TNS John Kerry trên trường đua vào Nhà Trắng

31/01/2004 19:59 GMT+7

Richard Hornik là một trong những nhân vật quan trọng của The TIME, ông chính ông là người đóng góp quan trong trong việc chọn các “nhân vật trong năm” của The TIME trong hai thập kỷ qua, trong đó có Đặng Tiểu Bình . Ông cũng từng có mặt tại Việt Nam từ năm 1991 - 1993. Thanh Niên xin giới thiệu bài viết của ông về bầu cử Tổng thống ở Mỹ và chiến thắng sơ bộ của Thượng nghị sĩ John Kery - một cựu binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam...

Gần ba thập kỷ kể từ khi Hoa Kỳ chấm dứt sự hiện diện quân sự tại Việt Nam, hầu hết những người Mỹ dưới 40 tuổi chỉ còn những khái niệm mơ hồ về những gì đã xảy ra tại cuộc chiến tranh này. Trong khi đó cá nhân những chính khách như cố Thứ trưởng ngoại giao Việt Nam Lê Mai hay các chính khách Mỹ như Thượng nghị sĩ (TNS) John Kerry và John McCain đã có những nỗ lực đáng kể trong đầu thập niên 90 để hàn gắn những vết thương do cuộc chiến để lại giữa hai quốc gia. Bình thường hóa các quan hệ ngoại giao và thương mại đã tạo ra những mối liên hệ ngày càng chặt chẽ giữa người Mỹ và người Việt Nam. Quan hệ thương mại cũng như du lịch ngày càng phát triển. Tất cả những bước tiến triển đó sẽ đẩy nhanh mối quan hệ đến cái ngày mà người Mỹ nhận ra, như ông Lê Mai đã từng nói “Việt Nam là một quốc gia chứ không phải là một cuộc chiến.”

Quả như vậy, đây là năm bầu cử Tổng thống Mỹ, lịch sử những gì các ứng cử viên Tổng thống từng làm trong chiến tranh Việt Nam luôn đóng một vai trò khá quan trọng. Trong Sáu tháng qua, tiến sĩ Howard Dean, cựu thống đốc của tiểu bang Vermont miền Nam nhỏ bé dường như là một ứng cử viên hàng đầu của đảng Dân chủ, người có thể tranh đua chiếc ghế Nhà trắng với đương kim Tổng thống Bush trong cuộc bỏ phiếu tháng 11 tới. Quan điểm rõ nhất của ông Dean là chống đối mạnh mẽ quyết định xâm lược Iraq của Tổng thống Bush hồi năm ngoái. Trong khi đó hầu hết các đối thủ đáng gờm của ông trong đảng Dân chủ thoạt đầu đều đồng ý với quyết định của Tổng thống tấn công Iraq, nay quay sang nói rằng họ đã bị Tổng thống lừa.

Nhưng trong tuần qua, ông Dean đã thất bại trong hai cuộc bầu cử sơ bộ quan trọng đầu tiên trong cuộc đua với TNS Kerry. Nước Mỹ là một quốc gia chia rẽ. Nhiều người nghĩ rằng Tổng thống Bush đang làm rất tốt công việc của mình. Những người khác – phải đến hơn 1/3 dân chúng – phản đối mạnh mẽ chính sách của ông cả đối nội lẫn đối ngoại. Dean đã tạo ra được một hình ảnh phản đối Tổng thống Bush và đã lôi kéo được nhiều người quan tâm đến chính trị, những người trước đây hoàn toàn thờ ơ với lĩnh vực này. Ông Dean và nhưng người ủng hộ ông đã sử dụng tài tình hệ thống Internet để chuyển tới các thông điệp của ông và đã thu được hàng triệu đô-la từ sự đóng góp tình nguyện cần thiết cho cuộc đua vào chiếc ghế ông chủ Nhà Trắng. Nhưng khi các cuộc bỏ phiếu bắt đầu tại bang Iowa và tuần này là tại New Hampshire (cả hai bang đều là nông nghiệp và nhỏ), thì sự ủng hộ cho ông bắt đầu thuyên giảm, và cái tên John Kerry bắt đầu nổi lên nhanh chóng.

Richard Hornik (Thành viên Hội đồng Đối ngoại Mỹ, cựu giám đốc Tin tức của The TIME viết riêng cho Thanh Niên từ New York)

Lý do khiến hầu hết cử tri dành sự ủng hộ cho TNS John Kerry đó là cái gọi là yếu tố “khả năng chọn lựa” trong chính trị Mỹ – tiềm năng để thu hút phần lớn dân chúng Mỹ. Cử tri mặc dù thích ông Dean và các quan điểm của ông, nhưng họ cũng cảm thấy ông có thể xa lánh những cử tri trung dung – những người không ghét cũng như yêu ông Bush. Trong khi đó TNS Kerry là một chính trị gia ổn định hơn, mặc dù ông không phải là một chuyên gia hùng biện cũng như không thật sự là một nhân vật có khả năng thu hút quảng đại quần chúng.

Sự nghiệp của TNS John Kerry trong Hải quân Mỹ tại Việt Nam khiến ông có một vị trí khác so với các ứng cử viên còn lại, nhưng không phải vì người Mỹ đánh giá cao sự nghiệp quân sự đối với chức vụ Tổng thống. Đơn giản chỉ là vì sự nghiệp quân sự của TNS John Kery bảo vệ ông khỏi sự chỉ trích của Tổng thống Bush trong một chiến dịch tranh cử như thế này. Từ hơn một năm qua chính quyền của Tổng thống Bush luôn nhắm đến bất cứ ai phản đối Tổng thống và các chính sách đối ngoại của ông và gắn cho họ cái mác là không ái quốc. Về điểm này thật khó mà chỉ trích những người như TNS Kerry. Điều này hoàn toàn có cơ sở bởi vì chính Tổng thống cũng chỉ gia nhập Lực lượng quân Dự bị – một đơn vị chỉ đóng quân bên trong nước Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Trong thực tế, một số đối thủ giờ đây thậm chí đã tố cáo ông Bush chưa hoàn thành nghĩa vụ quân sự dù là tối thiểu nhất.

Một ứng cử viên khác có một sự nghiệp quân sự đáng nể, là một viên tướng đã về hưu gần đây - Wesley Clark, Tư lệnh của khối NATO. Ông nay có một sự nghiệp nhà binh hoàn hảo. Nhưng thành tích chính trị của ông thì hầu như không có gì để cử tri có thế đánh giá những chính sách mà ông ủng hộ.

Tóm lại TNS John Kerry hiện đang nhận được ủng hộ để có thể trở thành ứng cử viên của đảng ra tranh cử với tổng thống Bush vào tháng 11 tới, nhưng quá trình lựa chọn một ứng cử viên về cơ bản phải đến giữa tháng 3 mới ngã ngũ. Hiện sức nặng chủ yếu của TNS John Kerry đó là yếu tố “khả năng chọn lựa” và đà thắng thế mà ông đã giành được từ hai chiến thắng quan trọng đầu tiên. Dĩ nhiên điều đó chưa đủ để đưa ông đến thành công cuối cùng.

Phải hiểu rằng hoat động quân sự của ông tại cuộc chiến Việt Nam chỉ bảo vệ được ông từ những lời chỉ trích sự ái quốc. Cử tri Mỹ sẽ không xem hạat động này như một biểu hiện lớn lao để có thể trở thành Tổng thống. Người Mỹ hiện nay không còn trong trí nhớ những hình ảnh không đẹp về Việt Nam. Điều đơn giản là cuộc phiêu lưu quân sự gần đây nhất của chính quyền My tại Iraq đã chia rẽ quốc gia không khác gì cuộc chiến Việt Nam. Và với những gì diễn ra trong cuộc bầu cử này - quá trình hình thành cái nhìn của người Mỹ đối với Việt Nam như một quốc gia chứ không phải là một cuộc chiến đang tiếp tục diễn ra và ngày càng mạnh mẽ.

Xuân Danh (dịch)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.