Nhiều trường đào tạo ngành điều dưỡng

13/10/2009 22:51 GMT+7

Theo kế hoạch của Bộ Y tế thì đến năm 2010, VN phấn đấu 1 bác sĩ có từ 2,5 - 3 điều dưỡng.

Theo thống kê của Bộ Y tế, thời gian qua ở VN tỷ lệ này chỉ là 1 bác sĩ/1,2 điều dưỡng; trong khi Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo 1 bác sĩ phải có ít nhất 8 điều dưỡng. Đó là lý do thời gian qua có nhiều trường ngoài công lập không thuộc khối trường y đã mở ngành đào tạo này.

Bệnh viện” trong trường

Phòng thực hành tiền lâm sàng, khoa Điều dưỡng của trường CĐ Nguyễn Tất Thành, một không gian tràn ngập màu trắng và không khí tất bật không khác gì ở trong bệnh viện. Có khoảng 5 “bệnh nhân” đang nằm trên giường, vây xung quanh là hàng chục điều dưỡng mặc áo trắng tinh. Người thì lau mặt cho bệnh nhân, người thì ân cần cho bệnh nhân uống sữa qua đường ống, có cô điều dưỡng loay hoay suýt nữa đánh rơi cả nước vào mũi bệnh nhân khiến tất cả phì cười... Đó là giờ thực hành của học sinh (HS) ngành trung cấp điều dưỡng.

Được biết, HS ở đây được thực hành ở phòng Giải phẫu sinh lý - vi sinh vật - vi sinh trùng và phòng Tiền lâm sàng. HS làm việc trên mô hình, từ cách nhận biết cấu tạo cơ thể, chức năng từng bộ phận... đến việc chăm sóc bệnh nhân như gội đầu, tắm, cặp nhiệt độ, chích thuốc... Đến cuối năm nhất, đầu năm hai thì HS bắt đầu được thực tập tại các bệnh viện với thời gian khoảng 8 tuần để tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân.

Dễ tìm việc làm

Nằm tại Đà Nẵng, trường CĐ Phương Đông cũng đào tạo ngành Điều dưỡng cả bậc trung cấp lẫn CĐ. SV của trường cũng được thực tập tại 33 bệnh viện khu vực miền Trung, trong đó, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng là nơi SV vẫn tới thực hành tay nghề mỗi tuần 3 buổi. Tiến sĩ Lê Công Toàn, Phó hiệu trưởng khẳng định, SV của trường đã được các bệnh viện “đặt hàng“ nên 100% ra trường là có việc làm ngay.

Thạc sĩ Trịnh Thị Loan - nguyên Phó chủ tịch Hội điều dưỡng Việt Nam, Phó khoa Điều dưỡng trường CĐ Nguyễn Tất Thành chia sẻ: “Nhu cầu nhân lực ngành điều dưỡng thì lúc nào cũng thiếu. Tuy nhiên, bệnh viện ở nước ta lại khá khác biệt so với nước ngoài. Nếu ở nước ngoài, người chăm sóc toàn bộ cho bệnh nhân là điều dưỡng viên, thì ở ta, việc đó lại chủ yếu dành cho người nhà bệnh nhân, điều dưỡng viên chỉ làm công việc kỹ thuật như thay băng, chích thuốc. Đó là một hạn chế khiến cho nghề điều dưỡng chưa thực sự làm đúng như tên gọi của nó”.

Theo bà Loan, nước láng giềng của ta là Thái Lan, 1 bác sĩ có tới 12 điều dưỡng. Các nước khác trên thế giới cũng đang rất cần nhân sự ngành này. Tuy nhiên, điều dưỡng của ta lại khó có thể xuất khẩu lao động vì không đáp ứng được yêu cầu của họ. Một hướng tốt để có thể giải quyết hạn chế này, là các trường nên liên kết với một đơn vị nước ngoài để đào tạo điều dưỡng. Khi đó, người học không chỉ được cung cấp những kiến thức chuyên môn chuẩn có giá trị quốc tế, mà còn phải nâng cao trình độ ngoại ngữ, rèn luyện các kỹ năng “mềm”...

Nhận thấy tầm quan trọng đó, ông Phan Dũng Danh, Hiệu trưởng trường Trung cấp Tổng hợp Đông Nam Á cho biết, trường đang tiến hành hợp tác với một tổ chức của Mỹ gồm khu phức hợp có bệnh viện, khu nghỉ dưỡng và mua sắm của Mỹ để đào tạo và cung cấp lao động điều dưỡng. Trường cũng đã ký kết hợp tác đào tạo liên thông chương trình AEB-UK với trường Cán bộ Quản lý doanh nghiệp ở nhiều chuyên ngành, trong đó có Điều dưỡng đa khoa, do Hiệp hội điều hành các nhà quản trị Anh quốc cấp bằng. Trường CĐ Nguyễn Tất Thành cũng đang chủ động liên lạc với Thái Lan để giúp HS-SV ngành Điều dưỡng của trường có thể liên thông lên cử nhân điều dưỡng và giúp SV thi lấy bằng hành nghề có giá trị quốc tế.

Mỹ Quyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.