Hồi ký Tài hoa ra trận của Hoàng Thượng Lân - Kỳ 3: Trận chiến đấu quyết tử

24/09/2005 21:07 GMT+7

Chiến đấu ở đây ư? Không thể được. Đằng sau lưng là sông, bọn địch có thể từ Đông Hà tràn qua (từ Đông Hà tới đây chỉ có 2 km). Địa hình khó khăn vô cùng. Tình hình thì cấp bách, chúng con bụng dạ vừa phân vân, vừa lo lắng. Trung đội trưởng ra lệnh: "Gắng sức lực, tất cả chạy vào xóm bên trái cố thủ ở đấy!".

Thế là chúng con đã liều lĩnh xé đường chạy trống không giữa ban ngày ban mặt. Máy bay quần trên đầu như một lũ mù, không phát hiện được. Bọn bộ binh trông thấy, bắn đuổi theo, đạn bay cao không một ai trúng cả. Con chạy thở không ra hơi, tim đập thình thình. Phần vừa hồi hộp, phần vừa đeo quá nặng nữa, mệt! Trong lúc rút vội vàng, chúng con đã bỏ lại ở Thượng Độ nồi nấu cơm, gạo, cơm nắm, muối... Chắc đã lọt vào tay địch rồi. Đơn vị DK sau khi bắn hết đạn, cũng đã vội vàng ném xuống ao nước giấu vì tụi nó đến nhanh và bất ngờ quá, không kịp mang theo, sau tối mò ra lấy lại.

Bọn địch cũng rất thông thạo địa hình. Một bộ phận nữa, chúng cho xe tăng đi trước ào nhanh vào phía xóm nơi chúng con vừa đến. Xóm này, hầm hố không có. Nguyên đây là vùng giặc đóng từ xưa tới giờ, chúng mới bỏ lên bốt, ta chưa ai dám vào sâu tới, thành thử công sự chiến đấu chẳng có cái nào cả. Cả thảy 19 người chúng con, giăng đều sau những rặng tre. Nước ngập tới đầu gối, lội lõm bõm. Bắt đầu nổ súng, đánh trả lại với điều kiện địa hình hết sức thuận lợi. Đây là xóm Đại Độ, khu ở của những người dân Công giáo. Trong khi đánh nhau, cả hai bên, ai cũng muốn chạy vào nhà thờ làm nơi ẩn nấp, chiến đấu. Một thằng Mỹ bỏ mạng ngay với con cũng vì ý nghĩ trên. Hắn lăm le muốn chồm sang phía nhà thờ. Con đã để ý sẵn, sau khi ngớt loạt đạn đầu, hắn cùng hai ba thằng nữa lom khom chạy qua quãng trống. Con bóp cò, hắn đổ vật ngay xuống. Mấy thằng kia chạy quay trở lại, nhằm vào con mà bắn không tiếc đạn.

Lúc căng thẳng nhất đó, con vẫn bình tĩnh lắm. Biết là sẽ rất ác liệt, và cũng có thể sẽ chết ở đây. Nhưng không phải vì hiểu thế để mà dẫn tới chỗ lùi bước, hoảng sợ. Đàng hoàng lắm, giờ nghĩ lại con vẫn thấy buồn cười và có chút tự hào về con: tự thưởng nhiều quấn thuốc lá hút sau một đợt tấn công của địch. Máy bay sà sát ngọn tre, kêu gọi "hồi chánh với chính phủ", con liền giơ súng lên, ngắm và làm cho một loạt. Nhưng rồi cái lo sợ nó đến ngay, anh em chúng con thay nhau chết và bị thương. Số người còn ở lại tuyến trước rất ít, đạn bắn đã bắt đầu thấy lẻ tẻ rời rạc... Một đồng chí phụ trách B41 bị pháo làm lòi ruột. Con trông thấy, cuống cả lên, nếu bỏ súng mà chạy tới băng cho đồng chí đó thì nguy hiểm vô cùng. Con là chủ chốt nhất vì lúc này, chỉ có loại súng của con mới phát hỏa mạnh được. Nhưng rồi con cũng trườn tới băng, băng một cách vội vàng. Sau này đồng chí đó cũng hy sinh nốt. Vết thương quá nặng và máu ra quá nhiều.

Trận đánh kéo dài suốt ngày. Pháo địch từ các nơi bắn về. Nổ chính xác vào đội hình của chúng con. Anh em bị thương, lui ra sau hết. Hai trực thăng vũ trang phành phạch bay đến, nhè vào chỗ chúng con ẩn nấp bắn không ngớt. Đạn cắm chíu xuống quanh con, nghe lạnh cả xương sống. Hầm hố không có, nên ai cũng cố gắng thu người lại cho thật nhỏ. Bọn địch hò hét om sòm. Con nghe rõ tiếng thằng Mỹ kêu, giọng the thé: "Gô... gô...". Thằng chỉ huy ngụy giọng khàn khàn, tiếng Quảng Nam: "Bên này! Bên này! Lên đi! Lên đi!"... Chúng nấp sau những gò mả, thỉnh thoảng mới nhú đầu lên. Lúc sau, thấy một lớp khói dày đặc, tạo thành bức màn bít cứng lấy mắt, không ai nhìn thấy gì nữa. Trong lớp khói đó, nghe tiếng súng nổ mà giật mình: bọn địch đã phóng khói mù, lợi dụng tiếp cận sát chúng con. Chúng con chuyển sang ném lựu đạn và bắn liên tục, không cho chúng tràn vào... Một giờ sau, thấy chẳng làm gì được bọn con, chúng nó lại phóng khói mù che mắt, rồi lùi xa ra sau, gọi pháo đến, bắn dồn dập... cây cối, nhà cửa tung tóe.

Địch không vào được trong xóm, điên cuồng gọi pháo, trực thăng vũ trang, phóng lựu, cối cá nhân, liên tục bắn vào chúng con. Tiểu đội con còn lại 3 người, con nói với Nguyên, ở phía bên kia mô đất: "Mày nhớ nhìn kỹ chỗ ấy, nó có thể bò vào đấy!". Lát sau, con lại gọi Nguyên, nhưng nó đã chết lúc nào không hay, ngồi ôm súng như ngủ gật. Thế là tiểu đội con chỉ còn có hai. Con và đồng chí tiểu đội trưởng giữ trách nhiệm một cánh. Chúng con lùi ra sau khoảng 20 mét, tìm vào một nền nhà đã cháy xém, kiếm được mỗi người một bao lúa làm ụ chắn đạn, tiếp tục đánh lại. Mấy băng đạn con tham mang đi, giờ lại có giá trị vô cùng. Bắn tha hồ, yên tâm lắm vì không lo thiếu đạn. Đồng chí tiểu đội trưởng còn mang theo được hai khẩu tiểu liên vừa lấy được lại ở hai đồng chí đã hy sinh.

Thời gian lúc này đã khoảng hai, ba giờ chiều. Phía gò mả cạnh một ao nước, hai chiếc xe tăng bị bắn cháy lúc sáng vẫn âm ỉ cuộn khói, thỉnh thoảng lại nổ đùm đụp vì đạn hãy còn trong xe.

Nhận thấy sức chống trả của chúng con có yếu đi, tụi Mỹ hò hét om sòm, chạy vụt qua vụt lại sau mấy cái mả. Có một thằng, con trông thấy rõ lắm mà bắn hai loạt vẫn không thấy nó chết. Sau con mới hiểu là nó đã chết ngồi như thế từ lâu rồi. Địch đánh lại mạnh, đạn xối vào chỗ chúng con như mưa, cả cái bao lúa đặt phía trước mặt con bị găm thủng "bùm píu" mấy lỗ. Đạn bay qua người con sát rạt, lạnh cả xương sống. Con cố dán người thật sát sau bao lúa và từ từ nâng khẩu súng chuẩn bị chờ ngớt tiếng đạn là di chuyển ngay khỏi chỗ nãy. Nhưng bỗng nhanh lắm và bất ngờ lắm, bàn tay phải của con bị hẫng, tê hẳn đi... Ngón tay cái của con đã bị trúng đạn, máu phun thành một tia nhỏ, đốt xương bị lồi bật ra, trông thấy những sợi gân nhỏ chưa đứt. Con gọi đồng chí tiểu đội trưởng, báo là đã bị thương, rồi vội vàng lấy tay trái mở cuộn băng cá nhân và cứ nằm sát bao lúa như vậy, vừa quấn bậy vào tay những vòng băng lộn xộn rối ren. Thực vậy, không thể nào mà bình tĩnh để băng bó được. Rảnh mắt một tí, địch có thể bò sát vào lúc nào không hay.

Súng hãy còn bắn được, phần đầu ruồi ngắm bị viên đạn làm cho méo xẹo hẳn đi. Con gọi sang đồng chí tiểu đội trưởng báo là vẫn bắn được nhưng chỉ ước lượng áng chừng mà bóp cò thôi chứ không ngắm được nữa. Hai chiếc F4 bay lượn hai vòng. Bọn địch thôi bắn, nhả pháo mù và lùi ra xa. Chúng con biết là chúng sắp bổ nhào bom vào trận địa. Khi chúng con đã thống nhất rút vào xóm, tìm hầm trú, và dọc đường chạy vào thì trên không, máy bay đã nhào xuống, cắt từng chùm 3 quả bom một, đen sì, lủng lẳng trên đầu. Nằm xuống, qua đợt bom lại chạy. Khói mù mịt, tai ù đặc. Hai đứa chúng con bị lạc nhau ngay sau đợt bom đầu tiên ấy. Con tìm được một cái hầm to, lao nhanh vào. Thân thể bị lắc vì bom nổ như đưa võng. Một cái xóm nhỏ như vậy mà phải chịu đến hơn ba chục quả bom quẳng xuống, cây cối đổ rào rào, đất đá bắn lên nóc hầm cứ bình bịch! Nằm trong hầm một lúc, con thiếp đi lúc nào không hay bởi đánh suốt ngày phải nhịn đói, mệt mỏi, lo lắng và máu ra nhiều. Khi con tỉnh dậy, nhìn ra ngoài thấy trời đã sắp tối rồi. Bốn bề yên lặng, vắng vẻ. Máu ở tay vẫn chảy rỉ rỉ, túi áo bị ướt nhiều vì máu, lúc ngủ con đã để tay lên ngực. Bây giờ mới thấy đau và buốt, người choáng váng.

Vắng lặng quá! Con lang thang hết hầm này sang hầm nọ, lần theo vết máu đã khô của mấy đồng chí thương binh trước đã lùi vào đây. Gọi xuống từng hầm một xem có bộ đội không, nhưng chẳng hề có lấy một tiếng đáp. Lang thang như vậy trong trạng thái hết sức cô độc, vắng vẻ đã làm con cảm thấy sợ. Té ra con là người cuối cùng còn sót lại đây.

Lên đến xóm trên thì trời đã tối mịt. Bà con cô bác thấy con bị thương, có người cứ cầm lấy tay con mà khóc. Họ nấu cơm cho con, pha đường sữa cho uống. Ở đây, con gặp lại đồng chí tiểu đội trưởng, đang nói mê sảng một điều gì đó và giẫy giụa mạnh. Đồng chí đó bị một viên đạn giắt sau đầu vì đã liều lĩnh bỏ xóm, chạy giữa đồng khi đợt bom đầu tiên tới. Tụi địch nằm ở giữa ruộng mà không biết.

Con nhớ mãi khuôn mặt của một em bé gái, tuổi độ 14, 15, xinh xắn và hiền hậu, cứ nhìn mãi con bằng cặp mắt trìu mến. Xới cơm cho con, chan cho con từng thìa canh một. Đồng bào trong Nam có những vùng sao họ tốt và thật lòng thương chúng con đến vậy?!

Đêm đó, trên đường ra Bắc chữa vết thương, tuy máu ra nhiều, chiến đấu suốt ngày mệt mỏi, nhưng nhìn anh em khác cũng mệt mỏi như con, con không nỡ nằm trên cáng cho anh em khiêng đi, nên đã kiếm được một cái gậy, gắng đi bộ ra với những anh em bị thương khác.

Thay đổi nhanh quá ba mẹ và các em ạ! Có phải thằng Lâm ngày nào còn đi học đi hành, hay đánh em và xấu chơi? Con đó! Con là Lâm đây! Con vẫn khỏe, và vẫn sống ở nơi đầu sóng ngọn gió này. Con hẹn ngày trở về để gặp gỡ và nói chuyện nhiều.

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.