Phận người bên con rạch Ụ Cây - Kỳ 3: Khi cơn lốc tệ nạn ùa qua

28/09/2007 09:11 GMT+7

(TNO) “Chẳng ai ngờ, phía sau ngôi chợ Ba Đình – một khu đô thị tấp nập của quận 8, nằm sát nách quận 5, quận 10- lại tồn tại hàng trăm phận người sống tách biệt với cộng đồng, tạo nên một thế giới riêng, cô lập. Cả năm, không thấy bóng dáng anh cảnh sát khu vực xuống địa bàn nên khu này cứ gần như là … “khu tự trị”. Vì thế, khi cơn lốc tệ nạn ùa qua vào giữa những năm 90, xóm này đã có non chục người chết vì ma túy và đại dịch AIDS. Vậy mà hiện tại, trong xóm vẫn còn đó hàng chục thanh thiếu niên mới "nhổ giò" đang lao đầu vào con đường tệ nạn…”. – Cô Lư Thị T. (một gia đình công chức hiếm hoi trong xóm) khẳng định như vậy khi trao đổi với Phóng viên Thanh Niên Online…

Đối mặt với tệ nạn xã hội

Đi vào xóm chưa đầy 50m, tôi đã thấy người lớn ngồi chiếu nhậu, thanh niên lập sòng bài sát phạt, rượu chè ngay giữa hẻm, mặc người qua lại… Một người biết chuyện nói: "Cái xóm này chắc bị bỏ rơi rồi. Xóm thì nằm khuất dưới gầm cầu Nguyễn Tri Phương, muốn vào xóm phải chui gầm cầu. Trong khi đó xóm lại nằm phân nửa bên phường này, phân nửa bên phường kia nên công an muốn vào bắt đánh bài, họ chỉ cần di chuyển vài mét là qua phường khác, không làm gì được…"

Lẽ đó, trước khi  tôi vào xóm, dù đi chung với anh Phương (Tổ trưởng tổ  Dân phố 83, khu phố 5, phường 9, quận 8 - nơi có Xóm bộ lạc) nhưng một người dân tốt bụng vẫn dặn với theo : “Mấy chú vào đó nên cẩn thận, lơ mơ bị ăn “đòn” đó. Xóm từ trước đến nay vẫn được xem như một khu tự trị”. Người này giải thích, sở dĩ anh nói vậy  là do bao thế hệ sinh sống ở đây đa phần đều sẵn sàng ăn thua với người lạ khi vào xóm và họ xem đó là sự phòng thủ.

Trước mắt chúng tôi là những thanh thiếu niên tóc nhuộm xanh đỏ, xỏ lỗ tai tụ tập cà phê, cờ bạc ở đầu xóm, dưới chân gầm cầu Nguyễn Tri Phương, rồi văng tục, chửi thề inh ỏi. Ông chủ quán nước gần con hẻm vào xóm buồn bã: “Ở đây bọn trẻ chơi bời, trộm cắp, đánh nhau công khai như chốn không người”.

“Nói đâu xa, mới đêm hôm qua, tôi nghe râm ran đầu hẻm có nhà hô hoán bị bọn kẻ trộm đột nhập. Ngó lên mái tôn nhà mình nghe rột rạt, biết tên trộm đang bò qua mái nhà tẩu thoát mà đâu có dám la. Hô lên chắc chắn cả nhà sẽ không yên thân…” - Cô Lư Thị T. bức xúc nói.


Gầm cầu Nguyễn Tri Phương, hiện được xem là nhà của nhiều thanh thiếu  niên xóm bộ lạc (Ảnh: Đ.T)

Còn theo anh Phương,  buổi tối, nhất là vào khoảng tầm 11-12 giờ đêm, không ai dám vào xóm này, vì ở ngay đầu xóm (dưới gầm cầu Nguyễn Tri Phương) có khi trong một tuần xảy ra vài vụ trấn lột tài sản người đi đường. Chưa hết, dưới gầm cầu Nguyễn Tri Phương hiện được xem là nhà của những thanh thiếu niên hư hỏng trong xóm. Chúng tụ tập nhậu nhẹt, ăn ngủ và hút chích ma tuý ngay dưới  gầm cầu… Từ đây, đã có không ít đứa trẻ vô thừa nhận được sinh ra với không ít bà mẹ chưa đến tuổi thành niên.

Tan nát những mái ấm gia đình

Ngôi nhà của chị  Nguyễn Ngọc D., dù diện tích chỉ có hơn 15 m2 , nhưng lúc nào chị cũng thấy trống vắng, đìu hiu. Gia đình chị trước đây có mẹ già và 3 chị em (2 gái, một con trai út tên Nguyễn Ngọc M.) nương tựa nhau, mua bán nhỏ kiếm sống qua ngày.

Dù nghèo, nhưng chị D. vẫn cố lo cho em trai học hết cấp 3. Sau đó, cho M. vốn để làm hàng vàng mã bỏ mối cho các sạp ở chợ quận 5, quận 8. Cứ ngỡ cuộc sống đạm bạc nhưng chị em yêu thương, đùm bọc nhau sẽ mãi êm đềm trôi qua. Thế nhưng, vào giữa những năm 90, khi cơn lốc ma túy ùa vào xóm, Ngọc M., đã bị cuốn theo. Đau đớn, nhưng chị vẫn cầm cố và vay mượn khắp nơi để có tiền lo cho M. cai nghiện. Hết lần này đến lần khác, cứ cai rồi lại nghiện. Đến lần cuối thấy em trai thật sự ăn năn hối cải, quyết làm lại cuộc đời thì một lần nữa tai hoạ ập xuống mái nhà lè tè của chị em chị D. khi chị nhận được kết quả xét nghiệm của M., với dòng chữ dương tính HIV. Mọi thứ sụp đổ, hy vọng tan tành, M. ra đi trong cảnh khánh kiệt của gia đình


Chị Nguyễn Ngọc D. bên bàn thờ người em trai Ngọc M. - Ảnh: Đ.T

Tất nhiên, những hộ có con em vướng vào con đường tệ nạn, ma túy hầu hết đều có những kết cục buồn. Ông Trần Văn Tr., chỉ chiếc xích lô cũ rích để ở phía trước ngôi nhà chật hẹp mà ngậm ngùi: “Miếng cơm bây giờ của vợ chồng già tôi đó. Có thằng con là trụ cột gia đình thì lại theo bạn, theo bè trong xóm vướng vào ma túy và mới chết cách đây 3 năm”. Ông Tr. từng khuyên con từ bỏ ma túy, song cũng đành bất lực. Ông rầu rĩ: “Tôi đã biết trước kết cục này. Giờ tôi chỉ biết cố gắng cho đứa cháu nội được học hành nghiêm túc, đến nơi đến chốn và hướng nó thành người tốt”.


Bác Trần Thị My với mơ ước được ở trong ngôi nhà rộng và sạch hơn - (Ảnh: Đ.T)

Tôi hiểu, khi thắp lên hy vọng cho tương lai, ông Tr. đang nhắm vào thế hệ thứ ba. Bởi ở xóm này, lứa thanh niên như con trai ông hầu như thất học hoặc học dở dang. Thật bất ngờ, trong chuyến thực tế này, chúng tôi cũng tình cờ biết được những đứa trẻ  trong xóm hiện tại được cha mẹ chúng đặt cho những cái tên đầy hy vọng, như :Sang, Phú, Quí,…

***   ***    ***

Trước khi rời Xóm bộ lạc, tôi ghé qua nhà bác Trần Thị My, một cư dân kỳ cựu trong xóm và được bác My tâm sự: ”Hiện tại, người dân nghèo nơi đây đang từng ngày ấp ủ hy vọng về kế hoạch giải toả khu vực xóm bộ lạc (đã có kế hoạch từ lâu). Họ sẽ dời nhà vào chung cư hoặc những khu tái định cư sạch sẽ, khang trang hơn. Theo đó, một cuộc sống mới với biết bao hy vọng thoát nghèo, đổi đời sẽ dần thành hiện thực… Lúc ấy, cái danh xưng "xóm bộ lạc" bị xóa sổ nhưng chắc chắn không ai buồn mà chỉ vui thôi…”.

Đỗ Thông-Ngọc Hậu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.