Chính phủ Đức cứu Hypo Real

07/10/2008 10:46 GMT+7

* Châu Á thúc đẩy thành lập quỹ dự phòng Chính phủ cùng các ngân hàng và các nhà bảo hiểm Đức cuối cùng cũng đạt được thỏa thuận về gói cứu trợ 50 tỉ euro (68 tỉ USD) để cứu Tập đoàn cho vay thế chấp Hypo Real Estate sau khi cuộc đàm phán ban đầu thất bại.

Theo thỏa thuận này, Bộ Tài chính Đức đồng ý nâng mức hạn tín dụng cho Hypo Real vay lên gấp đôi, đạt 30 tỉ euro. Đồng thời, chính quyền liên bang đảm bảo mức hạn tín dụng này sẽ được giữ nguyên trong thời gian tới. Thỏa thuận này cao hơn so với đề xuất ban đầu trị giá 35 tỉ euro đã thất bại.

Trước đó, Chính phủ và Ngân hàng trung ương Đức cùng tuyên bố rằng Hypo Real, tập đoàn cho vay bất động sản lớn thứ hai nước này, là doanh nghiệp quá lớn nên không thể để sụp đổ. Trong lá thư gửi bộ trưởng tài chính, Ngân hàng trung ương Đức và Cơ quan điều phối tài chính BaFin đều cho rằng nếu không cứu Hypo Real có thể “gây những hậu quả không lường được đối với hệ thống tài chính và nền kinh tế Đức - tương tự những gì đã xảy ra sau sự sụp đổ của Tập đoàn tài chính Lehman Brothers ở Mỹ”.

Thủ tướng Đức hôm 5.10 tuyên bố sẽ bảo đảm tất cả các tài khoản tiết kiệm cá nhân gửi trong các ngân hàng nhằm xoa dịu nỗi lo dư luận về tính ổn định của hệ thống ngân hàng. Tổng trị giá của số tiền bảo lãnh có thể lên đến 500 tỉ euro (tức lớn hơn khoản tiền cứu trợ 700 tỉ USD của Mỹ). Hiện đã có Đan Mạch cũng theo Đức tuyên bố bảo đảm an toàn cho tiền gửi của người dân trong khi Anh đang cân nhắc phương án này.

Trong diễn biến khác, BNP Paribas, ngân hàng lớn nhất nước Pháp, đã đồng ý trả 14,5 tỉ euro (19,8 tỉ USD) để nắm quyền kiểm soát các chi nhánh của Ngân hàng Fortis ở Bỉ và Luxembourg. Những động thái này đã không có tác động gì nhiều khi các chỉ số chứng khoán tại thị trường châu Á trong ngày hôm qua vẫn tiếp tục sụt giảm. Torsten Slok, một nhà kinh tế tại Deutsche Bank AG ở New York, nói “có lẽ giờ là lúc cần một giải pháp phối hợp mang phạm vi toàn cầu hơn… không chỉ là Mỹ và châu u”. Hiện Thủ tướng Đức Angela Merkel vẫn phản đối phương án hành động chung này vì cho rằng “mỗi quốc gia phải chịu trách nhiệm ở tầm nhà nước của mình”. 

Trong lúc này tại châu Á, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản đang cố đẩy nhanh việc sớm thành lập một quỹ 80 tỉ USD nhằm bảo vệ châu Á khỏi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Đại diện bộ tài chính các nước này cùng nhóm họp tại Washington trong ngày hôm qua để bàn thảo việc này và cho rằng quỹ sẽ có tác dụng phòng ngừa hiệu quả.

Thanh Tuấn / Báo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.