Bi kịch đảo người già

22/10/2010 08:27 GMT+7

(TNTS) Thời Pháp thuộc, đảo có tên hành chính là Thanh Châu. Xung quanh đảo có nhiều rạn san hô, bãi đá ngầm, từng nhấn chìm nhiều tàu thuyền qua lại. Cho đến tận bây giờ, thuyền trưởng nào sơ suất lạc tay lái là tàu sẽ bị mắc cạn thủng đáy, hoặc gãy láp (chân vịt) ngay vì những bãi đá, rạn san hô dữ dằn ấy vẫn còn án ngữ dưới những lớp sóng xanh…

Năm 1890, người Pháp đã tiến hành khảo sát, cho xây dựng một ngọn hải đăng, đặt tên là Plogam Bir (Cù Lao Xanh). Ngọn hải đăng này cao sừng sững nơi phong ba bão táp hơn trăm năm qua, hiện vẫn còn rất kiên cố. Nó trở thành "mắt thần" giúp tàu thuyền qua lại vùng biển miền Trung.

Đảo tiền tiêu Cù Lao Xanh của miền đất võ Bình Định được ví là hòn ngọc trên biển, vậy mà những cư dân ở đảo chỉ cách đất liền 12 hải lý này đang âm thầm vật lộn với cuộc sống mưu sinh đầy khắc nghiệt giữa trùng khơi. Trai gái lớn lên lần lượt vào đất liền để lại đảo toàn những người già cả...

Ngàn trùng xa cách

Những ngày trời biển trong xanh, đứng ở TP Quy Nhơn có thể phóng tầm mắt thấp thoáng nhìn rõ Cù Lao Xanh (thuộc đơn vị hành chính xã Nhơn Châu) lồ lộ giữa sóng nước khơi xa. Bằng kinh nghiệm của chàng trai từng chuyên nghề đánh cá, Quân chọn một ngày biển êm trước mùa gió bấc rủ tôi vượt biển ra đảo. Dè dặt e sợ vẫn bị say sóng nhưng vì thiện chí với Quân, rốt cuộc tôi đã cố quyết tâm lên đường. Bước lên chiếc tàu gỗ trông khá nhỏ và cũ kỹ, chòng chành suốt 3 giờ đồng hồ trên biển, trong tôi mới thoáng tan cảm giác thấp thỏm âu lo khi tàu thả neo bám chắc bến đảo Cù Lao Xanh. Nghe đâu chiếc tàu này từng là phương tiện của ngư dân đi đánh cá, nhưng sau đó đã được chuyển hệ sang vận chuyển khách ra vào đảo mỗi ngày. 


Một góc đảo Cù Lao Xanh

Quân nhoẻn miệng cười tươi vì thấy tôi lần đầu tiên khỏe khoắn sau một hành trình dài vượt biển nhờ trời yên bể lặng. Cậu bắt đầu giới thiệu về đất đảo rành rẽ như một hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp. Cù Lao Xanh chỉ rộng chừng 3,5 km2 nhưng đẹp quyến rũ một cách hoang sơ. Du khách mới đến đây đều bị hớp hồn bởi những rặng đá kỳ vĩ ưỡn mình vạm vỡ trước muôn trùng sóng biển.

Quân mời tôi về nhà thăm cho biết nơi ở. Chúng tôi men theo con đường bê tông ngoằn ngoèo khá nhỏ, vắng tanh bóng người qua lại. Hai bên đường chỉ toàn là những ngôi nhà cấp bốn đơn sơ. Hỏi chuyện mới biết: cả đảo chỉ có một ngôi nhà hai tầng. Rất ít gia đình sắm xe máy vì sắm về cũng chẳng biết dùng để đi đâu trên hòn đảo nhỏ hẹp này. Tôi lấy làm ngạc nhiên vì thấy bạn tự mở cửa vào nhà. "Nhà mình sống kiểu tự cung tự cấp. Ở đây ít có một công việc gì có thể đi làm thuê làm mướn kiếm tiền. Có lẽ bố mình đang đi lặn ốc biển, mẹ chắc vá lưới ngoài chợ, thường thì đến giờ nấu nướng, ăn uống mới có mặt ở nhà", Quân vộigiải thích.

Dân số của đảo giảm dần qua từng năm, hiện chỉ có 484 hộ với 2.215 nhân khẩu, nhưng đó là con số báo cáo, chứ thực tế ít hơn nhiều vì rất nhiều người đã rời đảo mà không trình báo chính quyền địa phương.

Có vẻ được tận hưởng thiên nhiên kỳ thú nhưng cuộc sống người dân đất đảo chỉ có… sóng gió là "tài sản" dư thừa, còn lại mọi thứ vật dụng sinh hoạt đều thiếu thốn. Thời tiết ở đây khắc nghiệt nên mọi người không canh tác được ruộng vườn, chủ yếu mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá nhưng lúc có lúc không. Gạo ăn thì phải mua từ đất liền chở ra. Rau sống ở đảo đắt gấp nhiều lần so với thịt cá vì rất khan hiếm. Cù Lao Xanh trước đây nổi tiếng với nguồn cá thu đặc sản. Giăng lưới đăng một ngày có thể bắt được cả ngàn con. Từ ngày người ta đắp đất xây kè, cầu cảng làm dự án xây dựng khu dịch vụ hậu cần nghề cá, luồng chảy bị biến đổi khiến những đàn cá vốn được dân đảo quy đổi bằng vàng bỗng "chạy" biệt tăm… 

Đảo của... người già

Trên đảo cũng có chợ được xây khá hoành tráng nhưng người dân chẳng có gì để nhóm họp. Nó vắng vẻ ngày này sang tháng nọ. Trạm Y tế có phòng phẫu thuật nhưng "xây xong rồi bỏ đó" vì không có bác sĩ và thiếu trang thiết bị. Y sĩ ở đảo chỉ chữa được bệnh cảm sốt thông thường, gặp ca phải mổ thì lập tức ký chuyển vào đất liền. Lỡ mà chuyển không kịp thì đành… chịu chết! Có sản phụ lâm bồn ngay khi đang trên tàu vượt biển...


Cù Lao Xanh còn lại chủ yếu những người già

Mùa nắng đảo thiếu nước ngọt. Mùa mưa bão lại thiếu lương thực vì cô lập. Hằng ngày máy điện của xã chỉ phát điện từ 17 giờ đến 23 giờ. Ở đảo học hết cấp 2 mà muốn học tiếp phải rời đảo vào đất liền. Các gia đình đều khó khăn nên số con em họ lấy được tấm bằng đại học đến nay chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Quân chợt chùng giọng: "Chuyện khổ cực ở đảo còn nhiều lắm, kể mãi cũng không hết đâu bạn ơi!'.

Chiều dần buông. Hoàng hôn nhuộm đỏ biển đảo. Tôi kéo Quân ra bờ biển, đi về phía những tảng đá lớn có bề mặt nhẵn thín nhô ra chặn sóng tầng tầng lớp lớp, đoạn nói: "Nơi này ai có tiền đầu tư làm du lịch thì tuyệt, sẽ hái ra tiền chứ chẳng phải chuyện chơi. Tàu gỗ hiện tại đi mất gần nửa ngày, chứ có tàu cao tốc rút ngắn thời gian ra vào đảo chắc chắn sẽ lôi cuốn du khách thích khám phá cảm giác mới lạ tìm đến…". "Người ta đã có kế hoạch làm rồi. Tiếc là đợi mãi chẳng thấy động tĩnh gì" - Quân lại nhoẻn miệng cười: "Nếu mà có làm du lịch này nọ thì tụi mình đâu có lận đận khổ thân đủ chuyện khi phải bỏ đất đảo ra đi như thế. Bạn bè rủ nhau đi hết trơn nên giờ Cù Lao Xanh thành đảo người già mất rồi!".


Ngọn hải đăng trên 100 năm tuổi ở đảo

Thế đấy, biển xanh, cát trắng, phong cảnh hữu tình… nhưng lại thiếu bóng dáng nam thanh nữ tú. Và như thế, cái làm nên linh hồn cho bức tranh tuyệt đẹp của thiên nhiên là tình yêu đôi lứa cũng không có nốt!

Vượt sóng tìm duyên

Từng nhiều năm gắn bó với "đảo người già", trung tá Phan Văn Hào - Đồn trưởng Đồn Biên phòng 332 - khi gặp chúng tôi đã gọi đó là những cuộc "di tản vì tình yêu" khiến cho đảo vốn đã ít người lại càng thưa vắng hơn.

Cư dân trên đảo nay chủ yếu còn lại những người già và những đôi vợ chồng trung niên cố bám trụ với mảnh đất ông cha để lại. Nam thanh nữ tú ở đảo phần đông có mối quan hệ họ hàng với nhau. Đến tuổi kén vợ chọn chồng thì "đỏ mắt" cũng không có mối nào để… tán, bèn tìm cách ra đi, mong kiếm tìm tình yêu và xây dựng gia đình. Không đi thì chẳng đặng nào/Đi thì lại sợ ba đào lênh đênh... Bạn bè Quân thường bày tỏ nỗi niềm của mình bằng một câu ca như thế, bởi lẽ những cuộc ra đi vì tình yêu ấy không phải lúc nào cũng đều dễ dàng đạt được ước nguyện. 

Sau những ngày dài lênh đênh với nghề biển nhưng chẳng khấm khá gì, Quân cũng quyết định rời đất đảo từng bao năm gắn bó tuổi thơ của mình để vào đất liền làm công nhân. Cuộc "di tản" của Quân không chỉ vì kế mưu sinh mà mục đích chính là khởi đầu cho một hành trình kiếm tìm tình yêu...

 Bài & ảnh: Đình Phú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.