Ông Cục phó "cục cơ sở"

11/10/2008 01:15 GMT+7

Nhiều câu chuyện cảm động về đại tá Hồ Thanh Đình được lưu truyền trong giới phạm nhân và ông cũng không phủ nhận, bởi: "Không có gì làm tôi vui mừng hơn nếu phạm nhân ra trại, hoàn lương"...

Người không nghỉ Tết

Mất khoảng hơn nửa tháng, hàng chục lần gọi điện, thậm chí chúng tôi tìm đến cả trụ sở Bộ Công an nhưng đều không gặp được ông. Lúc gặp được, vào một buổi chiều muộn ở Bộ Công an, Hồ Thanh Đình "kết hợp" làm việc luôn với giám thị trại Cây Cày Đặng Văn Ước, hỏi han tình hình dưới trại dạo này ra sao... Ông Ước kể: "Anh Đình thường xuyên xuống kiểm tra, chỉ đạo. Không chỉ Cây Cày, nhiều trại khác giờ đã cải tạo được môi trường sống sạch đẹp, tạo điều kiện cho phạm nhân sinh hoạt, học tập tốt hơn rất nhiều".

Có lần, mùng 1 Tết âm lịch, Hồ Thanh Đình bất ngờ tới kiểm tra một trại giam. Ông tập trung phạm nhân lại, hỏi "ở đây ai biết làm thợ hồ?". Nhiều phạm nhân giơ tay. Ông lại hỏi "thế ai biết làm rèn". Nhiều phạm nhân khác giơ tay... Hồ Thanh Đình nhắc nhở ban giám thị trại đó rằng: "Nhiều phạm nhân có năng lực, tại sao không tập hợp họ lại lập đội sản xuất, người này dạy người kia...". Rồi ông trực tiếp xuống tận các phòng giam, hỏi thăm sức khỏe phạm nhân, chỉ dạy họ từng chút một, từ cách gấp cái màn, treo bộ quần áo... Đến nay thì các trại giam Tống Lê Chân, Kênh 5, Kênh 7, Cây Cày... đều đã thay đổi rõ rệt bộ mặt. Phạm nhân đã không để giày dép trong phòng, vận động phạm nhân tự động bỏ thuốc lá...

 
Z - 30D, đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang đã được Đại tá Hồ Thanh Đình dày công xây dựng phát triển - Ảnh: N.L.N

Gần 3 năm đảm nhiệm chức Cục phó Cục V26, Hồ Thanh Đình đi cơ sở nhiều, đến mức, các trại gọi đùa ông là "ông Cục phó cục cơ sở". Ngày thường đã đành; thứ bảy, chủ nhật, lễ tết ông đều đi hết. "Anh em không nghỉ việc những ngày đó, chẳng nhẽ mình nghỉ?" - Hồ Thanh Đình tâm sự.

Tâm và tầm

Tôi nhớ lần xuống Z - 30D công tác cách đây 3 năm. Khi chúng tôi đang dọn dẹp đồ đạc, đích thân giám thị Đình xuống gõ cửa phòng, giục anh em lên ăn cơm với ban giám thị. Trước đó, buổi chiều ông đã đứng trầm ngâm rất lâu trước một công trình đang được xây dựng trong trại, căn dặn phạm nhân làm việc thật chăm chút, tỉ mỉ. Rồi ông gặp mặt lần cuối với một phạm nhân đã chịu án tại trại 20 năm tù. Chia tay, ông lấy tiền riêng tặng phạm nhân này, chúc về đoàn tụ, hoàn lương với cuộc sống...

 
Một buổi họp của cán bộ Cục V26 với hội đồng tự quản phạm nhân - Ảnh: N.L.N
Ngược lại thời gian, năm 1996, Hồ Thanh Đình trở thành giám thị Z - 30D. Lúc đó, Z - 30D đã là Đơn vị anh hùng, giám thị trước cũng được phong anh hùng. Thượng tá Nguyễn Thiết Hùng, giờ là phó giám thị Z - 30D kể: "Tiếp nhận một trại anh hùng không đơn giản. Sếp mình trước là anh hùng cũng là điều khó vượt qua. Nhưng anh Đình đã làm được, dám nghĩ, dám làm, đoàn kết nội bộ tốt, xây dựng, giữ và phát huy". Thời gian này, Hồ Thanh Đình được Cục V26 tín nhiệm giao làm Chỉ huy trưởng cơ sở huấn luyện chiến sĩ nghĩa vụ, hiểu nôm na là đào tạo lính mới cho ngành trại giam. Kiêm nhiệm nhưng tận tụy, từ 1996 - 2004, Hồ Thanh Đình chỉ huy, đào tạo cho ngành được 5.450 chiến sĩ.

Khi mà Z - 30D đã trở thành "mô hình cần nhân rộng", các trại miền Tây, Đông Nam Bộ tổ chức đến học hỏi, bạn bè quốc tế tới tham quan thì Hồ Thanh Đình vẫn bình dị như thế. Giám thị Z - 30D Trần Hữu Thông kể: "Có bữa, bạn bè tới, anh Đình vào tận bếp chỉ bảo anh em nấu ăn. Thậm chí anh tự tay nấu luôn". Khi lên làm Cục phó Cục V26, Hồ Thanh Đình vẫn nhớ lời dặn dò của thượng tướng Lê Thế Tiệm, Thứ trưởng Bộ Công an: "Hãy làm sao để nhân rộng điển hình tại Z - 30D, xây dựng các trại khác phát triển như vậy".

Phá án từ trại giam

Hồ Thanh Đình sinh năm 1956 trong một gia đình truyền thống cách mạng tại xã Phong Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Sau 26 năm từ lúc bắt đầu công tác tại ngành CA (năm 1979), tháng 8.2005, Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho 3 cá nhân xuất sắc của Bộ Công an, trong đó có Hồ Thanh Đình, hiện là Cục phó Cục V26, phụ trách khu vực miền Nam.
Có lần, Z - 30D tiếp nhận một phạm nhân tên B. án tù 15 năm về tội buôn bán ma túy. Hồi đó Hồ Thanh Đình còn làm giám thị trại này. Khi xem kỹ lại hồ sơ, ông phát hiện ra những điều rất đáng nghi ngờ: B. bị kết án 15 năm khi bị bắt quả tang buôn bán, tàng trữ... 15 tép ma túy! Đại tá Đình đặt dấu hỏi lớn về nhân thân và tổ chức hoạt động đứng sau B...

Có một dạo, phân trại nơi B. thụ án hay thường gặp cảnh giám thị Đình ngồi trao đổi rất chân tình với B... Từ đó, bằng những nghiệp vụ đấu tranh khai thác, đại tá Đình dần phác thảo được một đường dây buôn bán ma túy từ Nghệ An vô TP.HCM với những thủ đoạn tinh vi. Tất cả những điều này đã được lập hồ sơ, chuyển qua PC17, CA TP.HCM phục vụ cho công tác đánh án. Hồ Thanh Đình tâm sự: "Tôi làm vì trách nhiệm với ngành! Trại giam là một kho hồ sơ sống hỗ trợ công tác phòng chống tội phạm, nếu biết tận tâm khai thác".

Câu chuyện hoàn lương

Có câu chuyện làm Hồ Thanh Đình nhớ mãi: Z - 30D lần đó đón nhận một phạm nhân tên H., chịu án tù 14 năm. H. ở trại cải tạo, vợ cũng lên thăm nhưng lần nào cũng khục khặc, cảm giác chị rất mặc cảm với tội lỗi của chồng. Mặc dù bận nhiều việc nhưng giám thị Đình cũng nán lại, kêu hai người vô phòng hỏi chuyện. Sau đó, giám thị Đình đã bí mật chỉ đạo cho cán bộ, nếu lần sau chị lên thăm, phải sắp xếp cho anh chị này được ở "buồng hạnh phúc". Đây là một cơ chế thăm gặp đặc biệt dành cho những cặp vợ chồng, chỉ phạm nhân nào cải tạo tốt mới được hưởng. Quá đỗi bất ngờ vì không thể hình dung được mình lại được ở lại với vợ tại "buồng hạnh phúc", H. nghẹn ngào... Sau này, H. được đặc xá, vợ lên đón về, giám thị Đình cũng không còn biết họ đi đâu, sinh sống thế nào...

Bỗng ngày 29.12.2007, tức là khoảng 3 năm sau, đại tá Đình nhận được một cú điện thoại của H. Đúng ngày 1.1.2008, trong một bữa cơm gia đình, bè bạn thân hữu của H. tổ chức tại một nhà hàng Q.1, TP.HCM có một vị khách đến muộn. Nhác thấy bóng người quen, H. chạy bổ ra ôm chầm và khóc. Vị khách đó không ai khác là đại tá Hồ Thanh Đình. H. xúc động mà rằng: "Đây là ân nhân, người đã sinh ra ba lần thứ hai". Khi đó, con trai, con dâu, vợ H. đồng loạt đứng dậy... Không ai có thể ngờ rằng, ra tù, H. đã trở thành một con người hoàn toàn khác, là giám đốc một doanh nghiệp làm ăn được...

Nguyễn Lê Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.