Khiêm nhường ở lại

15/09/2007 16:20 GMT+7

Những tên sách, tên phim thật lạ, cứ gờn gợn buồn rầu, dự cảm bất an và đích thực đàn bà: Hạt mưa rơi bao lâu (tên tiếng Anh là Bride of Silence - Cô dâu câm lặng), Và khi tro bụi, Tội lỗi hồn nhiên, Mưa ở kiếp sau (vừa được NXB Văn học in xong) của Đoàn Minh Phượng... để bao giờ tôi cũng gắng hình dung. Rằng phía sau những khuôn hình chuẩn mực - duy mỹ, quá duy mỹ (lời nhà thơ Phan Thị Vàng Anh) của phim, đằng sau những câu chữ nhẹ nhõm và nỗi cay đắng hay niềm vui được viết mong manh trên trang sách, chị là ai ngoài những gì người ta đã biết?

Và khi tro bụi là một tiểu thuyết không nhiều trang, nhưng nó giống một bộ phim biết cách làm, nghĩa là ngay lập tức ám ảnh người đọc từ những trang đầu tiên. Một người phụ nữ ngập trong buồn rầu của nỗi đau mất chồng, không khóc, không kêu lên đau đớn nhưng sự mất mát thì bám chặt vào từng chi tiết, và sự tuyệt vọng như không có một lối thoát nào ngoài cái chết. Sự bình tĩnh suy tính đến cái chết của nhân vật nữ đã đẩy người đọc đến tận cùng... Dù người viết, vô tình hay cố ý lại chọn những câu chữ thật thản nhiên.

* Dường như người đọc hay có xu hướng cố gắng tự tìm những lý giải về người viết đằng sau những trang viết của họ. Có phải đó là hình ảnh chính xác với chị đằng sau Và khi tro bụi không?

- Hình như người ta tự để lộ mình nhiều nhất trong tác phẩm đầu tay, có lẽ vì thiếu kinh nghiệm.   

* Chị đã viết: “Thế giới này không có gì khó chia tay. Nhưng tôi vẫn ước gì lòng tôi bình an hơn vào hôm tôi phải đi. Có cách nào không?”. Sự thực là tất cả chúng ta đều sẽ chết, nhưng ý niệm về cái chết với mỗi người rất khác nhau. Cái chết - với chị có hình dung như thế nào?

- Tôi tin vào khoa học, nhưng tôi cũng mang tâm linh một người Việt. Con người khoa học trong tôi tin rằng chúng ta có ý thức chứ không có linh hồn, và ý thức sẽ chấm dứt khi não không còn sống. Nhưng là người Việt, tôi luôn luôn tin rằng những người thân yêu của chúng ta khi chết rồi họ vẫn còn đó, vẫn buồn hay vui, trách móc hoặc phù hộ cho chúng ta. Nếu bạn còn yêu một người đã khuất, thì chắc chắn người đó phải còn quanh đây, đằng sau một bức màn, không thể là hư vô, bởi vì bạn không thể yêu sự hư vô và thắp hương nói chuyện với hư vô. Thế giới bên kia tồn tại trong tình yêu của người sống. Tình yêu không phải là điều bất biến và bất diệt. Khi tình yêu tan hoặc ngủ yên, những linh hồn cũng tan hoặc ngủ yên.   

Người phụ nữ sinh ra ở VN, sống hơn nửa đời người ở Đức mà sự xa cách quê hương dường như chỉ làm cho phần phương Đông sâu thẳm nơi chị càng đầy ắp hơn. Những xúc cảm quen được giấu đi, nên chảy ngược vào trong chân dung một người đàn bà dường như hơi nhút nhát và quá đỗi dịu dàng...

Mái tóc dày nặng và cái vẻ khiêm nhường cố hữu của chị dễ làm người ta phân vân, nói chuyện rụt rè, e ngại hơn. Chị luôn tạo cho người đối thoại cảm giác về một người đàn bà bí ẩn, không xa lạ nhưng không dễ biết, không dễ hiểu ngay từ những lần tiếp xúc đầu tiên. Và cũng thật bất an rất lạ khi nhận ra chị lại có cái gì đó thơ trẻ trong ánh nhìn, cái cách ngập ngừng một chút trước khi nói, cái cười bẽn lẽn đến ngạc nhiên.

Đạo diễn, nhà văn Đoàn Minh Phượng sang định cư tại Đức từ sau 1975, viết văn, làm phim tài liệu và quản lý nghệ thuật. Trở về VN để làm phim, Hạt mưa rơi bao lâu đã giành được các giải: Đặc biệt - Liên hoan phim (LHP) Rotterdam (Hà Lan); giải Phim đầu tay hay nhất LHP Kerela (Ấn Độ) cùng một số giải trong các LHP Bangkok, Las Palmas... đồng thời được giới thiệu ở trên 20 LHP quan trọng trên thế giới. Là nhà văn, với một số truyện ngắn, Đoàn Minh Phượng đã xuất bản: Và khi tro bụi gây nhiều chú ý cùng Mưa ở kiếp sau mới in xong. 

* “Chữ viết”, thứ ngôn ngữ giống như một công cụ mà chắc chắn những người viết sẽ biết ơn người sáng tạo ra nó, cũng đồng thời là những người luôn sáng tạo không ngừng. Chị “đối xử” với “chữ” như thế nào?

- Nếu đã chọn làm người viết, thì ngôn ngữ gần như là tất cả, nó là màu của họa sĩ, cây đàn của người viết nhạc. Nếu bạn đọc nhiều, giỏi ngôn ngữ, thì công cụ của bạn tốt, cũng như người họa sĩ mua được màu tốt và hiểu rõ cảm xúc mà các màu pha tạo ra. Nhưng công cụ nào cũng quyến rũ người dùng nó sử dụng những mẫu mực có sẵn, những mẫu mực đã trở thành kinh điển. Tôi học ngoại ngữ, hiểu rằng học một ngôn ngữ tức là học những câu - hoặc vì dùng nhiều hoặc vì hay - đã trở thành mẫu mực. Cái đẹp cũng có những mẫu mực. Ngược với cái đẹp quen thuộc với nhiều người và dễ dàng được cảm nhận, là sự bất an trước cuộc đời và cả cách mình có phản ứng với cuộc đời đó. Tôi viết được nhiều nhất khi tôi thấy hoang mang hoặc không có lời cho những tình cảm và suy nghĩ của chính mình. Những câu mẫu mực không nói được về sự hoang mang đó.

Viết là cách sắp xếp một kinh nghiệm hay “nhốt gió” (chữ của nhà văn Bình Nguyên Lộc) một cảm xúc, tìm cách chạm đến những điều ở vùng ven hay đáy của tâm tưởng. Cho dù những điều sau khi được viết ra trên giấy không biết sẽ trở thành những sự thật hay mãi là những mộng mị. Tôi cố gắng trung thành với ý nghĩ hơn là với chữ, dù có khi ý nghĩ còn quá mỏng manh bất định, mà chữ thì dường như đã có dòng chảy dễ dàng êm xuôi rồi.

Tôi cố gắng không để cho sự êm tai của ngôn ngữ đưa mình đi, mà phải luôn luôn tự hỏi câu mình đang viết có nói được ý nghĩ hoặc cảm xúc - kể cả sự mong manh bất an của tâm tưởng - hay không? Hay mình viết ra câu đó một phần nào là vì xưa nay người ta vẫn viết như vậy? Có lẽ sáng tạo chỉ có nghĩa giản dị như vậy thôi. Người đọc không đòi hỏi điều bạn viết có phải là “sự thật” chưa. Họ không trách những bất an hay mộng mị, họ chỉ trách sự giả dối. Cho nên dù có nhiều cách “đối xử” với chữ, chỉ có một cách viết duy nhất thôi, đó là thành thật.   

Đoàn Minh Phượng được biết đến như một người viết với cái tên Đoàn Minh Hà và truyện ngắn Tội lỗi hồn nhiên, là đạo diễn khi chị cùng em trai mình thực hiện bộ phim Hạt mưa rơi bao lâu. Bộ phim được làm với các họa sĩ đương đại hàng đầu Việt Nam như Trương Tân, Minh Thành để nhiều trường đoạn, mỗi cảnh phim đã là một tác phẩm nghệ thuật, nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn. Sự duy mỹ đến cực đoan của chị Phượng thể hiện rất rõ trong phim, đánh dấu một phong cách làm phim khác đi, vượt lên trên những hiện thực (vốn thường là lựa chọn của hầu hết đạo diễn VN) để cảm giác của mình được buông thả.

Poster phim Hạt mưa rơi bao lâu

* Làm phim và viết sách, hai chuyện khác hẳn nhau, hai trạng thái khác nhau xét theo cả vật lý lẫn tinh thần. Chị thấy “là mình” nhất ở trạng thái nào?

- Tôi nghiêng về giác quan và trực giác nên làm phim có một sức lôi cuốn mãnh liệt. Phim có thoại, nhưng ngoài lời nói của nhân vật ra, phim không qua trung gian của chữ viết, mà chạm đến khán giả qua các giác quan của họ: qua tai và qua mắt. Sự rét mướt, mùi hương, vị ngọt được nhận thấy qua hình ảnh cũng trực tiếp hơn qua chữ viết. Người ngồi trong rạp tiếp nhận được thông tin bằng ý thức của mình, lẫn những hình ảnh và âm thanh loáng thoáng trong vô thức. Những thứ đi qua vô thức đôi khi tác động lên tình cảm mạnh mẽ hơn cả ý thức. Phim vì thế có thể là một hình thức nghệ thuật toàn diện. Và ai mà không muốn thử sử dụng hình thức đó một lần? 

Nhưng phim không bao giờ có thể riêng tư như những trang sách. Phim, ngay trong sự tổ chức và phân công để sản xuất ra nó, khó có thể làm phương tiện để bày tỏ sự bất an, băn khoăn của một người còn đang đi tìm cả sự thật lẫn mộng mị. Chỉ có những người rất giỏi và được đoàn phim nghe lời vô điều kiện mới làm được điều đó, và số những đạo diễn này hiếm. Khi viết, truyện là của riêng mình. Khi được đọc, nó là câu chuyện giữa riêng mình và người đọc. Đó là mối quan hệ tôi nghĩ là đẹp đẽ nhất và luôn luôn ao ước. Người hiểu thiền luôn luôn “là mình” ở mọi trạng thái, lúc uống rượu, đi mua rau, cãi nhau hay lơ mơ ngủ. Tôi thì chỉ thấy mình “là mình” nhất lúc nằm lơ mơ, nghĩa là sắp được ngủ thôi. Còn lúc viết hay làm phim tôi thấy mình là oshin, dù rằng oshin cho ai thì tôi không biết.

* Người ta có thể kiệt sức với một cuốn sách hay một bộ phim vì sự rung động tận cùng mà tác giả đem lại không?

- Có chứ, tôi kiệt sức vì sách, thì gấp nó lại, kiệt sức vì phim, thì tắt máy để hôm khác xem tiếp, và chỉ xem một đoạn thôi. Dĩ nhiên tôi chỉ làm vậy khi cưỡng lại được sự hấp dẫn của sách hay phim mình đang xem thôi. Nếu khả năng rung động của mình không theo kịp những thứ mà tác giả dấy lên, thì tôi sẽ xem, hay đọc lại đôi ba lần.

Những cuộc trò chuyện loay hoay giữa các quán cà phê vì chị rất bận. Ngoài dự án làm phim Nguyên tiêu mà chị đang theo đuổi còn là cuốn sách Mưa ở kiếp sau vừa xuất bản, và những công việc kinh doanh mà chị làm cùng gia đình ở VN. Chưa đủ tất cả để hiểu hết về chị, nhưng cố thêm một chút thì không nỡ, sợ giống một sự làm phiền. Tôi đành chờ đợi, một người bạn lớn, đầy khiêm nhường đến thế, giữa khoảng lặng ngơi nghỉ nào đó, sẽ điện thoại hẹn gặp, một giọng êm ả, nhẹ nhõm và những câu chuyện, lúc nào cũng nhẹ nhõm, nhưng ám ảnh khôn nguôi.

Cát Khuê

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.