Huỳnh Ngọc Sĩ loanh quanh chối tội

15/10/2010 17:36 GMT+7

(TNO) Chiều 15.10, bên công tố đã đưa ra những chứng cứ chứng minh Huỳnh Ngọc Sĩ đã nhận tiền hối lộ của PCI. Trước tòa, Huỳnh Ngọc Sĩ vẫn khăng khăng: “Tôi không nhận” và loanh quanh chối tội.

HĐXX hỏi Huỳnh Ngọc Sĩ câu hỏi: “Bên Nhật, các quan chức PCI, những người đưa hối lộ cho bị cáo đã bị xử lý, chẳng lẽ bị cáo là người nhận hối lộ lại vô can?”.


Huỳnh Ngọc Sĩ khăng khăng: "Tôi không nhận" - Ảnh: Diệp Đức Minh

Huỳnh Ngọc Sĩ một mực khẳng định: “Tôi không nhận”. Huỳnh Ngọc Sĩ cho rằng mình không phải là người có quyền quyết định tất cả các vấn đề của dự án mà phải trình UBND TP.HCM và có sự phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

Trước lý lẽ đó, Viện KSND đã bắt bẻ lại với hàng loạt câu hỏi: “Bị cáo có được quyền thay mặt chủ đầu tư làm việc với PCI như là một đối tác trực tiếp không?”, “Bị cáo là người đại diện cho BQLDA ký công văn đề nghị UBND TP.HCM trình Thủ tướng Chính phủ cho phép gói thầu tư vấn giám sát được thực hiện theo phương pháp chỉ định thầu?”, “Bị cáo là người ký hợp đồng tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, tạm ứng, thanh toán… cho PCI?”.

Theo cáo trạng của Viện KSND, ông Sakashita Haruo (thành viên Ban giám đốc PCI, Trưởng phòng các dự án giao thông) đã bàn bạc với các quan chức của PCI ở VN về việc tìm cách gặp gỡ quan hệ với Huỳnh Ngọc Sĩ dò hỏi xem phải đưa hối lộ bao nhiêu để đạt mục đích nói trên.

Ông Sakano Tsuneo (Trưởng Văn phòng đại diện PCI tại VN) và ông Kondo Masami (Giám đốc Dự án Cải thiện môi trường nước TP.HCM) đã tìm cách tiếp cận với Huỳnh Ngọc Sĩ thông qua Nguyễn Thanh Hoàng, chủ khách sạn Norfolk, TP.HCM, nơi các quan chức PCI thường xuyên trú ngụ và là bạn của Huỳnh Ngọc Sĩ.

Sau nhiều lần gặp gỡ, hai bên thống nhất PCI đưa hối lộ 10% giá trị của hợp đồng tư vấn thiết kế, tương đương 900.000 USD để trúng thầu. Sau đó, PCI tiếp tục thỏa thuận chi cho Huỳnh Ngọc Sĩ 11% giá trị hợp đồng tư vấn giám sát, tương đương 1.700.000 USD để được chỉ định thầu.

Lời khai của các quan chức PCI, kết quả xác minh xuất nhập cảnh, việc rút chuyển tiền, nhận dạng qua ảnh, tài liệu của Bộ Tư pháp Nhật Bản cung cấp... cho thấy trưa 28.5.2003, tại phòng làm việc của Huỳnh Ngọc Sĩ, các quan chức PCI đã đưa hối lộ cho Huỳnh Ngọc Sĩ 262.000 USD, tương đương hơn 4 tỉ đồng (theo tỷ giá lúc đó).

Huỳnh Ngọc Sĩ đã thừa nhận những vấn đề Viện KSND đặt ra ở trên đều đúng, mình có quyền hạn đó và “Tôi là người ký tất cả các hợp đồng”.

Như vậy, từ những thừa nhận của bị cáo, Viện KSND kết luận Huỳnh Ngọc Sĩ hoàn toàn có mọi quyền hạn quyết định trong dự án từ làm trưởng đoàn thương thuyết, đàm phán, chọn thầu, ký hợp đồng, tạm ứng, thanh toán…

Điều này hoàn toàn logic với những gì PCI đã khai nhận rằng, là phải tìm mọi cách tiếp cận bị cáo để có được những thuận lợi trong việc thương thảo, ký các hợp đồng gói thầu và những “ưu ái” khác.

Viện KSND cũng xác định lời khai của PCI và Lê Quả đều khớp với nhau và hợp logic.

Mặc dù vậy, Huỳnh Ngọc Sĩ vẫn quả quyết không nhận hối lộ.

Viện KSND hỏi thêm bị cáo tại sao khi thương thảo hợp đồng với chuyên gia tư vấn nước ngoài về mức lương, bị cáo không dựa trên biên bản ký kết giữa Ngân hàng JBIC và Chính phủ Việt Nam (28.10.1999) về mức lương đối với chuyên gia tư vấn nước ngoài.
 
Theo Huỳnh Ngọc Sĩ: Biên bản này không phải là căn cứ pháp lý, không phải là căn cứ đàm phán. Đó chỉ là dự trù kinh phí để bên Nhật cho mình vay.

Trong khi đó, Viện KSND cho biết, trong quá trình điều tra, Lê Quả đã khai nhận và thừa nhận sai sót trong việc đàm phán về mức lương cho chuyên gia tư vấn nước ngoài mà không dựa trên biên bản ngày 28.10.1999.

Huỳnh Ngọc Sĩ nói rằng, ông Quả nói thế vì không nắm rõ pháp lý, quy trình xây dựng cơ bản.

Về vấn đề thanh toán tiền, Viện KSND hỏi bị cáo suy nghĩ thế nào khi ký quyết định thanh toán tiền trong khi chưa đầy đủ hồ sơ mà đặc biệt là biên bản nghiệm thu?

Bị cáo cho rằng mình làm vậy là đúng theo hợp đồng. Nhưng khi Viện KSND hỏi lại thông tư của Bộ Tài chính quy định việc này thế nào, thì bị cáo cho biết quy định phải có biên bản nghiệm thu.


Bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ được đưa ra xe sau phiên xử chiều 15.10 - Ảnh: Nguyên Mi

Viện KSND tiếp tục đặt vấn đề với Huỳnh Ngọc Sĩ rằng, nếu gói thầu không đạt chất lượng thì thiệt hại thuộc về ai? Nguyên Giám đốc BQLDA đang đứng tại vị trí bị cáo loanh quanh trả lời: “Biên bản nghiệm thu chỉ là hình thức còn chúng tôi đã kiểm tra nghiệm thu. Tôi làm đúng như hợp đồng”.

Theo Huỳnh Ngọc Sĩ, giữa BQLDA và PCI không có biên bản nghiệm thu mà theo hợp đồng chỉ có chứng nhận thực hiện.

Viện KSND giữ vai trò công tố đã khẳng định bị cáo làm như thế là sai quy định trong thông tư của Bộ Tài chính.

Phiên tòa tạm nghỉ vào lúc 17 giờ ngày 15.10. Ngày mai, tòa sẽ tiếp tục bước vào phần tranh luận.

Nguyên Mi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.