"Mẹ con ngâu"

08/10/2008 23:38 GMT+7

Không thể nuôi con ở thành phố đắt đỏ, nhiều đôi vợ chồng công nhân trẻ đành gửi con về quê nhờ người thân nuôi hộ. Không phải là "vợ chồng ngâu" (theo tích Ngưu Lang - Chức Nữ mỗi năm gặp một lần) mà bây giờ là "mẹ con ngâu"...

Thân già nuôi cháu mọn

Hơn hai năm trôi qua, bà Ngô Thị Lan (thường trú tại xã Sùng Nhơn, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận) vẫn nhớ cảnh chia tay đầy nước mắt giữa ba con người: bà, con gái bà và thằng cu Móp - đứa cháu ngoại mới được 4 tháng tuổi. Chị Hiền - con gái bà khóc như mưa khi phải gửi con cho mẹ nuôi giùm, lên lại TP.HCM làm công nhân may. Con khóc, cháu khóc, bà cũng không cầm được nước mắt. Bà thương cho thân mình giờ này lại phải nuôi cháu dại thì ít mà thương cho mẹ con nó, vì hoàn cảnh phải tạm sống xa nhau thì nhiều.

Bà Lan nhớ lại: "Khi xa mẹ, cu Móp quấy khóc hơn nửa tháng trời. Tui phải ấp hắn trong cái võng cho hắn quen hơi dần". Trong khi đứa con ở nhà thiếu sữa khóc ngằn ngặt thì người mẹ trẻ ở nơi xa cũng bị "hành" vì hai bầu sữa cương cứng gây đau nhức và sốt. Mấy tháng đầu, chị Hiền gọi điện về hỏi thăm tình hình mà cứ khóc từng chặp trong điện thoại. Bà Lan áp tai cu Móp vào cho nó nghe tiếng mẹ... Bà Lan cho biết, mỗi tháng ba mẹ cu Móp gửãi về 500 ngàn đồng nuôi con, gần đây tăng lên được 700 ngàn đồng/tháng... Một số người hàng xóm của bà Lan cũng chung hoàn cảnh như vậy. Thậm chí, có người cùng lúc nuôi đến 2-3 đứa cháu. 

Trong khu nhà trọ thuộc khu phố 4, P.Linh Trung, Q.Thủ Đức, TP.HCM, chúng tôi từng gặp chị công nhân giày da tên Tuất với cái bụng bầu vượt mặt. Chồng chị là công nhân cơ khí. Hai vợ chồng thuê căn phòng chật chội, vừa đủ kê chiếc giường, giá phòng 350 ngàn đồng/tháng. "Có con đầu lòng, tụi em rất vui nhưng cũng lo nghĩ nhiều lắm chị ạ" - chị Tuất tâm sự. Trước khi sanh em bé, đôi vợ chồng này đã bàn tính nát nước xem đem con về quê (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) nhờ mẹ nuôi hay rước mẹ vào Sài Gòn. "Đồng lương công nhân eo hẹp, tính đường nào cũng khó cả. Nhưng có lẽ em sẽ về quê nương nhờ nhà mẹ ít lâu. Dù sao, vật giá ở quê cũng đỡ hơn nhiều lần so với đây" - chị Tuất thổ lộ.

Khi chúng tôi đặt vấn đề có chương trình nào hỗ trợ cho những đôi vợ chồng trẻ công nhân nuôi con nhỏ, anh Đào Quang Dũng - cán bộ Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân (thuộc Thành Đoàn TP.HCM) nói: "Đây cũng là vấn đề rất trăn trở của trung tâm. Gần đây, chúng tôi nhiều lần bàn bạc với ban điều hành Quỹ Hỗ trợ công nhân TP.HCM để tổ chức một số hoạt động nhằm giúp đỡ những gia đình này, đặc biệt xem xét thủ tục hỗ trợ cho con em công nhân có thể học tại TP.HCM...".

N.L

"Cô chú này là ai thế bà?"

Một buổi chiều thứ bảy, trong khu nhà trọ trên đường Bà Hom (xã Tân Tạo, huyện Bình Chánh, TP.HCM), cặp vợ chồng công nhân may Hoa - Thắng mừng rỡ đón bà mẹ già và đứa con của mình từ Tuyên Quang vào thăm. Khi bà nội bảo đứa cháu: "Chào bố mẹ đi nào!" thì con bé trố mắt: "Cô chú này là ai thế bà?". Chị Hoa rớt nước mắt, cuống quýt hôn con trong khi đứa bé khóc thét lên và cố chuồi khỏi vòng tay của chị. Đến khi chị Hoa lấy áo quần trong túi xách bảo con đi tắm, bé lại thắc mắc với bà: "Bà ơi! Cô này sao tự nhiên lấy áo quần của cháu thế?". Chị Hoa phân trần, do hoàn cảnh nên vợ chồng chị phải gửi con cho ông bà nội nuôi khi bé mới 5 tháng tuổi. Năm nay, cháu đã hơn 3 tuổi nhưng  bố mẹ mới sắp xếp về thăm con có một lần. "Nó quen hơi bà nhưng quên hơi mẹ mất rồi!" - chị Hoa nói như mếu.

Ông Phạm Văn Có - Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần may Sài Gòn 3 (P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức, TP.HCM) nhẩm tính có khoảng 500 công nhân có gia đình (với 1.013 con trẻ từ 15 tuổi trở xuống) trên tổng số 2.700 công nhân của công ty. Trong đó, có một số công nhân phải gửi con về quê, nhưng cũng có những người làm việc lâu năm dành dụm mua được những căn nhà nhỏ, đón người thân vào chăm sóc cháu bé trong những năm đầu. Đối với những công nhân thuê nhà trọ gần chỗ làm và có con đi học, công ty tạo điều kiện cho họ về đưa đón con trong khoảng thời gian từ 30 phút trở xuống. Đầu năm học, Đoàn thanh niên của công ty này còn tổ chức chương trình "Cùng tuổi thơ đến trường", quyên góp sách giáo khoa cũ tặng cho con em công nhân nghèo...

Chị Mãi (công nhân Khu chế xuất Tân Thuận) - hai tháng trước vừa gửãi con cho người chị ruột ở tỉnh Kiên Giang nuôi - cho rằng những công nhân có con nhỏ được một số công ty hỗ trợ, chia sẻ khó khăn như trên là "quá may mắn" và không nhiều so với vô số công nhân khác phải "tự bơi". Chị Mãi nói: "Con tui tui cứ để nó lớn lên và học dưới quê. Điều quan trọng là mình phải cật lực làm tăng ca để có tiền gửãi về nuôi con". Còn vợ chồng chị Hiền - ba mẹ cu Móp được đề cập đầu bài gần đây đã dùng toàn bộ số tiền tích cóp trong 6 năm trời (khoảng 15 triệu đồng) để xây căn nhà nhỏ sát nhà bà Lan. Đôi vợ chồng này dự định sau vài năm "cày bừa" quần quật nữa sẽ về quê an cư, gần gũi và bù đắp thiệt thòi cho con cái.

Như Lịch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.