Rào cản còn cao hơn cả hạn ngạch!

05/10/2006 00:28 GMT+7

Việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) của Việt Nam không chỉ là mong muốn và quyền lợi của Việt Nam, mà còn là mong muốn và quyền lợi của nhiều nước khác, trong đó có Mỹ.

Việt Nam bây giờ đã khác xa so với cách đây vài chục năm. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt trên dưới 8%, có nghĩa là quy mô GDP sẽ cao gấp đôi trong vòng chưa đến 10 năm, cũng có nghĩa là GDP bình quân đầu người chỉ sau 10 năm sẽ cao gấp đôi. Dung lượng thị trường tiêu thụ của Việt Nam không chỉ được quyết định bởi dân số đông (cuối năm nay sẽ vượt 85 triệu người, đứng thứ 13 trên thế giới), mỗi năm vẫn tiếp tục tăng trên 1 triệu người, mà còn đầy tiềm năng, do mức tiêu dùng còn thấp nên nhu cầu tiêu thụ không chỉ tăng về khối lượng, mà còn tăng về chủng loại, chất lượng…, có thể được coi là niềm mơ ước của nhiều nhà đầu tư và kinh doanh của nước ngoài. Chẳng những là thị trường đầy tiềm năng, nếu Việt Nam gia nhập WTO, đầu tư vào Việt Nam không những được hưởng nhiều ưu đãi, được mở rộng cửa cho nhiều lĩnh vực, có nguồn nhân công rẻ, hàng hóa sản xuất tại nước ta xuất vào các nước được cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu…

Tuy nhiên, khi quy mô xuất khẩu của Việt Nam lớn lên, khối lượng xuất khẩu vào các nước tăng, ít nhiều ảnh hưởng đến quy mô và tốc độ tăng của một số nhà sản xuất của nước sở tại, thì nước sở tại thường dựng lên các rào cản thương mại bằng hàng rào thuế quan hoặc phi thuế quan, tức là bằng thuế suất cao, bằng khống chế hạn ngạch, bằng kiện bán phá giá… Gọi là lớn lên, nhưng xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ; ngay kim ngạch xuất khẩu dệt may vào Mỹ chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam, nhưng nếu so với tổng kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may của Mỹ thì chỉ chiếm có vài ba phần trăm! Ấy vậy mà Mỹ đã đưa ra hạn ngạch để khống chế.

Khi Việt Nam gia nhập WTO, thì hạn ngạch sẽ phải bỏ đối với các nước thành viên WTO. Tuy chỉ còn hai thượng nghị sĩ chưa đồng ý thông qua quy chế PNTR cho Việt Nam, nhưng Chính phủ Mỹ đã đưa ra cơ chế kiện bán phá giá để hai thượng nghị sĩ này đồng ý và Quốc hội Mỹ sẽ thông qua quy chế PNTR trước khi Tổng thống Mỹ dự Hội nghị APEC tại Việt Nam. Theo phân tích của các nhà chuyên môn, quy chế này còn là rào cản lớn hơn cả hạn ngạch. Hạn ngạch còn là mức biết trước, các doanh nghiệp sẽ chủ động kế hoạch sản xuất và xuất khẩu; hết hạn ngạch tại thị trường Mỹ thì tìm và chuyển thị trường khác. Nhưng nếu theo cơ chế kiện bán phá giá thì các doanh nghiệp sẽ rất bị động, có thể bị kiện bán phá giá để rồi chịu thuế suất chống bán phá giá cao bất kỳ lúc nào; các nhà nhập khẩu Mỹ cũng e ngại tình hình này mà chuyển sang ký hợp đồng nhập khẩu của các nước.

Bởi vậy, Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Lê Quốc n đã đưa ra quan điểm là Việt Nam không nên vào WTO bằng mọi giá.

N.M

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.