Bất ổn trong công tác đền bù giải tỏa dự án Đại lộ Đông Tây

11/09/2005 23:30 GMT+7

Bà con có nhà đất bị giải tỏa để xây dựng dự án Đại lộ Đông Tây (TP.HCM) nói chung ai cũng tán thành và ủng hộ chủ trương của Nhà nước. Tuy nhiên, quá trình thực hiện công tác giải tỏa bồi hoàn của cơ quan chức năng có nhiều điểm gây cho bà con không đồng tình, chúng tôi xin nêu một số ý kiến bức xúc của những người trong cuộc:

 

Nhà, đất "cặp" sát Quốc lộ 1A nhưng lại áp giá đất nông nghiệp

 

Ông Đào Hữu Hoàng (ngụ tại 601, Quốc lộ 1, KP1, P.An Lạc, Q.Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) phản ảnh: Nhà, đất của ông nằm ở sát mặt tiền đường Quốc lộ 1A; ông có quyết định giao đất của UBND huyện Bình Chánh vào năm 1990 để làm xưởng sản xuất. Ông đã xây nhà và mở xưởng làm ăn từ đó đến nay. Khi thực hiện dự án Đại lộ Đông Tây, Ban Giải tỏa đền bù đã áp giá nhà đất của ông không đúng theo quy định trong phương án đền bù. Cụ thể, phần đất ngoài hạn mức của ông bị áp theo giá đất nông nghiệp (giá chỉ có 250.000 đ/m2) là không hợp lý.

 

Theo phương án số 164 ban hành kèm Quyết định số 4320/QĐ-UB của UBND TP  Hồ Chí Minh: "... Nếu phần diện tích khuôn viên đất ở còn lại ngoài 250m2 tính đền bù như sau: Nếu hiện trạng là đất ở thì tính đền bù theo đơn giá đất ở để tính đền bù trừ đi 100% tiền sử dụng đất phải nộp theo quy định". Nghĩa là: giá đất ở hiện nay được áp dụng cho trường hợp của ông là 3.250.000đ/m2, mức trừ nghĩa vụ tài chính là: 750.000đ/m2. Như vậy: 3.250.000đ - (100% x 750.000đ) = 2.500.000đ/m2 thì mới đúng theo phương án 164 nói trên.

 

Nhiều người dân khác cũng gửi đơn bức xúc nội dung tương tự. Chẳng hạn, trường hợp của ông Lương Văn Sổ (631/38, khu 1, P.An Lạc, Q.Bình Tân, TP.HCM). Nhà  đất của gia đình ông Sổ được xác định là đất thổ cư, sử dụng từ trước giải phóng đến nay, bị giải tỏa trắng để xây dựng đại lộ Đông Tây. Ngoài 250m2 đất trong hạn mức được bồi hoàn theo giá đất ở, phần còn lại 1.538,8m2 đất của gia đình ông cũng bị áp theo giá đất nông nghiệp. Ngoài ra, rất nhiều người dân ở đây có đơn phản ảnh: Các trường hợp khác cùng một khu đất cùng một dự án mà người dân nhận được giá cả bồi hoàn khác nhau.

 

Tiền thực nhận không sát với bản dự toán kinh phí bồi thường

 

Cùng ngụ tại khu vực nói trên, có 14 hộ dân cũng có đơn trình bày: "Theo yêu cầu của Ban Giải phóng mặt bằng Q.Bình Tân, để kịp bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, chúng tôi đã ký nhận tiền đền bù và đã bàn giao mặt bằng. Nhưng theo Bản dự toán kinh phí bồi thường hỗ trợ thiệt hại dự án Đại lộ Đông Tây trên địa bàn Q.Bình Tân (đợt II) ký ngày 2.8.2004 đã được Sở Tài chính phê duyệt ban hành kèm Quyết định số 4449/QĐ-UB ngày 10.9.2004 của UBND TP Hồ Chí Minh, trên thực tế số tiền chúng tôi thực nhận chênh lệch rất nhiều và có nhiều điểm không thỏa đáng...".

 

Qua đối chiếu các văn bản nói trên,  chúng tôi cũng thấy số tiền bà con thực nhận so với bản dự toán có sự chênh lệch đáng kể. Điều cơ bản là khi nhận tiền đền bù, bà con không thể nào có cuộc sống như chủ trương chung của Nhà nước: "bằng hoặc tốt hơn" khi chưa bị giải tỏa.

 

Chưa áp giá bồi hoàn mà đã cưỡng chế

 

Trường hợp của bà Hồ Thị Toàn (B4/2 ấp 2, xã Tân Kiên, Bình Chánh, TP.HCM) có đơn trình bày: "Toàn bộ khuôn viên nhà đất 2.343m2 tôi mua của Nhà nước vào năm 2000, thông qua đấu giá do cơ quan thi hành án phát mãi, được xác định là đất thổ cư và nhà phố, với giá 670,1 lượng vàng SJC. Sau khi thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước và được phép, tôi đã cải tạo thành khu hoa viên với các hạng mục nhà 3 tầng, mái đúc ngói, cổng bê tông cốt thép bao quanh, tường điêu khắc, nhà thượng uyển; cầu kiệu, hòn non bộ, nhà tranh cột bê tông cốt thép, vườn cây kiểng các loại. Nhưng khi nhận bảng chiết tính bồi thường, tổng số tiền tôi được nhận là 1.849.439.708đ cho 998m2 đất bị giải tỏa và bồi thường thiệt hại về xây dựng. Còn các khoản bồi thường khác như hòn non bộ, nhà thượng uyển, cầu kiệu, vườn cây kiểng... thì vẫn chưa có bảng chiết tính. Riêng phần đất khi tôi mua đấu giá được xác định là đất thổ cư, nhà phố, vậy mà khi bồi hoàn lại áp dụng là đất nông nghiệp, làm thiệt hại của tôi hơn 1 tỉ đồng. Nhận thấy sự bất hợp lý, tôi  khiếu nại. Trong khi chưa giải quyết khiếu nại của tôi, chưa có áp giá bồi thường cho tôi các khoản nói trên mà Ban giải tỏa đền bù đã cho mời tôi lên giao quyết định cưỡng chế. Tuy vậy, tôi cũng vẫn tiếp tục làm việc với Đội QLTT đô thị huyện Bình Chánh và thỏa thuận sẽ giao mặt bằng vào lúc 17 giờ ngày 21.3.2005. Thế nhưng biên bản vừa được ký chiều ngày 17.3.2005 chưa ráo mực, thì sáng 18.3.2005 chính quyền đã vi phạm thỏa thuận, đơn phương xuống cưỡng chế, đập phá nhà của tôi, vi phạm nghiêm trọng quyền lợi của người dân. Sau khi tiến hành cưỡng chế, ngày 21.3.2005, UBND huyện Bình Chánh cũng ra quyết định giải quyết khiếu nại. Nhưng tôi vẫn chưa đồng ý các khoản: về áp giá đất nông nghiệp, về công trình kiến trúc và về vườn cây kiểng. Riêng về vườn cây được trồng trong khuôn viên nhà tôi là công trình nghệ thuật chứ không phải là cây hoa màu hay cây ăn trái. Vấn đề này trong phương án đền bù cũng đã được xác định: Đối với các loại cây cảnh, công trình kiến trúc phải theo giá thị trường... Tuy nhiên, tôi cũng chỉ yêu cầu lấy giá vốn ban đầu, nhưng vẫn chưa được chấp nhận...”.

 

Những bức xúc của người dân nêu trên, chúng tôi thấy có cơ sở, đề nghị các cơ quan chức năng xem xét lại và có hướng trả lời thỏa đáng. Tránh tình trạng làm việc theo kiểu tùy tiện, gây bất bình cho người dân.

 

Hoàng Tạo

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.