Lưu ban một năm vì không đem giấy tờ xe máy!

25/09/2006 22:45 GMT+7

Một học sinh có hạnh kiểm học kỳ I được xếp loại tốt nhưng do điều khiển xe gắn máy không mang theo giấy đăng ký xe nên cuối năm bị xếp loại hạnh kiểm yếu. Do hạnh kiểm yếu nên trường buộc em phải lao động hè 15 ngày để... nâng mức hạnh kiểm. Và vì không đủ ngày công lao động nên phải... ở lại lớp.

Đó là kết quả của một biện pháp giáo dục cứng nhắc đến vô cảm ở Trường THPT Trần Quốc Toản, thị trấn Ea Knốp, huyện Ea Kar, Đắk Lắk, mà em Nguyễn Thị Thùy, học sinh lớp 10A15, năm học 2005-2006, phải gánh chịu.

Sáng 17.3.2006, em Thùy điều khiển xe gắn máy 50cc đang trên đường đi học môn thể dục ở trường về đến gần nhà thì bị cảnh sát giao thông huyện Ea Kar kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ vì lỗi không mang theo giấy chứng nhận đăng ký xe và không có gương chiếu hậu, với mức phạt tiền 70.000 đồng.

Vi phạm của em Thùy sau đó đã được Công an huyện gửi thông báo đến Trường THPT Trần Quốc Toản. Căn cứ thông báo này, ngày 15.4, hiệu trưởng nhà trường ký quyết định kỷ luật học sinh với hình thức cảnh cáo. Theo quyết định, em Thùy bị xếp loại hạnh kiểm yếu cho cả năm học 2005-2006. Em Thùy phải rèn luyện lại về mặt hạnh kiểm trong hè, hình thức rèn luyện là lao động tại trường 15 buổi. Nhưng mới tham gia được 2 buổi thì em Thùy bị ốm, phải nhập viện. Đầu năm học 2006-2007, em Thùy nhận một quyết định "choáng váng" của trường là không đủ điều kiện lên lớp 11 mà phải ở lại lớp 10!

Ông Đào Xuân Tĩnh, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Quốc Toản cho rằng: hình thức xử lý kỷ luật đối với em Thùy là đúng theo cam kết giữa ngành giáo dục và công an về việc xử lý học sinh vi phạm luật giao thông. Theo cam kết này thì hễ nhà trường nhận được thông báo của công an về trường hợp học sinh vi phạm an toàn giao thông thì trường sẽ ra quyết định kỷ luật. Chúng tôi hỏi: "Liệu trường có xem xét đến tính chất, mức độ vi phạm trong trường hợp cụ thể là em Thùy?". Ông Tĩnh giải thích: "Trường không xem xét mức độ lỗi vi phạm như thế nào. Chỉ cần có thông báo của công an là trường có quyết định kỷ luật cảnh cáo ngay. Còn việc em Thùy không được lên lớp 11 là do không đáp ứng đủ 15 buổi lao động rèn luyện hạnh kiểm. Việc em Thùy bị ốm phải nhập viện trong thời gian rèn luyện nên không thể châm chước được". Chúng tôi thắc mắc, trường thi hành kiểu kỷ luật này theo hướng dẫn nào của ngành giáo dục, thì ông Tĩnh trả lời: "Đây là quy định do trường tự đặt ra " (!).

Trong bản tự kiểm điểm của em Thùy, thầy Lê Chí Hạnh, giáo viên chủ nhiệm của em cũng đã đề đạt ý kiến: "Em Nguyễn Thị Thùy là một học sinh ngoan, chăm học, lễ phép, có kết quả học tập đủ điều kiện lên lớp, nhưng không may vi phạm luật giao thông mà bị hạnh kiểm yếu phải ở lại lớp. Kính mong các cơ quan cấp trên xem xét cho em được lên lớp". Anh Nguyễn Đức Tịnh, cha của cháu Thùy chỉ biết thở dài: "Nếu cháu là học sinh hư hỏng, vi phạm an toàn giao thông ở mức gây nguy hiểm thì gia đình tôi cũng chấp nhận. Đằng này, chỉ với một lỗi vi phạm nhỏ mà cháu bị xem là hạnh kiểm yếu và phải ở lại lớp thì thật là thiệt thòi. Nhà chúng tôi thuộc xã vùng sâu, vùng xa, cách trường hơn 10 km, đường đầy đèo dốc, thêm một năm học là thêm một năm vất vả đi lại cho con cái".

Theo chúng tôi, Hội đồng giáo dục Trường THPT Trần Quốc Toản nên cân nhắc lại việc xử lý kỷ luật đối với trường hợp của học sinh Nguyễn Thị Thùy. Trong một môi trường giáo dục mà xử lý vi phạm của học sinh bằng các quy định cứng nhắc, không tính đến từng trường hợp cụ thể như trên thì sẽ thiếu sức thuyết phục. Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Quang, Chánh thanh tra Sở GD-ĐT Đắk Lắk nhận định:  "Hình thức xử lý của trường Trần Quốc Toản đối với em Thùy là quá nặng, bởi lỗi vi phạm của em là lỗi nhẹ, không cố ý, cũng không phải lặp đi lặp lại nhiều lần, không đáng phải bị trường giáng xuống mức hạnh kiểm yếu. Trường hợp này có thể giải quyết cho em Thùy được lên lớp".

        T.N.Q - V.C

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.