Du lịch giữa chiến trường Iraq

18/09/2007 21:34 GMT+7

Nhiều di tích cổ của Iraq đã bị phá hủy, nhiều khách sạn bị đánh bom, người dân bị tấn công hoặc buộc phải chạy trốn. Nhưng quốc gia vùng Vịnh này vẫn là nơi đáng viếng thăm, tất nhiên không dành cho người yếu tim.

Tình trạng bạo lực đã khiến du khách phải hoảng sợ, nhưng ông Mahmoud al-Yakouki, Chủ tịch Ủy ban Du lịch Iraq, cho biết đã có hơn 570.000 người đến thăm các ngôi đền Hồi giáo dòng Shiite ở miền nam nước này trong năm qua. Và ông hy vọng con số này sẽ tiếp tục tăng trong năm nay và những năm tới.

Theo Hãng tin Reuters, Al-Yakouki cho biết nhiệm vụ quan trọng nhất của ông hiện nay là đẩy mạnh du lịch tôn giáo, đặc biệt là ở Kerbala và Najaf nơi có những ngôi đền linh thiêng, vì những khu vực này tương đối an toàn. "Mỗi ngày có 1.500 người hành hương thăm viếng các khu vực này, chủ yếu là người Iran nhưng cũng có người Hồi giáo đến từ Bahrain và các nước khác. Chúng tôi sẽ gắng nâng con số này lên 2.500 người/ngày sau tháng chay Ramadan. Trước chiến tranh, Iraq đón 8.000 người hành hương mỗi ngày", ông thổ lộ.

Ủy ban Du lịch Iraq, được thành lập từ năm 1956, thường tổ chức đón các nhóm du khách ở cửa khẩu và đưa họ đến khách sạn, cung cấp dịch vụ nghỉ ngơi có phục vụ ăn uống gần các ngôi đền linh thiêng. Những lễ hội của người Hồi giáo dòng Shiite ở Iraq thường xuyên bị tấn công kể từ sau khi xảy ra chiến tranh vào năm 2003. Cuối tháng trước, nhà chức trách Iraq đã phải sơ tán người hành hương ở Kerbala sau khi có 52 người thiệt mạng trong các vụ xô xát.

Nhưng giới chức Iraq vẫn muốn đẩy mạnh du lịch. Hiện họ đang khôi phục hàng ngàn di tích cổ và có kế hoạch kêu gọi đầu tư nước ngoài nhằm xây dựng hoặc sửa chữa khách sạn ở các thành phố miền nam như Najaf, Basra, và trên bờ sông Shatt al-Arab vốn là đường biên giới tự nhiên với Iran. Khu vực do ông al-Yakouki chịu trách nhiệm quản lý bao gồm miền trung Iraq và miền nam. Theo Báo USA Today, khu vực miền bắc đã phần nào thoát được tình trạng bạo lực và hiện đang tận dụng ưu thế này để thu hút du khách, đặc biệt là người Ả Rập ở vùng Vịnh, mời gọi họ tham quan các di tích văn hóa và nghỉ dưỡng trên núi để tránh cái nóng của sa mạc...

Phần lãnh thổ do ông al-Yakouki cai quản không dễ "tiếp thị" chút nào. Những vụ bắt cóc và chặt đầu người nước ngoài làm việc cho các nhà thầu, báo chí hay các tổ chức khác đã khiến thủ đô Baghdad và khu vực lân cận mang tiếng là nơi hỗn độn và đáng sợ như hình ảnh của thủ đô Beirut trong cuộc nội chiến ở Li-băng vào những năm 80. Ít có hãng hàng không nào dám bay đến Iraq và người Iraq, chứ chưa nói đến người nước ngoài, thường sợ khi đi ra đường.

Theo Báo The Times, cách đây 2 năm, du khách đến Iraq không xa lạ gì với dịch vụ cho thuê đội an ninh với xe chống đạn, bác sĩ và cận vệ vũ trang cho một chuyến tham quan kéo dài chỉ nửa giờ ở Baghdad. Những du khách này cũng có thể thuê taxi ở Baghdad nhưng không có gì bảo đảm rằng họ có thể đến nơi họ muốn mà vẫn... còn sống! Tình hình ở khu vực tự trị của người Kurd dù được coi là an toàn hơn so với phần còn lại của Iraq cũng không khả quan hơn bao nhiêu. Theo Báo USA Today, những nỗ lực thu hút du khách ở vùng này vẫn bị hạn chế bởi những khuyến cáo đi lại mà chính phủ các nước đưa ra cho công dân của họ. Chẳng hạn, Bộ Ngoại giao Mỹ không phân biệt khu vực tự trị của người Kurd với phần còn lại của Iraq và vẫn tiếp tục khuyến cáo người Mỹ không nên sang Iraq.

Theo Reuters, Iraq chưa bao giờ là một địa điểm du lịch hấp dẫn nhưng là nơi có nền văn hóa, lịch sử đầy màu sắc, với các di tích Babylon và Sumer. Baghdad có các bảo tàng, cung điện và đền đài. Những nhà hàng cá ngoài trời nằm dọc theo dòng sông Tigris chảy ngang Baghdad và Basra một thời được mệnh danh là Venice của phương Đông... Tuy nhiên, để thu hút du khách đến Iraq không chỉ với mục đích hành hương mà còn để tham quan danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở đây cần không ít nỗ lực. Theo Báo The Times, người Iraq nhận thấy rằng có thể phải rất lâu nữa đất nước họ mới trở nên an toàn cho du khách. Nhưng họ hy vọng bạo lực rồi sẽ kết thúc và du khách đến Iraq lúc đó chỉ cần có máy ảnh và sách hướng dẫn du lịch là đủ. Còn bây giờ, du lịch Iraq có lẽ chưa thể dành cho người... yếu tim.

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.