Nhà thầu chính Nhật Bản (TKN) chịu trách nhiệm toàn bộ!

30/09/2007 01:37 GMT+7

* Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng xin lỗi người bị nạn, thân nhân họ và toàn thể nhân dân * 49 người chết, 82 người bị thương, 3 người còn mất tích * Vẫn chưa xác định nguyên nhân thảm họa * Nhà thầu TKN không chỉ phải bồi thường cho những người bị nạn mà còn phải chịu tất cả các chi phí cứu nạn, khắc phục hậu quả * Giám đốc Công ty Vĩnh Thịnh: “Gần 10 người có mua bảo hiểm tai nạn” * Những nỗ lực tìm kiếm cuối cùng

Cuộc họp báo diễn ra lúc 15 giờ 30 ngày 29.9 ngay tại văn phòng của nhà thầu chính ở hiện trường. Dù vậy, ngay từ 14 giờ 45, lúc cánh cửa phòng họp báo vừa hé mở, các phóng viên đã tràn ngập căn phòng. Tất cả đều nóng lòng chờ đợi sự xuất hiện của đại diện Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và liên danh nhà thầu chính. Đây là lần đầu tiên nhà thầu chính xuất hiện và trả lời chính thức báo giới kể từ lúc vụ sập cầu xảy ra.

“Chúng tôi thành tâm xin lỗi”!

Mở đầu cuộc họp báo, với nét mặt rất buồn, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng nói: "Đây là sự cố công trình và tai nạn lao động nghiêm trọng nhất của ngành GTVT. Dù bất luận do nguyên nhân nào, với tư cách Bộ trưởng Bộ GTVT, Bộ được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực GTVT, tôi xin gửi lời xin lỗi đến toàn thể nhân dân, những người bị nạn và gia đình họ... Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan khẩn trương xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm để xảy ra sự cố, nhanh chóng ổn định tình hình, sớm tìm ra giải pháp khắc phục nhằm bảo đảm cho quá trình thi công tiếp theo đúng tiến độ và chất lượng công trình...".

Đại diện liên danh nhà thầu Taisei-Kajima-Nippon Stell (TKN), ông Kanji Hayama (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Taisei) nói: "Chúng tôi, nhân danh nhà thầu TKN là nhà thầu xây dựng công trình cầu Cần Thơ, từ đáy lòng mình, xin thành thật bày tỏ lời chia buồn sâu sắc về sự cố gây nên tổn thất lớn về sinh mạng xảy ra vào sáng sớm ngày 26.9.2007 vừa qua".

Nhà thầu chính phải chịu trách nhiệm toàn bộ

Thanh Niên: Người dân cả nước, các cơ quan, lực lượng chức năng, các nhà lãnh đạo... không thể ngồi yên nhìn đồng bào mình bị nạn và đã dốc sức người, sức của cứu nạn, khắc phục hậu quả thảm họa. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng mọi tổn thất liên quan đến thảm họa này, không chỉ thiệt hại về người về của tại công trình mà các phí tổn nhân lực, vật lực cứu nạn đều phải do nhà thầu chính chịu trách nhiệm. Các ông sẽ bồi thường như thế nào?

Ông Kanji Hayama: Chúng tôi cũng suy nghĩ như vậy. Việc chúng tôi chịu trách nhiệm như thế nào sẽ được bàn bạc với các cơ quan hữu quan để đáp ứng. Chúng tôi xin được cảm ơn người dân Việt Nam đã đóng góp tiền bạc, công sức cứu trợ người bị nạn. (Trao đổi với Thanh Niên ngay sau khi cuộc họp báo kết thúc, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết ông hoàn toàn đồng tình với cách đặt vấn đề của Thanh Niên. Ông cũng cho biết điều đó đúng theo hợp đồng đã ký với nhà thầu chính).

Thanh Niên: Trước hết với những người bị thương, thân nhân những người đã chết, nhà thầu sẽ thể hiện trách nhiệm cụ thể như thế nào?

Ông Kanji Hayama: Chúng tôi xin lỗi dù biết những người đã mất không thể trở về. Tất cả những đáp ứng đối với gia đình gia quyến của người đã tử nạn cũng như người bị thương, chúng tôi sẽ làm với tất cả khả năng và thành ý của mình. Cụ thể như thế nào chúng tôi sẽ bàn bạc với Bộ GTVT.

Đại Đoàn Kết: Ở các nước, sau một sự cố nghiêm trọng như vậy Bộ trưởng thường từ chức. Xin hỏi Bộ trưởng có ý định từ chức không?

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: Tôi xin nhắc lại là nhà thầu chính chịu trách nhiệm. Bộ GTVT chịu trách nhiệm về mặt quản lý nhà nước. Còn việc tôi có từ chức hay không phải chờ đánh giá nguyên nhân sự cố, lúc đó chiếu theo pháp luật thì Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm đến đâu. Nếu lúc đó Bộ trưởng chịu trách nhiệm chính, tôi sẽ nghĩ đến việc từ chức.

Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng thông báo, đến trưa 29.9, số người chết là 49; số người bị thương là 82; số người mất tích là 3. Trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên, Bộ trưởng cho biết việc dọn dẹp đống đổ nát chỉ có thể thực hiện sau khi tìm được hết số người mất tích.

Phương pháp thi công, vật liệu có gì bất ổn?

Tuổi Trẻ: Giàn giáo sau khi xây dựng có thử tải không? Ai duyệt kết quả thử tải giàn giáo?

Một đại diện khác của nhà thầu (gọi tắt là nhà thầu): Giàn giáo đã được thử tải đạt đúng tiêu chuẩn kỹ thuật. Đây là lần thứ hai giàn giáo được sử dụng. Việc thử tải do liên danh chúng tôi thực hiện.

Reuters: Xi măng sử dụng cho công trình là xi măng gì, xin cho biết nguồn gốc vật liệu?

Nhà thầu: Xi măng chúng tôi sử dụng là xi măng Nghi Sơn, các loại vật liệu xây dựng được nhập khẩu từ Nhật.

Tiền Phong: Có thông tin trụ B14 có cọc chịu lực đóng không đủ độ sâu cần thiết do gặp vật cứng, vấn đề này thực sự như thế nào?

Nhà thầu: Không có chuyện đó, chúng tôi đã khoan được và đóng cọc đầy đủ.

Tuổi Trẻ: Có thông tin về việc một kỹ sư Nhật trước đó đã có cảnh báo về việc giàn giáo chỉ đạt 15% yêu cầu chất lượng, có đúng không?

Nhà thầu: Chúng tôi không hề nghe có thông tin này.

Đại Đoàn Kết: Chúng tôi có thông tin về việc xử lý một trụ tạm (chống giàn giáo giữa 2 trụ chính) không chuẩn, hồ sơ lưu vụ việc này cũng không có, vì sao? Các ông có xem đó là giả thiết về nguyên nhân sự cố không?

Nhà thầu: Quả thực có hiện tượng trụ tạm lún, trong số các giả thiết về nguyên nhân sự cố có đặt giả thiết về vấn đề này. Tuy nhiên do chúng tôi chưa biết được nguyên nhân sự cố do việc xác định nguyên nhân chỉ sẽ tập trung làm sau khi hoàn thành việc cứu người. Dù là trụ tạm đi nữa thì hồ sơ kỹ thuật cũng phải trình lên đơn vị giám sát. Hiện chúng tôi đang quản lý hồ sơ này.

Hiện trường tai nạn

Việc sử dụng nhà thầu phụ có hợp pháp?

Thời báo Kinh tế Việt Nam: Vì sao chúng tôi không thấy có đại diện các nhà thầu phụ là Công ty Vĩnh Thịnh và Công ty Thăng Long 2 có mặt tại cuộc họp báo này?

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: Vì cuộc họp báo do Bộ GTVT và liên danh nhà thầu chính tổ chức mà thôi.

Tiền Phong: Thực sự có bao nhiêu công nhân làm việc ở công trình lúc xảy ra tai nạn, trong đó có bao nhiêu công nhân của Công ty Vĩnh Thịnh? Việc thực hiện quy định về hợp đồng lao động, bảo hiểm như thế nào?

Ông Kanji Hayama: Ở thời điểm xảy ra tai nạn có tổng cộng 140 người làm việc, trong đó có 75 công nhân Công ty Vĩnh Thịnh. Tôi chỉ có thể nói là tất cả đều phải thực hiện đúng Luật Lao động.

Vietnamnet: Việc lựa chọn nhà thầu phụ có thẩm định năng lực hay không? Vì sao ngay cả tổng số công nhân làm việc ở công trình lúc xảy ra tai nạn không được cung cấp một cách rõ ràng?

Ông Kanji Hayama: Việc lựa chọn nhà thầu phụ đều qua thẩm định về năng lực. Chúng tôi chọn nhà thầu phụ là VSL là một nhà thầu rất có uy tín. VSL ký hợp đồng với Công ty Vĩnh Thịnh và Thăng Long 2 về cung cấp nhân công. Việc thi công trên công trình đều được kiểm tra, tuy nhiên thời điểm xảy ra sự cố là sáng sớm, lúc đó đang là lúc chuẩn bị thi công.

Tiền Phong: Công nhân Công ty Vĩnh Thịnh không có chuyên môn nhưng lại tham gia vào một công trình tầm cỡ như vậy có đúng với thông lệ quốc tế hay không?

Ông Kanji Hayama: Dù là thi công một công trình kỹ thuật cao đến đâu thì cũng vẫn phải có 2 loại công nhân gồm: Công nhân kỹ thuật và công nhân lao động giản đơn (làm những việc không cần đòi hỏi kinh nghiệm). Lao động giản đơn thì thường được tuyển dụng ở địa phương với ý nghĩa công trình đã tạo ra công ăn việc làm cho họ.

Quân đội Nhân dân: Sau sự cố, làm thế nào các ông có thể vừa đảm bảo an toàn thi công vừa có thể tổ chức thi công để theo đúng tiến độ đã định?

Ông Kanji Hayama: Chúng tôi sẽ nghiên cứu việc này sau khi mọi sự bối rối ban đầu qua đi. Như Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã nói, cần phải đảm bảo tiến độ công trình. Chúng tôi rất mong muốn có thể sớm khôi phục công trường để tiếp tục thi công nhưng chưa thể biết đến khi nào mới có thể dọn dẹp xong đống đổ nát.

N.Sơn - M.Vọng - Tiến Trình
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.