Gợi mở “nút thắt” cho cuộc sống

22/11/2010 08:58 GMT+7

Với “lượng” tăng đột biến, cuộc thi Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học - Euréka năm 2010 vẫn giữ được chất trẻ.

Qua 2.113 đề tài dự thi, đặc biệt là 88 đề tài ở vòng chung kết, nhiều ý tưởng đưa ra hướng gợi mở thú vị cho cuộc sống đương đại.

Hòa cùng dòng thời sự

Nhằm cải thiện chất lượng nhà trọ cho công nhân nghèo, nhóm bạn Song Hưng, Lý Phong, Xuân Lộc, Kim Tú, Nhã Miên (Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM) đưa ra ý tưởng ngộ nghĩnh “Đưa “cảng” vào nhà”. Các bạn nói tình trạng vệ sinh kém ở những khu trọ rẻ tiền biến công nhân thành “miếng mồi ngon” cho các mầm bệnh và tệ nạn xã hội.

Trong khi đó hàng chục ngàn container đang tồn đọng ở các cảng TP.HCM. Nhóm bạn trẻ đề xuất thiết kế mô hình nhà ở bằng container dành cho công nhân gần nhà máy, khu chế xuất. Mỗi căn nhà bao gồm trang thiết bị đơn giản, thiết yếu cho cuộc sống.

Ngày 13-11, vòng chung kết Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học - Euréka lần 12-2010 do Thành đoàn TP.HCM và ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức đã diễn ra tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Dự kiến các đề tài xuất sắc nhất sẽ được trao giải vào ngày 5-12 tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM.

Đó là một trong hàng loạt đề tài từ vi mô đến vĩ mô trải khắp 11 lĩnh vực bám sát vấn đề thời sự. Nhóm bạn Cẩm Giang, Phương Thy, Anh Khoa (ĐH Kinh tế) mổ xẻ vấn đề nhảy việc của lao động trẻ có trình độ đại học trở lên tại TP.HCM. Thùy Dương, Mỹ Thu, Thanh Hà, Nguyễn Thị Hiến, Thủy Tiên (ĐH KHXH&NV) phân tích ảnh hưởng của gia đình đối với vấn đề giáo dục giới tính ở tuổi THPT qua khảo sát thực tế tại Trường THPT Nguyễn Huệ (Q.9, TP.HCM). Bính Cường (ĐH Mở) đưa ra sáng kiến cải tiến thẻ sinh viên... thông minh hơn nhằm giảm tải hiện tượng sinh viên vây kín các văn phòng trường trong mùa cao điểm.

Khi bắt tay nghiên cứu lĩnh vực tài nguyên môi trường, Vũ Thị Bách (ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM) nghĩ nhiều về tình trạng giá ximăng tăng cao theo nhu cầu nhà ở. Bách chọn đề tài “Nghiên cứu tận dụng phế phẩm nông nghiệp làm vật liệu xây dựng”. Bách về nông thôn hỏi xin vỏ trấu đem về nghiên cứu tại hai phòng thí nghiệm trường. Ngoài giờ học, bạn miệt mài loại bỏ tạp chất, kiểm tra tính hấp thu nước, đúc mẫu với ba thí nghiệm nhỏ và kiểm tra tính cơ lý của mẫu.

Khởi nguồn từ trái tim

"Tôi thông cảm với cảm giác của các bạn khi lắng nghe những lời nhận xét của ban giám khảo, cảm giác khi đề tài của mình chưa được đánh giá cao. Nhưng tôi tin các bạn cũng như tôi: hiểu mục đích hướng thiện đưa mình đến với các nghiên cứu khoa học, bởi đó mới thật sự là thành công của chúng ta"

TS NGUYỄN THANH THỦY
(Trung tâm bảo đảm chất lượng Trường ĐH Quốc tế TP.HCM)

Đề tài “Giải pháp xây dựng và bảo vệ công trình nhà ở nông thôn vùng bão miền Trung VN” tạo ấn tượng tốt với ban giám khảo. Phan Văn Sinh (ĐH Kiến trúc TP.HCM) đề xuất xây nhà tập trung và so le nhau dựa vào địa hình khu vực để cản gió. Mỗi căn nhà xây thêm một phòng bằng bêtông cốt thép kiên cố đủ sinh hoạt trong vài ngày bão hoành hành. Đối với những căn nhà trụ trên vùng đất yếu ven biển thì móng phải sâu 1,5-2m.

Nổi bật hơn cả về tính nhân văn là đề tài “Thử nghiệm chỉnh âm cho trẻ em bị hội chứng Treacher Collin” (một rối loạn gen hiếm gặp gây dị dạng nghiêm trọng khuôn mặt) của nhóm sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Suốt bốn tháng ròng, các bạn đều đặn đến khoa phục hồi chức năng làng Hòa Bình (Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM). Hương Giang, Thu Hiền, Tô Thị Nga và Minh Tâm thay phiên nhau lôi kéo sự chú ý của bé Minh Thành (7 tuổi) trước khi tiến hành quá trình chỉnh âm.

“Bé có đôi tai nhỏ xíu, khuyết đường dẫn truyền thính giác, không có hốc mắt, biến dạng hàm... Bọn mình tham gia những trò chơi theo ý bé, dần dần dạy bé lắng nghe và phát âm. Khi học và thi... nhại tiếng kêu của các loài động vật với bọn mình, bé tỏ ra khá hào hứng. Giờ bé đã phát âm được các nguyên âm đôi, chuỗi 3-4 âm tiết...”, Hương Giang chia sẻ.

Khi đoạn clip về bé Minh Thành học cùng các anh chị sinh viên được phát kèm phần thuyết trình, hội đồng thi lặng im. Như một phép bổ sung ngọt ngào, đề tài “Xây dựng phương tiện điện tử hỗ trợ mở rộng vốn từ và chỉnh âm” của Hải Lê, Minh Luân, Minh Châu (ĐH Sư phạm TP.HCM) lần nữa đưa ra sáng kiến hỗ trợ giáo viên mầm non giảng dạy trẻ khiếm khuyết ngôn ngữ.

Tuy còn những đề tài chưa được đặt tên phù hợp, chi phí lớn... nhưng nhiều ý tưởng “sống cùng thời cuộc” của các bạn trẻ được ban giám khảo đánh giá cao ở mục đích tốt, đúng quy trình nghiên cứu.

Anh Nguyễn Công Tĩnh - giám đốc Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ Thành đoàn TP.HCM - nói: “Sau khi cuộc thi kết thúc, các đề tài xuất sắc sẽ được chuyển giao cho các đơn vị có nhu cầu. Chỉ đáng tiếc là các doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm, vừa để thúc đẩy phong trào nghiên cứu trong giới trẻ vừa đem lại lợi ích không nhỏ cho đơn vị”.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.