, nhưng đa dạng hơn, rộng khắp, kèm theo các tổn thương toàn thân như sốt, đau cơ, nhức khớp, nội tạng. Sốt lúc thường không cao, có lúc cao đến 40-41 độ C (bệnh cấp tính).

Trong lupus hệ thống, thường có 5 dạng khác nhau, đó là:

- Nhiệt độc thịnh gồm các triệu chứng: nổi ban đỏ, sưng phù, có điểm ứ huyết, ứ ban, bọc huyết, xuất huyết ở mắt, sốt cao, bứt rứt, khát nước, táo bón, lưỡi đỏ. Điều trị dạng này là lương huyết, thanh nhiệt, giải độc. Dùng bài “tê giác địa hoàng thang gia giảm”, gồm có: tê giác 4g, sinh địa 24g, thược dược 16g, đan bì 16g. Sắc uống ngày 1 thang.

- m hư hỏa vượng, biểu hiện da vùng bệnh đỏ sẫm; sốt kéo dài, lúc cao lúc thấp, môi miệng khô, ù tai, hoa mắt, chân tay đau, ra mồ hôi trộm... Điều trị dạng này là tư âm, giáng hỏa. Dùng bài “lục vị địa hoàng gia giảm”, gồm các vị: thục địa 16g, sơn thù, trạch tả, hoài sơn, phục linh, đan bì (mỗi loại 12g). Sắc uống ngày 1 thang, chia uống 3 lần trong ngày sau ăn 30 phút.


Tránh dùng thực phẩm gây nóng như ớt

- Khí trệ huyết ứ, tức là da có điểm ứ huyết, ứ ban, ngực sườn tức, đau, chán ăn, gan lách to, ấn đau, lưỡi đỏ... Điều trị dạng này là xơ can, giải uất, lý khí, hoạt huyết. Dùng bài “tiêu dao tán hợp, huyết phủ trục ứ thang gia giảm”, gồm có: sài hồ, đương quy, bạch thược, bạch truật, phục linh, hồng hoa, chỉ xác, xích thược (mỗi vị 12g); cam thảo 6g, bạc hà 24g, đào nhân 10g, cát cánh 8g, xuyên khung 8g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần trong ngày, sau khi ăn 30 phút.

- Tâm dương bất túc, biểu hiện như sau: hồi hộp, tức ngực, đau nhói ngực, người bứt rứt, khó ngủ, miệng khô, sợ lạnh, sắc mặt tái nhợt, lưỡi trắng. Điều trị dạng này là ích khí, dưỡng âm; dùng bài “sinh mạch tán hợp linh quế truật”, gồm các vị: nhân sâm, mạch môn (mỗi thứ 16g), ngũ vị tử 5g, phục linh 24g, quế chi 18g, bạch truật 12g, cam thảo 6g. Sắc uống ngày 1 thang, chia uống 3 lần trong ngày sau khi ăn 30 phút.

- Tỳ thận dương hư, dạng này lúc đầu rất khó nhận bệnh bởi vì biểu hiện ban đỏ không rõ hoặc không nổi ban; người chỉ sốt nhẹ, sợ lạnh, các khớp đau nhức, tóc thưa, kinh nguyệt không đều hoặc tắt kinh, mệt mỏi, ra mồ hôi trộm, tiêu lỏng, tiểu ít... Điều trị dạng này là ôn thận, tráng dương, kiện tỳ, lợi thủy. Dùng bài “quế phụ bát vị hoàn, chân vũ thang gia giảm”, gồm các vị: phục linh, thược dược, sinh khương (mỗi vị 12g), bạch truật 8g, hắc phụ tử 10g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần trong ngày sau ăn 30 phút.

Dùng món ăn

Ngoài việc dùng thuốc, người bệnh có thể dùng một số món ăn để hỗ trợ điều trị. Lúc bệnh ở giai đoạn đầu có biểu hiện tăng nhiệt thì lưu ý không dùng những loại cay, nóng như hành tây, thịt cừu, rau hẹ, ớt, rượu, thuốc lá, cà phê, trà đặc...

Có thể dùng một trong các món sau để góp phần khống chế bệnh: thịt rắn nước (1 con), để cả da đem hấp, nêm chút gia vị, dùng nước và ăn thịt rắn. Hoặc dùng nước kim ngân - kim ngân hoa sắc đặc uống. Mỗi lần uống 30 ml, ngày uống 3 lần.

Lương y Quốc Trung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.