Phụ nữ với nghề “hổng giống ai”!

03/10/2006 22:00 GMT+7

Chứng kiến con bù kẹp (bò cạp) đen trùi trũi quơ đôi càng bò tới lui trên cánh tay chị Kim Ba, nhiều phụ nữ đã xanh máu mặt hết dám nhìn. Hồi lâu mấy cô mới hoàn hồn, lao nhao mỗi người một câu nhưng câu hỏi được quan tâm nhất là: "Nó cắn có nhức không hả chị?".

Không chỉ phái yếu mà cánh nam nhi chứng kiến chị Kim Ba (chợ Xuân Tô, Tịnh Biên, An Giang) thản nhiên chụp mấy con bù kẹp, nhền nhện hùm đang bò lổn ngổn phải le lưỡi phán một câu: "Bà này gan quá, nó mà chích chắc chết!". Nghe khách tán thưởng, chị Kim Ba cười xòa và chỉ ra bí quyết... hổng giống ai và nghe xong chắc cũng chẳng ai dại dột đưa tay thử cho bù kẹp chích. Chị Ba khôi hài nói: "Bù kẹp chích đau thấu trời nhưng nếu là nữ bị nó chích lấy tay vỗ lên vai chồng là hết đau liền, còn nam thì vỗ lên vai vợ". Nghe chị bày vẽ, khách bán tín bán nghi: "Vậy chớ mấy người chưa lập gia đình thì sao?". Chị Ba nói tỉnh rụi: "Thì... ráng chịu chớ làm sao bây giờ (?!)".

Nếu ở chợ biên giới Xuân Tô có nhiều phụ nữ bán côn trùng "thứ dữ" như chị Kim Ba thì gần khu vực chùa Hang (ấp Hòn Chông, xã Bình An, huyện Kiên Lương, Kiên Giang) cũng có nhiều chị chuyên bán côn trùng, bò sát. Bước chân tới đây, chúng tôi đã bắt gặp nhiều chuồng chứa tắc kè, sóc, nhen, bù kẹp... Một chị khá đứng tuổi nhìn ống kính chúng tôi khá dè dặt và trả lời tên Năm, ở Châu Đốc, An Giang. Năm năm trước, do không có nghề nghiệp ổn định nên chị Năm theo bạn bè qua đây bán côn trùng, bò sát riết rồi quen. Mỗi khi thấy khách lạ tới, chị Năm lại mau mắn chào mời: "Con sóc lớn giá 40.000 đồng/con, tắc kè con 20.000 đồng. Mua phóng sinh hay nuôi nó đi mấy cô cậu, thịt tắc kè ngon lắm, làm rượu thuốc là món đại bổ".

Chị Năm hệch hạc kể: "Mấy ngày đầu hổng quen, tay chân luống cuống, thấy bù kẹp cong đuôi lên giơ càng tôi đã run, còn tắc kè ban ngày nhìn lờ đờ như người say rượu nhưng chụp bắt chậm tay là nó đớp lại liền. Bị bù kẹp chích đau thấy... mụ nội luôn, nhức sưng phù cả tay, thân thể nhức buốt nóng lạnh từng chặp, phải xức thuốc thoa dầu vài ngày mới hết. Tắc kè cắn trời gầm mới nhả, máu chảy ra đau thấu xương... Mà làm như tui bị chích, bị cắn hoài nên miễn nhiễm hay sao á. Riết rồi chỉ thấy tê tê như ong chích, kiến vàng cắn". Chị Năm quên kể một điều, đó là khi thấy kiểm lâm tới phải ôm thau, chuồng tắc kè, bù kẹp đi giấu. Tới chừng kiểm lâm qua thấy tay tê tê nhìn xuống mới hay do vội quá bị bù kẹp "kẹp", tắc kè cắn rỉ máu lúc nào không hay... (!).

Ở gần chùa Hang, những phụ nữ bán tắc kè, sóc như chị Năm hầu như tay chân đều tơi tả với vết răng, vết chích của các loài bò sát, côn trùng dữ tợn này. Và không chỉ tiếp xúc với những loại "nho nhỏ hiền lành" như đã kể trên, một số chị em còn táo bạo nuôi cả rắn. Người dám làm bạn với rắn ri tượng là chị Phạm Thị Tiến, Phó bí thư chi đoàn ấp Hòa Thành, xã Vĩnh Bình Nam, Vĩnh Thuận. Chị Tiến nuôi loài bò sát "uốn éo", thân mình trơn trợt này từ năm 2000. Năm đầu "quân số" chỉ vài con, đến nay qua công chăm sóc cho rắn đẻ, số rắn ít ỏi ngày nào đã tăng lên trên... 390 con! Chị Tiến nói, nếu hên gặp ngay lúc cao điểm, rắn ri tượng giá 40.000đ/kg là người nuôi lời khẳm, vì loại rắn này dễ nuôi và dễ đẻ. Chị nhanh tay lôi mấy con rắn đang trườn bò như lôi mèo nuôi rồi nói tỉnh queo: "Ban đầu bắt chúng cũng sợ thấy mồ nhưng riết rồi quen. Rắn ri tượng, ri voi cắn không độc, chỉ đau chút chút...". Nghe chị nói, nhiều khách bạo dạn chụp thử, chưa đụng tới con rắn nhưng thấy nó ngoe đuôi ngóc đầu chờn vờn "táp", không ai bảo ai đều le lưỡi lắc đầu, rụt tay lại hết trơn!

Cách đây không lâu, một đồng nghiệp chúng tôi khi viết bài "món ăn chuột đồng" khiến các cô bạn là dân thành thị bán tín bán nghi tra hỏi: "Thiệt không, bộ bà dám săn chuột mần thịt hả?". Đó là bạn tôi săn chuột có sự hỗ trợ của mấy chú cẩu tinh khôn, chứ tay không bắt chuột còn sống nhăn cô ấy làm sao được! Nhưng nếu có về xã Tân Hiệp, thị xã Tân Hiệp, Hậu Giang, các bạn trẻ thị thành chắc phải lác mắt với "công nghệ diệt chuột" bằng tay.

Chị Nguyễn Thị Hạnh trên 10 năm bán chuột biểu diễn cho chúng tôi xem bằng cách đưa tay không chụp "cái vèo" tóm ngay đuôi con chuột cơm đang há miệng hăm dọa. Nghe chát một tiếng, con chuột đã nằm bất tỉnh sau cú quật. Chị Hạnh cho biết chụp chuột là phải chụp ngay đầu, hoặc đuôi. Sau đó giữ khoảng cách an toàn sao cho con chuột có trở đầu tìm cách cắn cũng không cắn trúng tay được thì mới gọi là... cao thủ! Chị Hạnh bỗ bã: "Chuột cơm nhỏ nên nó hung tợn tới đâu cũng không sợ. Mấy con chuột bự chảng ở rừng đước, rừng tràm mới ớn. Con nào con nấy đen thui, dữ tợn tới mức dám cắn lại chó mèo nữa. Tui bị nó cắn ngay tay hoài, nó khôn lắm, cắn thật đau để mình không chịu nổi buông tay ra, vậy là nó chạy thoát. Mấy ngày đầu bán chuột tôi đã bị nhiều vố đau như vậy và hàng chục con chuột đã thoát thân".

Đi đây đi đó, chúng tôi mới chứng kiến quả là nhiều phụ nữ miền Tây làm nghề... hổng giống ai. Nào là bán các loại sâu bọ nhìn phát khiếp như con đuông, bọ cũi, mối; bán bò sát nọc độc như rắn hổ mang, rắn lục ở chợ rắn Phụng Hiệp, chim bìm bịp... Tự dưng tôi nghĩ hổng biết phái nữ bất ngờ gặp con sâu, con chuột, tắc kè hay con rắn trong tủ áo, tủ chén trong nhà... thì có ai dám tay không chộp bắt như các nhân vật kể trên không nhỉ!

Ngọc Nhung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.