Người bị hại đòi xem xét trách nhiệm ngành đường sắt

27/09/2006 22:31 GMT+7

*Ngành đường sắt lấy tiền “kính viếng” trừ vào tiền bồi thường thiệt hại cho người bị hại Ngày 27.9, tại trụ sở TAND tỉnh Thừa Thiên-Huế, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng đã đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án tai nạn tàu E1.

Như Thanh Niên đã thông tin, vào 11 giờ 49 ngày 12.3.2005, lái tàu Bùi Thái Sơn trực tiếp điều khiển đầu máy D19E909 kéo đoàn tàu E1 gồm 13 toa, chở 503 hành khách cùng 35 nhân viên ngành đường sắt chạy theo hướng Huế - Đà Nẵng, khi đến khu vực Km 751+900 đến Km 752+050 (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên- Huế), do chạy quá tốc độ cho phép đã gây lật tàu làm 11 người chết, 86 người bị thương, thiệt hại của ngành đường sắt là hơn 4,6 tỉ đồng.  

Án sơ thẩm của TAND tỉnh Thừa Thiên- Huế đã tuyên phạt bị cáo Bùi Thái Sơn 13 năm tù và bị cáo Hà Minh Tâm (phụ lái) 7 năm tù cùng về tội "không chấp hành các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt". Ngoài ra, án sơ thẩm còn tuyên buộc Tổng công ty Đường sắt VN tiếp tục bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần cho đại diện hợp pháp của 11 người chết và 86 người bị thương với các mức bồi thường khác nhau.

Sau phiên sơ thẩm, hai bị cáo và đại diện những người bị hại đã kháng cáo xin cấp phúc thẩm xem xét lại vụ án. Tại tòa hôm qua, hai bị cáo Sơn và Tâm cho rằng mức hình phạt mà tòa sơ thẩm đã tuyên cho hai bị cáo là quá nặng, trong khi nguyên nhân chính xảy ra vụ tai nạn là do cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành đường sắt không đảm bảo, cụ thể là chiếc lưỡi móc đầu đấm bị đứt gãy của toa tàu đã từng được hàn gia cố. Phía đại diện những người bị hại thì kiến nghị tòa phúc thẩm xem xét trách nhiệm của ngành đường sắt với tư cách là chủ phương tiện đã gây ra tai nạn; đồng thời xem xét trách nhiệm hình sự đối với những người có liên quan khác của ngành này. Đáng chú ý, tại tòa, một số thân nhân của những người bị nạn đã bức xúc trưng ra các phong bì của ngành đường sắt ghi các khoản tiền "kính viếng", nhưng sau đó lại trừ vào tiền bồi thường. Ông Nguyễn Hoàng Thọ, bố của nạn nhân Nguyễn Thị Ngân Thảo, thiệt mạng trong vụ đổ tàu, cho rằng: việc ứng xử như trên của ngành đường sắt không những không xoa dịu được mà còn xoáy thêm vào nỗi đau của gia đình những người bị nạn. Phúng điếu là phạm trù tình cảm trong khi bồi thường thiệt hại là trách nhiệm pháp lý. Thêm nữa, khi ngành đường sắt đến "kính viếng" các nạn nhân, giữa hai bên không hề có thủ tục giao nhận ký tá gì nên không thể cho rằng như vậy là đã bồi thường thiệt hại. Phiên tòa dự kiến sẽ kết thúc vào chiều nay, 28.9.

Bùi Ngọc Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.