Bão tan, nỗi khổ chưa tan

05/10/2006 14:10 GMT+7

Bão Xangsane đã đi qua nhưng ở những vùng quê Đà Nẵng, Quảng Nam dấu vết bão vẫn còn hiển hiện...

Cẩm Lệ, nỗi đau quận trẻ

Cẩm Lệ (TP Đà Nẵng) là quận trẻ nhất Đà Nẵng, nằm ở 16 độ vĩ bắc, trên đường cơn bão đi qua. Sáng sớm ngày thứ hai sau bão, anh Trần Văn Phi, Phó chủ tịch UBND quận, gọi cho tôi: “Cẩm Lệ cầu cứu! Bà con đang rất khó khăn!” . Tại đây có ít nhất 3 người chết và 65 người bị thương trong bão, 21 người nặng nhất vẫn còn cấp cứu, điều trị tại bệnh viện. Nhiều thiệt hại khác khá nặng nề: sập đổ trên 1.500 căn nhà, tốc mái trên 11.000 căn. Bà con đổ xô đi mua tôn và đinh mũ nhưng cung không đủ cầu, đành phải tiếp tục ăn nhờ ở đậu. Nhằm khắc phục phần nào hậu quả, các đơn vị cảnh sát, bộ đội trên địa bàn đã điều động 3.400 chiến sĩ xuống 6 phường giúp dân. Quận đã chi tiếp 10 triệu đồng/phường để mua mì gói, nước uống cho hàng ngàn gia đình nạn nhân.


Chiếc xe của doanh nghiệp Sơn Hải (Cẩm Lệ) bị gãy đôi trong bão - Ảnh  ĐNK

Anh Trần Văn Phi chưa kể những thiệt hại khác của các đơn vị kinh tế đóng trên địa bàn, là những đơn vị thường tài trợ, giúp đỡ người dân khi bị thiên tai. “Nay họ cũng bị nạn, quận chẳng biết kêu gọi tài trợ từ đâu!”. Anh nói rồi nhấn mạnh: “Đau đầu nhất là trong 24 trường học các cấp bị bão đánh, có đến 14 trường bị tốc mái 100%! Việc khắc phục ở ngoài tầm tay của quận”.

MIền tâm bão hoành hành

Rời Cẩm Lệ, chúng tôi vòng lên đường 14B đi Hòa Khương, Hòa Phong - vùng đầu gió của huyện Hòa Vang. Tan tác như một bãi chiến trường. Những vệt dài cây cối và nhà kiên cố gãy đổ. Đây gần như là điểm tụ hội của những vòng xoáy lốc dữ dội vùng tâm bão. Không biết có phải do Hòa Khương, Hòa Phong là vùng “nhà quê” thuộc huyện nên ít được báo đài quan tâm? Nhiều người dân thôn Cẩm Toại Trung, Hòa Phong tha thiết nói: “Cả thôn nhà ai cũng bị bão nặng. Đã mấy ngày không thấy nhà báo nhà đài tới nơi…” .

Do chiều 2/10 nước còn ngập sâu gần 1 km nên người ta phải dùng ghe chở xe người và xe máy vào thôn. Theo hướng tay chỉ của chị Phùng Thị Tân, chúng tôi thấy xa xa trên đồng nước mênh mông hình dáng của một chiếc quan tài. “Tội nghiệp, người vừa chết là một bà mẹ trẻ đang có bầu”.


Đường từ Hòa Khương về Hòa Tiến bị chia cắt - Ảnh  ĐNK

Hòa Khương, Hòa Tiến cũng gặp nhiều khó khăn. Dành dụm cả đời xây dựng ngôi nhà, giờ đây bão đánh tan hoang. Nhiều nhà như nhà anh Tiền ở xóm dưới An Trạch đổ sập. Lúa bắp trong nhà bị ướt nhẹp. Sách vở học hành của các con anh cũng phải phơi mấy hôm mới khô. Điện thoại của vùng này bị cắt mấy hôm nay, muốn liên lạc với anh em, người thân phải chờ có ai ở Đà Nẵng về mới có điện thoại di động gọi nhờ...

Ở vùng B Đại Lộc

Rời Hòa Vang, chúng tôi hành quân tiếp lên vùng B Đại Lộc, Quảng Nam. Toàn huyện có 6 người chết, 50 người bị thương, Trên 4.600 căn nhà bị sập, hơn 21.000 căn nhà bị tốc mái. Nhiều cụm công nghiệp nhỏ bị bão lũ tàn phá. Thiệt hại vật chất ước tính trên 500 tỷ đồng. Dù đã có 200 chiến sĩ được cử đến giúp người dân vùng B, từ Đại Hòa lên Đại Phong, dựng lại nhà nhưng chủ yếu vẫn là “dân giúp dân” trong và sau bão.

Chiều 3/10, huyện xuất 40 tấn gạo dự trữ cứu trợ còn tôn và đinh mũ để lợp lại nhà thì đồng bào tự chạy. “Thiếu trầm trọng vậy mà các đại lý ngoài Đà Nẵng còn điện vô hỏi mua. Hiện nhiều nhà dân phải che chái tạm…”. Người thường trực UNBND huyện than thở, trước khi chúng tôi thẳng hướng vùng B. Anh Lê Toản ở thôn Thanh Vân, xã Đại Cường đang loay hoay trên nóc nhà vừa bị bão hốt hết tôn. Cả gia đình 5 người nay ở tạm dưới hai tấm tôn sót lại. Ở làng Ô Đà xã Đại Minh, nhiều gia đình đang sửa lại nhà sau mấy chục tiếng đồng hồ dầm chân trong nước lụt Vu Gia.

Trưởng thôn Quảng Huệ (xã Đại Minh) Lê Duy Linh cho biết: “Cả thôn có trên 100 ngôi nhà chỉ có 4 nhà không tốc mái. Số còn lại bay nửa mái hoặc cả mái! Bão hơn cả năm Thìn (1964), còn lụt thì có phần nhẹ hơn. Cũng may nhờ nằm dưới gầm bàn hoặc chui vào ổ rơm tránh bão nên không ai chết , bị thương”.

Điều không ai muốn...

Bão mang đến tang thương nhưng rồi với tinh thần lạc quan, sau bão hai ngày cạnh việc khắc phục những hậu quả ban đầu, bà con ở các vùng bão đi qua đã bắt đầu đi vớt củi nguồn tấp về ven sông, phơi phóng lúa bắp kể cả cùi bắp để làm chất đốt. Những nụ cười lại nở trên môi dù bà con biết rằng vẫn còn đó rất nhiều khó khăn mà họ phải nỗ lực vượt qua.

Tạm biệt họ, chúng tôi thầm nghĩ, nhờ dự báo sớm và chính xác cũng như chiến dịch sơ tán người đạt kết quả cao nên trong cơn bão vừa qua đã hạn chế tối đa thiệt hại về nhân mạng. Tuy nhiên, dấu tang thương vẫn còn in rõ trên mặt đất vùng tâm bão đi qua. Một căn nhà trị giá 50-100 triệu đồng là sản nghiệp dành dụm cả đời của họ nay đã mất. Một tấm tôn, vài ký đinh để dựng lại nhà là mong mỏi bây giờ của những nông dân như anh Lê Toản. Hơn lúc nào hết đồng bào bị nạn đang cần sự chi viện của đồng bào cả nước. Chẳng ai trong chúng ta mong gặp cảnh ngộ buồn: bỗng dưng màn trời chiếu đất, bỗng dưng thành kẻ không nhà!

Đặng Ngọc Khoa

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.