Nông dân điêu đứng vì dứa cayenne

23/09/2005 09:47 GMT+7

Ông Nguyễn Công Tụng là người đã trúng thầu cung cấp giống dứa cayenne để đầu tư cho nông dân trồng dứa tỉnh Đồng Nai. Giờ đây những nông dân này đang tán gia bại sản do cách làm ăn gian dối của ông Tụng

Ông Nguyễn Công Tụng, nguyên giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu ngũ cốc (Grainco) thuộc Bộ NN-PTNT, vừa bị lực lượng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Bộ Công an bắt tạm giam. Trước đây, ông Tụng cũng đã làm cho nhiều nông dân ở Đồng Nai dở sống, dở chết.

Lời chào mời có cánh

Theo lời kể của ông Lê Tiến Thụy, chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Phước Bình (xã Phước Bình, huyện Long Khánh, tỉnh Đồng Nai), năm 2001, trước khi triển khai cho dân trồng dứa để làm vùng nguyên liệu, cán bộ kỹ thuật của Công ty Grainco, thuộc Bộ NN-PTNT, xuống khảo sát và nhận định vùng đất này có thể trồng được giống dứa cayenne nhập từ Trung Quốc, loại dứa trồng được ở vùng cao nhờ có khả năng kháng hạn. Người dân trong khu vực mừng như mở cờ trong bụng. Bởi lâu nay người dân chỉ quanh quẩn với 2 cây: bắp và mì. Mỗi năm chỉ thu nhập trên dưới 10 triệu đồng/ha.

Cũng theo lời chào mời của phía nhà đầu tư, mỗi hécta chỉ cần đầu tư 40 triệu đồng để trồng 50.000 chồi. Vụ đầu tiên, người dân có thể thu hoạch được từ 40-50 tấn/hécta, giá bán theo hợp đồng ký với Công ty Grainco là 800 đồng/kg, tiền đầu tư coi như thu lại gần đủ. Sang vụ 2 và vụ 3 là thu lãi ròng.

Không ngờ lại gặp giống dỏm

Với mơ ước được nhanh chóng thoát nghèo bằng chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Năm 2001, ngay thời gian đầu triển khai Công ty Grainco, hai anh em nông dân Ngô Ngọc Dũng, xã Phước Bình, thông qua HTX Phước Bình, đã ký hợp đồng với Công ty Grainco để trồng 2 ha. Grainco đầu tư cho anh Dũng 100.000 chồi giống dứa cayenne Trung Quốc (do Công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng nông lâm nghiệp của ông Tụng cung cấp cho Grainco), với giá 816,14 đồng/chồi. Tổng cộng số tiền anh Dũng được Grainco đầu tư thông qua hình thức cung cấp giống là trên 80 triệu đồng. Thế nhưng sau khi trồng được khoảng 5 tháng, hơn 70% diện tích dứa đã bị chết. Gần 30% diện tích còn lại, mặc dù đã nỗ lực chăm sóc, nhưng cũng không “trụ” lại được. Đến giữa năm 2003, toàn bộ diện tích dứa của anh Dũng bị... xóa sạch. Theo ông Thụy, không chỉ anh em nông dân Dũng bị trắng tay mà toàn bộ 17 ha dứa cayenne mà HTX đại diện ký hợp đồng để Grainco đầu tư cho nông dân trồng cũng bị chết sạch sau vài tháng trồng, không hộ nào thu hoạch được trái.

Ông chủ nhiệm Thụy dẫn chúng tôi ra vườn, nơi ông còn để lại khoảng trăm chồi, được chăm sóc đặc biệt, mặc dù cây vẫn phát triển xanh tốt, nhưng đã gần 5 năm nay, chưa một cây nào cho quả. “Cho rằng dứa chết do thiếu nước tưới chưa thuyết phục. Bởi người bạn tôi cùng nhận giống một đợt, trồng ở nông trường Thọ Vực (huyện Long Khánh). Được tỉnh Đồng Nai đầu tư hệ thống tưới, màn che, nhưng kết quả cũng... trắng tay!” - ông Thụy nói.

Trở thành con nợ

Giấc mơ làm giàu chưa được thực hiện, thì hiện nay nhiều nông dân trồng dứa cayenne ở Đồng Nai đang là con nợ của nhà đầu tư. Theo tính toán của anh Dũng, với 100.000 chồi giống mua nợ, cộng với lãi suất 7,32%/năm, hiện anh đang nợ Công ty Grainco xấp xỉ 100 triệu đồng. Còn với cả xã Phước Bình, số tiền nông dân nợ không dưới 1 tỉ đồng.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, phát triển cây dứa cayenne là một chương trình quốc gia, trong đó Đồng Nai là một trong nhiều địa phương như Thanh Hóa, Phú Yên, Nghệ An, Bình Định, Quảng Nam... được chọn để triển khai. Toàn tỉnh Đồng Nai có diện tích trồng gần 300 ha, mặc dù chưa có số liệu thống kê con số cụ thể, nhưng tính đến thời điểm này diện tích dứa đã trồng bị chết gần hết. Tổng số tiền thực tế nông dân đang mang nợ nhà đầu tư là 7,1 tỉ đồng.

(Người Lao Động)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.