Karl Rove - Khi “cánh tay phải” lìa xa ông Bush

29/09/2007 17:00 GMT+7

Chính trường nước Mỹ vừa chứng kiến sự giã từ của ông Karl Rove, một nhân vật tuy chỉ nắm chức Phó chánh văn phòng Nhà Trắng, nhưng lại là “cái đầu” của Tổng thống George W.Bush. Ông Rove là người cuối cùng thuộc “phe Texas” rũ áo ra đi để ông Bush phải một mình đối chọi với 17 tháng còn lại trong nhiệm kỳ của ông.

Karl Rove được xem là nhân vật “đạo diễn” tất cả những chính sách quan trọng của Mỹ. Ông kết thân với Tổng thống Bush từ 30 năm nay, kể từ lúc “xúi” ông Bush ra tranh cử nghị sĩ tại bang Texas nhưng thất bại hồi năm 1978 cho đến khi ông Bush đắc cử lần lượt làm Thống đốc Texas rồi Tổng thống Mỹ 2 nhiệm kỳ. Nhờ đâu một người học đại học gần 10 năm mà không lấy được bằng tốt nghiệp, lại trở thành một người thân cận của tổng thống Mỹ, đứng đằng sau hậu trường để điều binh khiển tướng, luận bàn chuyện thiên hạ?

Nhân tài học kém

Có thể nói trời đã phú cho ông Rove (tên đầy đủ: Karl Christian Rove) tài năng bẩm sinh về chính trị, lại xui khiến cho ông biết nhìn người, xem tướng người (sẽ trở thành quân vương) mà đầu tư cho tương lai.

Rove sinh ngày 25.12.1950, trẻ hơn đương kim Tổng thống Bush 4 tuổi. Lúc mới lên 9, Rove đã chứng tỏ tài năng chính trị bẩm sinh qua việc ủng hộ ứng viên Richard Nixon trong cuộc tranh cử tổng thống với John F.Kennedy. Lên học bậc trung học, Rove nhanh chóng phát triển khả năng tranh luận khi liên tục được bầu làm Chủ tịch Hội đồng học sinh và đến năm 1968 (17 tuổi), Rove chính thức gia nhập chính trường nước Mỹ khi đứng ra vận động tái tranh cử cho thượng nghị sĩ Wallace F.Bennett và thành công. Cũng qua cuộc vận động này, Rove trở thành bạn thân với con trai ông Bennett - Bob Bennett, sau này là thượng nghị sĩ đại diện bang Utah.

Con đường học vấn là một trong những vết xấu trong lý lịch của Rove. Năm 1968, Rove vào học ngành chính trị Đại học Utah nhưng đến cuối năm 1971 thì bỏ rồi ghi danh tiếp vào Đại học Maryland. Kế đến là Đại học George Mason (1973-1975) và Đại học Texas ở Austin năm 1977. Lý do đi học lâu như vậy chỉ có thể biện minh là vì Rove muốn trốn quân dịch vào thời điểm chiến cuộc Việt Nam sôi động sau chiến dịch tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.

Gặp ông Bush

Việc gần gũi rồi trở thành “người nhà” của gia đình Bush - một gia đình thế phiệt - không hề là ngẫu nhiên mà là có mục đích của Rove. Năm 1973 (22 tuổi), Rove xin làm Trợ lý đặc biệt (Special Assistant) cho ông Bush (cha). Nói là trợ lý đặc biệt cho oai vậy chứ công việc của Rove cũng đồng thời kiêm nhiệm làm những việc lặt vặt, riêng tư cho ông Bush, kiểu như “tà lọt” vậy. Nhưng cũng nhờ thế mà Rove mới làm quen được với ông Bush (con). Tháng 11.1973, Bush (cha) nhờ Rove đi đón Bush (con) trở về nhà trong kỳ nghỉ giữa học kỳ từ trường Kinh doanh Harvard. Đây là lần đầu tiên hai người gặp nhau mà sau này Rove nói là “đã tìm thấy quân vương” và quyết chí kết thân với Bush (con).

Năm 1978, khi Bush (con) lên 32 thì Rove xúi ra tranh cử ghế dân biểu Texas. Rove nhận định dù cho Bush (con) chưa có gì nổi bật nhưng nhờ gốc gác sinh trưởng trong một gia đình thế lực nên khả năng thành công rất cao. Nghe bùi tai, Bush (con) tranh cử và... thất bại mà nguyên nhân là vì Texas thời đó là “căn cứ địa” của đảng Dân chủ. Đến năm 1990, một lần nữa Rove lại xúi ông Bush ra tranh cử ghế thượng nghị sĩ nhưng lần này, ông Bush (con) không dám. Mãi đến năm 1993, sau khi ông Bush (cha) bị Bill Clinton hạ đo ván trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 1992, thì Bush (con) mới chịu nghe lời Rove tranh cử chức thống đốc Texas và thành công. Cũng từ đó, Rove trở thành cánh tay mặt không thể thiếu của ông Bush (con). Lúc đứng ra vận động tranh cử chức thống đốc Texas cho ông Bush (con) năm 1993, Rove đã có thừa kinh nghiệm. Còn nhớ cách đó 7 năm, hồi 1986, khi cuộc đua vào ghế thống đốc Texas giữa hai ứng viên Mark White của đảng Dân chủ và Bill Clements (tái tranh cử) của Rove được xem là “bên tám lạng, kẻ nửa cân”, thì bất ngờ Rove la toáng lên là văn phòng của ông bị đặt thiết bị nghe lén điện tử. Thế là Clements thắng cử và cánh Dân chủ cáo giác đó là mánh lới, thủ đoạn của “cáo già” Rove.

Quân sư của tổng thống

Có thể nói nghề nghiệp chính của Rove trước khi về đầu quân cho Nhà Trắng là cố vấn chính trị cho các ứng viên Cộng hòa. Ông là chuyên gia về vận động tranh cử với các thân chủ thuộc hàng chóp bu trên chính trường Mỹ. Tính đến nay, ông Rove đã từng tham gia cả thảy 41 cuộc vận động tranh cử, trong đó có 34 cuộc vận động thành công. Điều đó nói lên tầm ảnh hưởng của Rove trên chính trường nước Mỹ.

Thành công đáng nhớ của Rove là tham gia vận động tranh cử chức thống đốc bang Texas năm 1978, giúp ông Bill Clements trở thành vị thống đốc bang Texas đầu tiên của đảng Cộng hòa trong vòng 104 năm tính đến thời điểm đó. Rove được tưởng thưởng bằng chức Chánh văn phòng thống đốc. Đến năm 1981, Rove thành lập Hãng tư vấn Karl Rove & Co. ở Austin, Texas chuyên tư vấn, vận động tranh cử và điều hành hãng này cho đến năm 1999 thì bán nó đi để về đầu quân cho Nhà Trắng. Những thân chủ của Rove, ngoài đương kim Tổng thống Bush, còn phải kể đến thượng nghị sĩ John Ashcroft (tranh cử Thượng viện năm 1994), Thống đốc Bill Clements, thượng nghị sĩ John Cornyn (tranh cử Thượng viện năm 2001), Thống đốc Rick Perry (tranh cử Ủy viên Nông nghiệp Texas năm 1990), Phil Gramm (tranh cử Hạ viện năm 1982 rồi tranh cử Thượng viện 1984)...

Trên danh nghĩa, Rove là Phó chánh văn phòng (Deputy Chief of Staff) của Tổng thống George W.Bush cho đến ngày 31.8.2007 - một chức vị còn nằm dưới một số quan chức khác trong Nhà Trắng - nhưng vai trò của ông quá lớn, nên báo giới đã ví ông là “quân sư của Tonton”, “cái đầu của ông Bush”, “kiến trúc sư”..., một vị trí mà nhiều chính khách thèm thuồng, một vai trò mà nhiều chính khách nhắm tới: đứng đằng sau hậu trường, chỉ ngồi trong trướng mà điều binh khiển tướng, luận bàn chuyện thiên hạ. Nhìn các tấm hình bá vai bá cổ giữa Tổng thống Bush với Cố vấn Rove thì ai cũng hình dung ra tình thâm giao giữa hai người cũng như quyền lực thực sự của Rove. Bên cạnh danh nghĩa Phó chánh văn phòng, ông Rove nắm một số các chức danh khác. Ông là người đứng đầu Văn phòng Các vấn đề chính trị (Office of Political Affairs), Văn phòng Liên lạc công chúng (Office of Public Liaison) và Văn phòng Sáng kiến chiến lược (Office of Strategic Initiatives) của Nhà Trắng.

Về hưu?

Rove chọn con đường “tiến vi quan, thối vi sư”, lúc hanh thông thì làm quan đại thần, lúc sa cơ thì rút lui về dạy học. Ông còn dự kiến sẽ viết sách và dành nhiều thời gian cho gia đình. Ông buộc phải rút lui sau quá nhiều tai tiếng về các thủ đoạn chính trị: Từ lúc mới chân ướt chân ráo vào chính trường Mỹ với “vụ Dixon 1970” rồi gần đây là một loạt vụ việc như chủ xướng tấn công Iraq, vụ tra tấn tù nhân ở Guantanamo, tai tiếng về điện thư bất hợp pháp, lạm dụng quyền lực, rồi việc Rove thất bại khi thề sẽ giữ thế đa số của đảng Cộng hòa trong Quốc hội... Ông còn dám đoan chắc chiếc ghế trong Nhà Trắng sẽ vẫn là của người Cộng hòa nếu như phe Dân chủ tiến cử bà Hillary Clinton tranh cử tổng thống năm 2008.

“Vụ Dixon 1970” là một trong những điển hình về thủ đoạn chính trị của Rove: Mùa thu 1970, Rove dùng giấy tờ giả mạo gia nhập văn phòng vận động tranh cử ở Chicago của Alan J.Dixon, ứng viên đảng Dân chủ tranh chức Bộ trưởng Ngân khố bang Illinois. Không một ai chú ý đến anh chàng thanh niên 19 tuổi, cả khi Rove rời tổng hành dinh sau khi đã “chôm” 1.000 tờ giấy mời có tiêu đề của ông Dixon. Rove điền vào giấy mời dự buổi tiếp tân với những hứa hẹn “ma” như “ăn nhậu, chơi bời miễn phí” rồi đem phát cho những người nghiện rượu, các thành phần vô gia cư... Những người này đã làm gián đoạn buổi nói chuyện của ông Dixon nhưng dù bị Rove phá bĩnh như thế, ông Dixon vẫn đắc cử và rồi còn đi xa hơn khi trở thành thượng nghị sĩ Mỹ. Có điều lúc đó Dixon không biết là tay thanh niên phá đám ông còn tiến xa hơn. Sau này Rove thừa nhận đó là “việc làm ấu trĩ của tuổi 19 và tỏ ra ân hận”.

Có thể Rove buộc phải chọn con đường về hưu non vì suy cho cùng, giờ đây có muốn quay trở lại chính trường cũng thật khó bề. Trong bao nhiêu năm bên cạnh “quân vương” Bush, ông đã vắt tận óc hết mưu lược rồi còn gì. Các ứng viên tổng thống Mỹ thì không nghĩ là Rove còn chiêu thức gì mới. Còn các ứng viên đảng Cộng hòa tranh cử Hạ viện, Thượng viện thì không dám mời Rove vì sẽ phải trả tiền công cho ông cao quá. Còn nhớ thượng nghị sĩ Ashcroft năm 1994 đã trả cho công ty của Rove 300.000 USD tiền phí tư vấn, còn ông Bush (con) trả 340.000 USD trong cuộc vận động tranh cử thống đốc Texas năm 1993 và lúc vận động tái tranh cử 1998 phải trả đến 2,5 triệu USD. Đến khi ông Bush tái tranh cử tổng thống năm 2004 thì Rove quản lý đến 150 triệu USD tiền vận động tranh cử.  

 Lê Đình Bì

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.